26/11/2024

Hội An, Mỹ Sơn truyền cảm hứng bảo tồn

Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày Hội An, Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh di sản văn hoá thế giới, chiều 7-9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị đánh giá và tuyên dương công tác bảo tồn, phát huy giá trị hai di sản.

 

Hội An, Mỹ Sơn truyền cảm hứng bảo tồn

Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày Hội An, Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh di sản văn hoá thế giới, chiều 7-9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị đánh giá và tuyên dương công tác bảo tồn, phát huy giá trị hai di sản.
 
 
 

Hội An, Mỹ Sơn truyền cảm hứng bảo tồn - Ảnh 1.

Nhờ giữ gìn tốt, Hội An nay đã trở thành điểm đến được cả thế giới biết đến – Ảnh: HOÀNG DUY

 

Các bạn đã truyền cảm hứng cho UNESCO và các đối tác khác để đảm bảo rằng di sản luôn được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển bền vững.

Ông Michael Croft (trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội)

Ông Nguyễn Thanh Hồng – giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam – cho biết qua 20 năm từ ngày UNESCO vinh danh, Hội An và Mỹ Sơn đã có một bước tiến vượt bậc. 

Từ địa điểm ít người biết tới, nay Hội An cũng như khu đền tháp Mỹ Sơn đã thành điểm đến toàn thế giới.

Sự đồng thuận của dân giúp bảo vệ di sản

Ở Hội An, nếu năm 1999 chỉ có khoảng 100.000 lượt khách tham quan thì tới năm 2018 con số này đã vọt lên 2,3 triệu. 

Năm 1999 cả Hội An chỉ có 17 cơ sở lưu trú thì nay đã đạt 638 cơ sở, với năng lực phục vụ gần 10.500 phòng.

Du lịch đã đem đến công ăn việc làm, thay đổi toàn bộ phố cổ và vùng ven, thu nhập bình quân đầu người của Hội An nay đạt 46 triệu đồng/năm. 

Tại Mỹ Sơn, số khách tham quan tăng theo từng năm. Thời điểm năm 1999 Mỹ Sơn chỉ có vài trăm lượt thì năm 2018 đã lên tới gần 400.000 lượt.

Điều quan trọng, sự phát triển của hai di sản này đã kéo theo sự thay đổi toàn diện của các huyện vùng ven, tạo động lực vực dậy các làng nghề, giữ gìn các giá trị văn hóa, thiên nhiên. 

Trong đó định hướng du lịch sinh thái theo hướng bền vững đã được đầu tư, để năm 2009 UNESCO tiếp tục đưa Cù Lao Chàm – Hội An vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Nhờ bảo tồn tốt, đến nay cả Cù Lao Chàm, Hội An lẫn Mỹ Sơn đều được bảo vệ nguyên vẹn. 

Các khu đền tháp, nhà cổ, hệ sinh thái trong tình trạng tốt, đảm bảo tính chân xác của di sản, tạo nên sự hấp dẫn làm du khách càng kéo tới nhiều hơn.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho biết có được bước tiến này là kết quả của một quá trình xây dựng hoàn thiện các quy định để bảo tồn, gìn giữ di sản. 

Hội An, Mỹ Sơn cũng đã xây dựng được một đội ngũ nghệ nhân, những người giàu kinh nghiệm trong việc bảo tồn.

“Một trong những bài học được tỉnh rút ra qua 20 năm trong việc giữ di sản là công tác tuyên truyền, giáo dục về di sản, từ đó tạo sự đồng thuận trong dân hết sức quan trọng” – ông Hồng nói. 

Phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng vai trò của người dân – chủ thể của di sản – là then chốt, đóng vai trò quyết định trong việc sống còn của di sản.

Hội An, Mỹ Sơn truyền cảm hứng bảo tồn - Ảnh 3.

Khu đền tháp Mỹ Sơn – Ảnh: B.D.

 

Những thách thức

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn, một thử thách ngày càng lớn với công tác bảo tồn tại Hội An là tình trạng biến đổi khí hậu. 

Phố cổ Hội An nằm ở cửa biển, tại một địa điểm rất nhạy cảm về mặt tự nhiên, thường xuyên gánh chịu các đợt ngập lụt lớn. 

Nhiều năm nay, việc trùng tu đang được thực hiện theo hướng tất cả công trình phải vừa được bảo tồn nguyên vẹn vừa làm sao chống chịu tốt với biến đổi khí hậu.

Ông Lê Trung Cường – phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên – cho biết tại Mỹ Sơn, việc bảo tồn khu đền tháp này rất khó khăn bởi tuổi đời di sản đã lâu, lại nằm ở khu vực bao quanh là rừng núi. 

Nhiều năm nay, việc trùng tu đều được thực hiện bởi các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia từ Bộ VH-TT&DL.

Bà Trần Thị Hồng Thúy – giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – nói Cù Lao Chàm đang đối diện với một loạt thử thách lớn, đặc biệt là sức ép từ du lịch, ô nhiễm môi trường. Nhưng quan điểm đặt ra là bằng mọi cách phải giữ được hòn đảo sinh thái, tự nhiên này.

Ông Michael Croft – trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội – cho rằng di sản có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của cộng đồng người dân. 

“Việt Nam đã học hỏi các bài học về bảo tồn từ thế giới, nhưng ngược lại những kinh nghiệm của các bạn, của Hội An và Mỹ Sơn cũng là bài học quý cho thế giới. Tôi chúc mừng những nỗ lực tuyệt vời của chính quyền, người dân hai di sản đã đem lại những thành quả hiện nay” - ông Michael Croft nói.

Tại hội nghị nhìn lại 20 năm ngày UNESCO vinh danh, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có đóng góp lớn đối với di sản Hội An, Mỹ Sơn và khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An. 

Trong số này có nhiều nghệ nhân, người dân và những người làm trong các cơ quan chuyên về bảo tồn di sản.

Hơn 350 tỉ đồng đầu tư cho bảo tồn

20 năm từ ngày được vinh danh, kinh phí Nhà nước đã bỏ ra gần 185 tỉ đồng phục vụ cho trùng tu, bảo tồn 459 di tích tại phố cổ Hội An; số tiền bỏ ra đầu tư cho bảo tồn tại Mỹ Sơn là 166 tỉ đồng.

Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt dự án đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ thuộc di sản Hội An từ năm 2014, nhờ đó mà 72 di tích trong diện nguy cấp đã được cứu vãn, nay trở thành các địa điểm tham quan được khách du lịch tìm tới.

 

 

THÁI BÁ DŨNG