Giáo dục nghề nghiệp: ‘Cuộc đua’ không công bằng
Giáo dục nghề nghiệp dường như vẫn bị tách rời khỏi hệ thống giáo dục quốc dân do những bất cập về chính sách đầu tư, về tư duy quản lý khiến cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rơi vào tình trạng phải tham gia ‘cuộc đua’ không công bằng.
Giáo dục nghề nghiệp: ‘Cuộc đua’ không công bằng
Giáo dục nghề nghiệp dường như vẫn bị tách rời khỏi hệ thống giáo dục quốc dân do những bất cập về chính sách đầu tư, về tư duy quản lý khiến cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rơi vào tình trạng phải tham gia ‘cuộc đua’ không công bằng.PGS-TS Đỗ Văn Dũng- Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM trao đổi tại hội thảo – Ảnh: HÀ THANH
Vấn đề “nóng” này đã được trao đổi sôi nổi tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2019 do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 20-9, bàn về phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế.
Hai đường thẳng song song
PGS.TS. Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM – cho rằng trong bài toán của hệ thống của giáo dục, GDNN phải đặt trong khuôn khổ chung và là bài toán cần ưu tiên giải quyết đầu tiên.
“Hiện nay GDNN bị tách rời ra khỏi hệ thống giáo dục cả nước. Ngay cả tuyển sinh, GDNN tuyển sinh khó, phải chạy vạy. Các trường phải đi đây đi đó tìm cách lôi kéo sinh viên nghề. Dữ liệu các em học sinh phổ thông tốt nghiệp đăng ký, Bộ GD-ĐT cũng làm riêng, hệ thống GDNN làm riêng, không chia sẻ cơ sở dữ liệu. Chương trình đào tạo chạy riêng rẽ, như hai đường thẳng song song, làm sao chúng ta liên kết với nhau được?” – ông Dũng chia sẻ.
Về đào tạo giáo viên, lại xảy ra tình trạng chia cắt theo từng hệ thống: có 6 trường đại học sư phạm kỹ thuật thì 3 trường trực thuộc Bộ GD-ĐT, ba trường trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH.
“Hiện nay ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM không đào tạo giáo viên dạy nghề, GDNN nữa. Vì sao? Chỉ vì một yếu tố mà không có thì những người ủng hộ tài chính không ủng hộ GDNN, bảo không cung cấp kinh phí. Đó là các ngành nghề của trường không có trong danh mục trường sư phạm.
Ví dụ chúng tôi đào tạo giáo viên dạy nghề ô tô, cơ khí mà họ bảo không có, nên bắt buộc chúng tôi phải bỏ. Trường đầu ngành, đầu tiên của đất nước đào tạo giáo viên dạy nghề mà phải từ bỏ đào tạo giáo viên dạy nghề, thử hỏi cách hiểu của các bộ, ban, ngành liên quan có cơ chế chính sách như vậy, hỏi đâu có sự phát triển của GDNN được?”- ông Dũng trao đổi.
Ba vấn đề mấu chốt
Ông Phan Thanh Bình – Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng – cho biết qua giám sát, Ủy ban nhận thấy có ba vấn đề mấu chốt trong GDNN: Hệ thống cơ chế, chính sách; Chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN.
Ba vấn đề này giải quyết tốt mới tác động mạnh mẽ đến vấn đề thứ tư là tâm lý xã hội, thể hiện trong xu thế lựa chọn GDNN.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban VHGD TTN NĐ của Quốc hội: “Giáo dục nghề nghiệp cần được nhìn nhận ngang bằng với giáo dục đại học” – Ảnh: HÀ THANH
“Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học là 4 khối trong hệ thống giáo dục quốc dân cần được đánh giá và coi trọng ngang nhau mới có thể tạo thành một chỉnh thể GD-ĐT. Đến lúc GDNN cũng phải được đầu tư chuẩn mực như giáo dục đại học” – ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
75% đào tạo ngắn hạn, sơ cấp
Thông tin này được trao đổi tại hội thảo. Con số ít ỏi dưới 25% lao động Việt Nam có chứng chỉ đào tạo nghề đang là thách thức trong việc đi tìm giải pháp bứt phá cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Năm 2017-2018, GDNN tuyển sinh được 2,2 triệu người/năm. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 540 ngàn người/năm, trình độ sơ cấp và các chương trình ngắn hạn khoảng 1,6 triệu người/năm.
Theo số liệu của Tổng cục GDNN, đến tháng 6-2919, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN. Ước tính đến hết năm 2019, theo chủ trương sắp xếp, tổ chức lại hệ thống, các cơ sở GDNN sẽ giảm bình quân 2,56%.
Theo bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH - cơ cấu trình độ đào tạo nghề nghiệp chưa hợp lý hiện nay cũng là điểm hạn chế phải suy nghĩ. Đào tạo sơ cấp, ngắn hạn chiếm 75%, đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm 25% trong tổng số tuyển sinh. Nhiều cơ sở GDNN chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và chưa đáp ứng trúng nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu đổi mới cơ cấu kinh tế.