Thanh lọc trí nhớ để ổn định tâm hồn: Những liệu pháp tự nhiên và siêu nhiên
Việc thanh lọc ký ức là một hành động nan giải luôn được nhân loại tìm kiếm kể từ lúc con người có trí khôn đến nay, qua nhiều phương pháp tự nhiên cũng như siêu nhiên.
Thanh lọc trí nhớ để ổn định tâm hồn:
Những liệu pháp tự nhiên và siêu nhiên
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Lời mở
Mỗi ngày, qua những giờ học hành, đọc sách báo, xem truyền hình, tin tức, giải trí qua các phương tiện truyền thông, đầu óc của mỗi người chúng ta chứa một lượng thông tin rất lớn trong bộ nhớ. Trong số báo Time ngày 13/2/2012, trang 44, Annie Murphy Paul đã cho chúng ta biết rằng: một ngày trung bình một người Mỹ mất 12 giờ thu nhận tin tức với khoảng 100 ngàn từ và bộ nhớ chứa tới 34 GB dữ liệu. Nếu những dữ liệu này tốt đẹp, mang tính tích cực, chúng không gây bất an nhưng vẫn làm ta hao tổn năng lực trí não, có thể dẫn đến suy nhược tinh thần. Còn nếu những dữ liệu này là những hình ảnh xấu xa, bạo lực, ma quái, mang tính tiêu cực, chắc chắn chúng sẽ gây những tác hại nặng nề dẫn đến hỗn loạn tâm thần.
Vì thế, việc thanh lọc ký ức hay trí nhớ để giúp con người ổn định tâm hồn là một công việc rất cần thiết trong thời đại hiện nay. Hơn nữa, nếu người ta cứ lặp đi lặp lại những dữ liệu ấy thì chúng sẽ chiếm rất nhiều bộ nhớ khiến không thể dễ dàng tiếp nhận những dữ liệu mới cần thiết cho việc suy tư, học hành, làm việc giống như những dữ liệu hỗn độn đầy ắp trong bộ nhớ máy vi tính. Dòng tâm lý với những dữ liệu đi từ tầng ý thức xuống tiềm thức và vô thức không thể xoá tan nếu không có những thao tác đúng đắn như khi người ta xoá bỏ những tập tin dữ liệu trong máy vi tính. Vì thế, việc thanh lọc ký ức là một hành động nan giải luôn được nhân loại tìm kiếm kể từ lúc con người có trí khôn đến nay, qua nhiều phương pháp tự nhiên cũng như siêu nhiên.
Chúng ta sẽ thử tìm hiểu vấn đề và chọn lựa phương pháp tuỳ theo sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình để có ích lợi nhất cho chính mình và giúp đỡ người khác.
Chúng ta sẽ tìm hiểu theo vài điểm sau đây:
1. Xác định từ ngữ
2. Lược qua hoạt động trí não để khám phá bộ nhớ con người
3. Vài phương pháp thanh lọc trí nhớ để ổn định tâm hồn
1. XÁC ĐỊNH TỪ NGỮ
Chúng ta có một số từ ngữ cần xác định để làm rõ chủ đề vì chúng ta có thể hiểu các từ dưới đây theo những ý thức hệ và tôn giáo khác nhau. Chúng ta sẽ cố gắng giới thiệu ý nghĩa đơn giản và dễ hiểu của các từ đối với mọi người.
1.1. Thanh lọc: Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học “thanh lọc” là loại bỏ ra để làm cho tổ chức được trong sạch. Thí dụ: thanh lọc hàng ngũ (x. Viện Ngôn ngữ, Từ điển Tiếng Việt 2005, NXB Đà Nẵng).
Việt Nam Từ điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, do Nhà sách Khai Trí xuất bản, định nghĩa: thanh lọc = lọc sạch, loại bỏ những cái dơ bẩn, xấu xa.
Quả thực, trí nhớ của người nghiện sex cần thanh lọc những ý niệm đồi truỵ, xấu xa.
Chúng tôi không dùng từ “thanh tẩy” có nghĩa là rửa cho sạch, dù từ này rất quen thuộc với tín hữu Công giáo.
