Đòi lại không gian công cộng cho dân đô thị
Khi các không gian công cộng ngày càng phải nhường chỗ cho bãi đỗ xe, nhà cao tầng…, các đại siêu thị ngột ngạt và hoàn toàn vô hồn lại trở thành không gian công cộng mới của người dân thành thị.
Đòi lại không gian công cộng cho dân đô thị
Khi các không gian công cộng ngày càng phải nhường chỗ cho bãi đỗ xe, nhà cao tầng…, các đại siêu thị ngột ngạt và hoàn toàn vô hồn lại trở thành không gian công cộng mới của người dân thành thị.Nhiều câu chuyện được kể trong tọa đàm “Không gian công cộng và sự tham gia của người dân” do Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân tổ chức ngày 4-9 tại Hà Nội cho thấy cần phải có sự nhận thức lại về giá trị của không gian công cộng trong TP của toàn xã hội.
Không gian chật hẹp, chướng ngại vật trên đường, tiếng ồn, ô nhiễm, thiếu các không gian công cộng, nguy cơ tai nạn và những điều kiện sống đáng xấu hổ là tình trạng thường thấy đối với cư dân sinh sống tại phần lớn các đô thị trên thế giới hiện nay. Điều này không chỉ hạn chế khả năng lưu thông của người đi bộ mà còn thiết lập hàng rào vây hãm các hoạt động văn hóa xã hội của TP.
KTS Jan Gehl (tác giả Đô thị vị nhân sinh)
Siêu thị trở thành không gian công cộng (!)
Những ngày nắng nóng trong mùa hè vừa qua, người ta thấy ngập người trong các siêu thị lớn ở Hà Nội. Đó không phải là câu chuyện mới của năm nay và có lẽ cũng không riêng ở Hà Nội. Vài năm trở lại đây, các siêu thị lớn tích hợp không gian mua sắm, khu ăn uống, rạp chiếu phim… đã trở thành một không gian công cộng mới của số đông người dân của xã hội ưa tiêu dùng hiện đại.
Tình trạng “đói khát” các không gian công cộng ở Hà Nội còn có thể nhìn thấy rất rõ mỗi dịp cuối tuần ở khu phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Hàng ngàn người tập trung về đây vào những ngày khu phố đi bộ này mở cửa để vui chơi, con số có lẽ ngoài sức tưởng tượng của những người từng nhiều năm trình lên UBND TP Hà Nội đề án biến không gian xung quanh hồ Hoàn Kiếm trở thành không gian công cộng cho người đi bộ.
Huyện Đông Anh chỉ trong khoảng 3 năm trở lại đây đã có hơn 20 sân chơi, không gian công cộng được cải tạo từ các không gian cũ, hoang phế… cho người dân vui chơi. Ở những nơi có sân chơi này, trẻ em sau giờ học là tới sân chơi, phụ nữ tập yoga, thể dục thẩm mỹ, người già đánh cờ, chơi bi sắt…
Ngoài ra, 50 tỉ đồng đã được chính quyền đầu tư cho người dân mua cây giống để trồng hoa ở các hộ gia đình, điểm sinh hoạt cộng đồng, trường học…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đông Anh, cũng nhờ có những đầu tư cho không gian công cộng này mà “suy nghĩ của người dân về chính quyền thay đổi rất lớn”, họ “hài lòng với bộ máy chính quyền hơn”.
Điểm châm cứu của đô thị
Nói về vai trò của không gian công cộng đối với con người trong TP, anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt (doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds) chia sẻ: “Khi những đứa bé chơi cùng nhau trong những không gian công cộng, một đời sống nội tâm mạnh mẽ sẽ được hình thành.
Không gian công cộng tạo ra sự bền bỉ, dẻo dai của mối quan hệ. Người lớn xây dựng các mối quan hệ thân thiết, còn trẻ em thì có ký ức đẹp về tuổi thơ và đó là nguồn năng lượng cực mạnh cho những đứa bé vượt lên cú sốc tâm lý trong quá trình trưởng thành”.
Còn theo PGS.TS Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu văn hóa), không gian công cộng trong TP phải được coi là một tài sản văn hóa, một hệ sinh thái văn hóa tạo ra sự bền vững của các mối quan hệ xã hội và các giá trị văn hóa đã được tích lũy, bồi đắp qua các thế hệ – những giá trị đang rất dễ bị mất đi trong đời sống đô thị hiện đại không có đủ sự quan tâm tới không gian công cộng.
“Không gian công cộng là điểm châm cứu cho một TP bị bệnh” – TS Phạm Quỳnh Phương ví von.
Theo bà Phương, chúng ta rất cần phải suy nghĩ lại về chức năng của không gian công cộng. Và trong cuộc đấu tranh để giành lại các không gian công cộng và vận hành nó tốt trong TP thì sự tham gia của cộng đồng là điều phải làm chứ không phải là một sự lựa chọn, bởi một mình chính quyền sẽ không thể lo hết.
Khu tập thể hay chung cư cao cấp?
Một câu chuyện đáng suy nghĩ được anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt chia sẻ trong tọa đàm đó là trong chuyến thăm Hà Nội cho buổi lễ ra mắt cuốn sách Đô thị vị nhân sinh, kiến trúc sư người Đan Mạch Jan Gehl đã yêu cầu được đi thăm một số khu dân cư điển hình ở Hà Nội.
Ông được dẫn đến một khu chung cư cao cấp và khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Khi đến khu chung cư cao cấp, ông dừng lại 5 phút và rời đi ngay. Khi đến khu tập thể Nguyễn Công Trứ, ông dừng lại nửa tiếng để chụp ảnh khắp nơi, từ chợ dân sinh, sân chơi, các không gian công cộng…
Với vị kiến trúc sư được thế giới đánh giá là “bậc thầy về thiết kế không gian công cộng” này thì thiết kế đô thị ở các khu tập thể cũ mới chính là một thiết kế đô thị “vị nhân sinh”, với những không gian công cộng sống động, hấp dẫn.