Hé lộ manh mối chiến dịch Mỹ – Israel ‘thả’ vi rút Stuxnet phá chương trình hạt nhân Iran
Vi rút Stuxnet phá hoại nhà máy hạt nhân Natanz của Iran cách đây một thập niên là do một điệp viên nhị trùng của Hà Lan làm việc cho các cơ quan tình báo Mỹ là CIA và Mossad của Israel.
Hé lộ manh mối chiến dịch Mỹ – Israel ‘thả’ vi rút Stuxnet phá chương trình hạt nhân Iran
Vi rút Stuxnet phá hoại nhà máy hạt nhân Natanz của Iran cách đây một thập niên là do một điệp viên nhị trùng của Hà Lan làm việc cho các cơ quan tình báo Mỹ là CIA và Mossad của Israel.
Stuxnet được xem là vũ khí mạng uy lực đầu tiên Shutterstock
Một kỹ sư Iran bí mật làm việc cho cơ quan tình báo Hà Lan (AIVD) đã cài vi rút máy tính Stuxnet theo sự chỉ đạo của CIA và Mossad, lây nhiễm cho khoảng 2.000 máy quay ly tâm tại nhà máy hạt nhân Natanz của Iran, theo Yahoo News hôm 2.9 dẫn các nguồn tin tình báo.
Điệp viên đội lốt chuyên viên cơ khí này được cho đã cung cấp dữ liệu then chốt để phía phát triển vi rút xây dựng mã độc. Mục tiêu là giáng đòn tấn công chí tử vào các hệ thống của nhà máy của Iran.
Kế đến, cũng chính nhân vật này đã cài vi rút vào hệ thống máy tính của nhà máy qua đường USB.
Một trong các nguồn tin gọi điệp viên trên là “là công cụ quan trọng nhất để tuồn vi rút vào Natanz”.
Được biết, Mỹ và Israel là “chủ mưu” chính trong sáng kiến nhằm giáng đòn phá hoại nhưng không phá hủy hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran để buộc chính quyền Tehran ngồi vào bàn đàm phán.
Trong khi đó, Hà Lan, Đức và một quốc gia khác (nhiều khả năng là Pháp) cũng nhúng tay vào vụ này sau khi bị Israel thuyết phục rằng Iran đang phát triển bom nguyên tử.
Bên cạnh việc cung cấp điệp viên, AIVD còn cung cấp thông tin về các máy ly tâm, vốn dựa trên thiết kế của một công ty Hà Lan rơi vào tay Iran hồi thập niên 1970.
Stuxnet được xem là vũ khí mạng uy lực đầu tiên, kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang liên quan đến các vũ khí tấn công tin tặc ở nhiều nước trên thế giới.
Mã độc này không chỉ gây lây nhiễm trong phạm vi Iran mà còn lây lan sang hàng ngàn máy tính khác trên phạm vi toàn cầu, và đến tháng 6.2010 cả thế giới đã phải chú ý đến vi rút Stuxnet.
THUỴ MIÊN