1.2. Ký ức: Ký là là nhớ, ghi vào, ức là nhớ lại. Ký ức là từ Hán Việt chỉ trí nhớ nên chúng tôi dùng từ Việt cho dễ hiểu.
1.3. Trí nhớ: Hiểu theo nghĩa phổ thông là khả năng giữ lại và tái hiện ra trong trí những điều đã biết, đã trải qua (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2005, NXB Đà Nẵng).
“Theo nghĩa khoa học, trí nhớ là những quá trình gìn giữ, tổ chức và vận dụng kịp thời những kinh nghiệm quá khứ, góp phần tạo ra hoạt động và ý thức. Trí nhớ nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai của chủ thể. Đây là một chức năng nhận thức rất quan trọng, cơ sở của dạy và học, hình thành và phát triển nói chung.
Phân loại: tuỳ thuộc vào sự hình thành, người ta chia ra: trí nhớ hình tượng (TNHT), trí nhớ vận động (TNVĐ), trí nhớ phản xạ có điều kiện (TNPX), trí nhớ cảm xúc (TNCX), trí nhớ logic (TNLG). Tuỳ theo thời gian tồn tại, ta có trí nhớ ngắn hạn (từ một vài giây đến vài chục phút) và trí nhớ dài hạn ( thông tin được duy trì cả đời của chủ thể), bền vững với kích thích, có tác dụng làm mất trí nhớ ngắn hạn. Tuỳ theo mức độ tập trung, ta có trí nhớ chủ định và không chủ định.
Như thế, muốn có trí nhớ tốt, phải rèn luyện bộ não một cách liên tục ngay từ khi còn bé” (x. Hội đồng Quốc gia, Từ điển Bách khoa Việt Nam).
1.4. Ý thức: sự nhận thức bằng trí tuệ, trực giác, cảm xúc và toàn bộ các tri giác, thông tin từ thế giới bên ngoài mà con người có được vào mọi khoảnh khắc của cuộc đời, được sắp xếp lại theo cách của mỗi người trong trí nhớ.
Trong điều kiện bình thường, ý thức có nhiều mức độ. Cao nhất là sự sáng suốt, đòi hỏi tập trung cao độ, suy nghĩ với mức căng thẳng lớn nhất. Ý thức tỉnh táo: là có suy nghĩ nhưng không tập trung, không đòi hỏi cố gắng tâm lý. Tiềm thức là mức độ cuối cùng của ý thức: có nhận thức nhưng không suy nghĩ, không tập trung, không đòi hỏi cố gắng tâm lý. Ý thức bệnh hoạn là các rối loạn của ý thức đi từ u ám, mù mờ đến hôn mê hỗn loạn với nhiều mức độ như trạng thái lẫn lộn, phân ly, lệch lạc ở những người bị tâm thần phân liệt, ảo tưởng (x. Hội đồng Quốc gia, Từ điển Bách khoa Việt Nam).
1.5. Ý niệm (ý tưởng): là nội dung hay chất liệu tồn tại trong ý thức. Chỉ hình ảnh theo cảm tính nảy sinh trong ý thức (chủ nghĩa thực tại mộc mạc) hay bản chất của sự vật được quy vào những cảm giác và những ấn tượng của chủ thể (chủ nghĩa duy tâm). Ở Hegel, ý niệm tồn tại khách quan và sáng tạo ra tất cả các sự vật. Trong triết học Macxit, tất cả mọi ý niệm đều được rút ra từ kinh nghiệm, chúng là sự phản ánh hiện thực một cách đúng đắn hay sai lạc (F. Engels). V. I. Lênin coi ý niệm là hình thức nắm bắt cao nhất về mặt lý luận đối với hiện thực. Ý niệm đúng đắn có tác động trở lại đối với hiện thực và góp phần cải tạo hiện thực (x. Hội đồng Quốc gia, Từ điển Bách khoa Việt Nam).
