Đánh bật Đài Loan khỏi Kiribati, Trung Quốc lộ tham vọng vũ trụ?
Việc đánh bật Đài Loan để chính thức thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Cộng hoà Kiribati được xem là cách Trung Quốc tiến một bước trong tham vọng khoa học vũ trụ.
Đánh bật Đài Loan khỏi Kiribati, Trung Quốc lộ tham vọng vũ trụ?
Việc đánh bật Đài Loan để chính thức thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Cộng hoà Kiribati được xem là cách Trung Quốc tiến một bước trong tham vọng khoa học vũ trụ.Các đảo và đảo san hô của Kiribati trải dài theo xích đạo và nằm ở phía nam của quần đảo Marshall – khu vực thử tên lửa quan trọng của Mỹ.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc cố gắng “giành” Kiribati vì nhìn thấy vị trí chiến lược của quốc đảo này, và đây cũng là nơi Trung Quốc đặt trạm theo dõi không gian đầu tiên ở nước ngoài.
Tổng thống Kiribati thời bấy giờ từng nói với tôi rằng người Mỹ lo ngại về trạm không gian này.
Wang Shaohua (cựu đại sứ Trung Quốc tại Kiribati)
Tham vọng vũ trụ
Trước đây Kiribati cũng chính là nơi đóng vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ du hành không gian của tàu Thần Châu và hệ thống định vị BeiDou. Trạm theo dõi và kiểm soát không gian từ xa Trung Quốc được đặt tại đảo Tarawa, phía nam Kiribati, vào năm 1997.
Năm 2003, hai nước chấm dứt quan hệ ngoại giao và Kiribati thiết lập quan hệ cùng Đài Loan. Sự kiện này cũng dẫn tới việc Trung Quốc đóng cửa trạm không gian nêu trên.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Kiribati được nối lại hôm 20-9, thời điểm chính quyền Nam Tarawa tuyên bố cắt quan hệ với Đài Loan. Quyết định này xuất hiện chỉ bốn ngày sau khi quần đảo Solomon làm điều tương tự.
Trước mắt, cánh cửa tham vọng hàng không vũ trụ lần nữa được mở ra cho Trung Quốc, đặc biệt khi nước này đã lên kế hoạch để xây dựng trạm không gian và đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2030. Nhiệm vụ này đòi hỏi Bắc Kinh phải xây dựng một loạt trạm quan sát ở khắp nơi, bao gồm cả trên đường xích đạo ở Thái Bình Dương.
Cựu đại sứ Trung Quốc tại Kiribati, ông Wang Shaohua cho biết nếu không có trạm ở Kiribati, Bắc Kinh sẽ phải cử tàu đến biển Thái Bình Dương để theo dõi và điều khiển tên lửa và vệ tinh mỗi lần phóng. Cách làm này tốn kém gấp 3 lần việc đặt trạm theo dõi trên đất liền.
Theo ông Wang, Bắc Kinh đã nhiều lần trấn an Kiribati rằng trạm không gian của mình không nhằm phục vụ mục đích quân sự. Tuy nhiên, những mối lo ngại vẫn không chấm dứt, đặc biệt sau khi phóng viên Hãng tin AFP (Pháp) đến căn cứ vũ trụ Kiribati vào năm 1999.
Người này tuyên bố đã phát hiện các chảo vệ tinh của Trung Quốc quay về hướng bắc, phía đảo san hô Kwajalein – địa điểm thử nghiệm tên lửa quan trọng của Mỹ thuộc quần đảo Marshall.
Mưu đồ chính trị
Kiribati và Solomon đều nằm ở vùng biển chiến lược mà Mỹ và đồng minh độc chiếm từ cuối Thế chiến II. Hiện nay, những quốc đảo này đã trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với tham vọng địa chính trị, kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc Adam Ni thuộc ĐH Macquarie (Úc), Mỹ và đồng minh đang mất dần vị thế, trong khi vai trò của Trung Quốc tại khu vực này ngày càng nổi bật. Các quốc gia tại đây đang cố định vị trước một Bắc Kinh tự tin, quyết đoán và một Washington vẫn loay hoay tìm kiếm chiến lược hiệu quả cho khu vực.
Tuy nhiên, thắng lợi ngoại giao lần này cũng có thể khiến Trung Quốc phải nhận phản ứng mạnh mẽ từ Đài Loan và Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng như hiện nay. Mỹ vốn ngày càng dè chừng tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, diễn biến mới này càng khiến Washington lo ngại ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Thái Bình Dương.
Tại một phiên điều trần ở Uỷ ban Thượng viện vào ngày 18-9, trợ lý ngoại trưởng Mỹ David R. Stilwell chỉ trích “các hành vi của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan thông qua cưỡng chế kinh tế, siết chặt ngành công nghệ không gian quốc tế của Đài Loan và chiếm lấy đối tác ngoại giao”.