25/11/2024

GDP bình quân tăng vọt lên 3.000 USD, vì sao?

GDP bình quân giai đoạn 2010 – 2017 tăng thêm 25,4%/năm sau khi tính lại, khiến GDP bình quân đầu người của VN đã xấp xỉ con số 3.000 USD/người/năm. Con số này sẽ dẫn đến nhiều khả năng.

 

GDP bình quân tăng vọt lên 3.000 USD, vì sao?

GDP bình quân giai đoạn 2010 – 2017 tăng thêm 25,4%/năm sau khi tính lại, khiến GDP bình quân đầu người của VN đã xấp xỉ con số 3.000 USD/người/năm. Con số này sẽ dẫn đến nhiều khả năng.


 

GDP bình quân tăng vọt lên 3.000 USD, vì sao? - Ảnh 1.

GDP bình quân đầu người của VN sau khi tính lại đạt 3.000 USD nhưng theo nhiều chuyên gia, cần công bố chi tiết cách tính. Trong ảnh: người dân thu hoạch cà phê – Ảnh: THANH YẾN

 

Vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn khi con số GDP mới được đưa ra do chưa được lý giải chi tiết. Việc đánh giá lại GDP là cần thiết để làm cơ sở xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, song nhiều chuyên gia nhấn mạnh cần tính hợp lý, thực chất.

Sớm công bố kết quả đánh giá lại GDP

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết đề án đánh giá lại quy mô GDP đã được hoàn thiện và đang trình Chính phủ, xin ý kiến Thủ tướng để cơ quan thống kê chính thức công bố. Theo đó, GDP bình quân của cả giai đoạn 2010 – 2017 tăng 25,4%, nhưng ông Lâm cho biết mỗi năm mức tăng thêm GDP bình quân là khác nhau, “có năm cao, năm thấp”, song không tiết lộ các con số cụ thể.

Với tổng quy mô kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 là 220 tỉ USD, GDP sau khi được đánh giá lại với mức tăng thêm 25,4% thì quy mô GDP có thể tăng lên 275 tỉ USD. Như vậy, GDP bình quân đầu người có thể ở ngưỡng 3.000 USD, thay vì mức 2.385 USD/người theo công bố của cơ quan thống kê vào năm 2017.

Theo cơ quan thống kê, kết quả đánh giá lại quy mô GDP tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế, tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong các giai đoạn tiếp theo.

“Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn, hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao” – cơ quan thống kê cho hay.

Ngoài ra, việc đánh giá lại quy mô GDP theo khẳng định của Tổng cục Thống kê cũng sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.

Cơ quan thống kê cho rằng việc thay đổi GDP này có thể cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho thu ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu và vay của Chính phủ. Tuy nhiên, khả năng tác động là thấp vì trong thực tế thu ngân sách và thuế dựa trên thu thuế/phí, các tỉ lệ thu liên quan và được quy định bởi các văn bản pháp luật.

Cần công khai minh bạch số liệu

 

Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, TS Nguyễn Quang Thái, tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, cho rằng việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021 – 2025.

Tuy nhiên, ông Thái bày tỏ băn khoăn về mức GDP bình quân giai đoạn 2010 – 2017 tăng 25,4% và đề nghị sớm công bố, giải thích đầy đủ cơ sở tăng thêm của GDP bình quân giai đoạn này. Bởi đến nay mới có một lý do được cơ quan thống kê đưa ra là trong quá trình đánh giá lại quy mô GDP có việc bổ sung thêm 76.000 doanh nghiệp cùng với khối doanh nghiệp, kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

“Hiện nay, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh mới chỉ đóng góp vào GDP 8-10% nên với mức tăng thêm như cơ quan thống kê công bố, nếu có góp phần làm tăng thêm GDP thì cũng chỉ khoảng 10%. Vậy còn khoảng 15% tăng thêm của GDP được đánh giá lại là từ cơ sở nào? Là nhà khoa học, chúng tôi cần công khai thông tin và giải thích đầy đủ cơ sở của con số tăng thêm GDP bình quân 25,4%” – ông Thái đề nghị.

GDP cao, vay nợ được nhiều hơn?

Ông Bùi Trinh, chuyên gia thống kê, cũng bày tỏ băn khoăn về con số 76.000 doanh nghiệp được cơ quan thống kê thông báo là “bỏ sót”. Lý do: điều tra doanh nghiệp được thực hiện từ năm 2000, nên việc phát hiện “thiếu” 76.000 doanh nghiệp là không thuyết phục. 

Trong khi đó, số liệu thống kê giữa cơ quan thuế và cơ quan thống kê về doanh nghiệp thông thường không vênh nhiều, nếu có chỉ khoảng 10.000 doanh nghiệp, chứ khó lên tới con số 76.000 doanh nghiệp.

Đặc biệt, VN vừa công bố Sách trắng về doanh nghiệp nhưng cũng không có nhiều biến động về doanh nghiệp. “Không hiểu sao lại có thể bỏ sót số lượng doanh nghiệp lớn đến như vậy” – ông Bùi Trinh nói và nhấn mạnh khi GDP quy mô lớn hơn, dù Quốc hội vẫn khống chế trần nợ công và bội chi nhưng Chính phủ vẫn có thể vay nợ và bội chi nhiều hơn. 

Ví dụ với trần nợ công là 50% GDP, nếu quy mô GDP là 200 tỉ USD, Chính phủ có thể vay nợ tối đa 100 tỉ USD, nhưng quy mô GDP là 300 tỉ USD, nợ vay có thể lên tối đa 150 tỉ USD. Tỉ lệ không thay đổi nhưng số tuyệt đối sẽ cao hơn.

Cuộc sống người dân không thay đổi nhiều

Theo chuyên gia Bùi Trinh, dù GDP có được đánh giá lại và tăng thêm 25,4% nhưng về bản chất, cuộc sống người dân sẽ không thay đổi nhiều. “Tỉ lệ nợ/GDP, bội chi/GDP nhỏ đi và có thể tăng chi tiêu. Quy mô GDP có thể là con số không thực chất, nhưng các khoản nợ và bội chi là thực tế, nên con số nợ người dân phải gánh nếu Chính phủ tăng vay sẽ nhiều hơn” – ông Trinh nói.

 

NGỌC AN