25/11/2024

Chính sách ưu đãi công nghiệp hỗ trợ đang ‘làm béo’ cho khối ngoại

Trong số 37 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đủ điều kiện hưởng các chính sáchưu đãi cho khối này, có chưa tới 5 công ty nội, còn lại hơn 30 doanh nghiệp FDI đang được hưởng.

Chính sách ưu đãi công nghiệp hỗ trợ đang ‘làm béo’ cho khối ngoại

Trong số 37 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đủ điều kiện hưởng các chính sáchưu đãi cho khối này, có chưa tới 5 công ty nội, còn lại hơn 30 doanh nghiệp FDI đang được hưởng.


 
 

Doanh nghiệp FDI đang hưởng lợi từ chính sách ưu đãi công nghiệp hỗ trợ   Ảnh Ngọc Thắng

 

Có 37 doanh nghiệp đang được hưởng các chính sách ưu đãi theo Nghị định 111 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng trong số này chỉ có chưa tới 5 công ty nội, còn lại hơn 30 doanh nghiệp FDI đang được hưởng lợi.
 
Đây là thông tin đáng chú ý được công bố tại toạ đàm về công nghiệp hỗ trợ diễn ra sáng nay 26.9, do Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương) phối hợp với Báo Tuổi trẻ TP.HCM tổ chức.

Khó từ xác nhận đủ điều kiện

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ, cho biết rất ít doanh nghiệp khối này sống được với ngành nghề chính, mà phải bươn chải đa ngành để “nuôi” ngành sản xuất chính.
 
“Chính phủ nói rất nhiều chính sách, như tín dụng rẻ, quỹ này quỹ kia, rồi qua Ngân hàng Phát triển nhưng doanh nghiệp tiếp cận gần như không thể, chứ đừng nói giá rẻ. Bởi muốn vay thì cuối cùng là phải có tài sản thế chấp, mà với doanh nghiệp thì cái gì thế chấp được họ đã thế chấp cả rồi”, bà Bình nói, và dẫn chứng, đến hết năm 2018, theo khảo sát của Hiệp hội, trong số 25 công ty nộp hồ sơ xin hỗ trợ thì có 20 doanh nghiệp đủ điều kiện, trong số này chỉ có 4 công ty nội, còn lại là doanh nghiệp FDI.
 
“Với các công ty trong nước, ngay đi xin xác nhận đủ điều kiện là doanh nghiệp hỗ trợ đã mệt mỏi, khó khăn lắm rồi”, bà Bình nói thêm.
 
Bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, cập nhật thêm đến nay, có 37 hồ sơ doanh nghiệp được xác nhận đủ điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi, thì số công ty nội chỉ 3 – 5 doanh nghiệp.
 
“Hồ sơ các công ty FDI rất đầy đủ, còn công ty trong nước thì ngay nhân lực cho công tác này gần như không có. Nhiều doanh nghiệp nội khi chúng tôi hỏi rằng các anh chị có biết có chính sách ưu đãi hỗ trợ không, thì đa số nói gần như không biết”, bà Thuý kể.

Doanh nghiệp nhỏ khó chen chân để hưởng chính sách

Nghe vậy, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, bình luận: “Như thế thì vô tình chính sách hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ lại làm béo bở cho doanh nghiệp FDI”.
 
Ông Long cho rằng, chúng ta không phân biệt đối xử doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp trong nước, nhưng như thế thì đến lúc cần xem xét lại Nghị định 111.
 
Bà Thuý đồng tình và cho hay, đa số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là công ty nhỏ, thế nhưng chính sách ưu đãi thuế, đất đai bao giờ cũng muốn dành cho dự án lớn, hoành tráng để tạo tiếng vang cho địa phương. Cho nên, doanh nghiệp nhỏ không tận dụng được chính sách.
 
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Hợp (chuyên sản xuất cơ khí chính xác), cho biết doanh nghiệp này đã gia công, sản xuất cho đối tác lớn của Mỹ và Nhật từ lâu, nhưng “mãi không lớn được” vì không có tiền mở rộng.
 
“Chúng tôi không vay được, dù đã trình hợp đồng, đơn đặt hàng của đối tác với nhà băng, trong khi ngân hàng chỉ đòi thế chấp tài sản. Mà tài sản thì cái gì thế chấp được chúng tôi đã thế chấp hết cả rồi”, ông Hoàng nói.
 
Theo bà Bình, ở các nước Nhật Bản hay Hàn Quốc, doanh nghiệp chỉ cần 1 đơn hàng với Samsung hay Toyota thì đã đủ để vay các nhà băng rồi, nhưng ở Việt Nam là viễn tưởng.
 
“Đặc điểm của ngành công nghiệp hỗ trợ là phải có đầu tư tốt, nhưng chúng ta lại không có. Hiệp hội cũng đã thử kêu gọi các quỹ đầu tư, nhưng họ bảo lợi nhuận thấp nên không mặn mà, trong khi họ sẵn sàng đi đầu tư cho quán cà phê”, bà Bình nói thêm.



CHÍ HIẾU