1.6. Vô thức : toàn bộ những hiện tượng tâm lý nằm dưới ý thức. Hình thức phản ánh hiện thực mà trong đó con người không nhận thức rõ được những hành động mà mình đã thực hiện, mất khả năng định hướng đầy đủ về không gian và thời gian của hành động, thiếu điều chỉnh hành vi. Thí dụ: người mộng du hành động trong vô thức nên không biết mình đang làm gì, đang ở đâu.
Trong học thuyết S. Freud: tác dụng của vô thức được tuyệt đối hoá, được quan niệm là những bản năng dục vọng, quy định mọi hành vi, nội dung ý thức của con người. Tuy nhiên học thuyết này đã được điều chỉnh lại.
2. LƯỢC QUA HOẠT ĐỘNG TRÍ NÃO ĐỂ KHÁM PHÁ BỘ NHỚ CON NGƯỜI
Muốn thanh lọc được trí nhớ chúng ta cần phải hiểu đôi chút về hoạt động của bộ não con người để lưu giữ những ý niệm trong đó. Bộ não con người gồm khoảng 14 tỷ tế bào thần kinh, trong số 100 tỷ tế bào của toàn thân, là một bộ phận phức tạp nhất trong cơ thể. Các bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ nói cho chúng ta hiểu nhiều hơn về cấu trúc và hoạt động của bộ não để chúng ta biết được con người thu nhận những thông tin từ bên ngoài và lưu trữ trong bộ nhớ như thế nào. Trong phạm vi bài này, ta để ý đến:
2.1. Vài bộ phận cơ bản của não
Chúng ta lưu ý mấy bộ phận cơ bản sau đây:
Bán cầu não trái: có khả năng lôgic, phân tích, xâu chuỗi các sự kiện, toán học, ngôn ngữ thực tế, suy nghĩ bằng từ ngữ, ngôn ngữ của bài hát, khả năng tính toán. Thí dụ: Người xem phim sex với nhiều hình ảnh, mầu sắc, âm thanh, cử động sẽ hoạt động nhiều ở bán cầu não trái (x. hình ảnh minh hoạ bộ não ở cuối bài).
Bán cầu não phải: có khả năng sáng tạo, tưởng tượng, suy nghĩ chỉnh thể, trực giác về nghệ thuật, nhịp điệu, cảm nhận không dùng lời, khả năng hình dung giai điệu bài hát, mơ mộng, cảm nhận tôn giáo. Thí dụ: người xem truyện sex hoạt động nhiều ở bán cầu này cho việc tưởng tượng, nếu truyện chỉ gồm toành chữ viết (x. hình ảnh minh hoạ).
Vỏ não: lớp vỏ ngoài của bán cầu não, tập trung các tế bào thần kinh gồm vỏ não thị giác, thính giác, cảm giác thân thể và vận động (x.hình ảnh minh hoạ).
Tiểu não: định hướng trong không gian (qua bộ phận tiểu não nguyên thuỷ gồm nhân của thuỳ nhộng và hai nhung não bên). Tiểu não cổ gồm lưỡi gà, tháp nhộng, hai cầu não bên đóng vai trò giữ thăng bằng. Tân tiểu não gồm phần lớn bán cầu tiểu não đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà hoạt động. Do đó khi tiểu não bị tổn thương, con người dễ mất thăng bằng và rối loạn hoạt động.
2.2. Hoạt động của não trong trí nhớ con người
Bộ não tiếp nhận thông tin thông qua các cơ quan tiếp nhận (các giác quan). Các thông tin này sẽ theo đường truyền thần kinh vào cơ quan đảm nhiệm ở vỏ não tương ứng (vỏ não vận động, vận động ngôn ngữ Broca, thính giác, cảm giác thân thể, cảm giác ngôn ngữ Wernicke, chữ viết, thị giác) (x. hình ảnh minh hoạ bộ não ở cuối bài).
Thông tin thường đưa vào vùng nhớ tạm thời, ghi lại toàn bộ các thông tin đó một cách hỗn độn không có sự sắp xếp, rồi mới đưa vào vùng nhớ dài hạn (có sự sắp xếp, hệ thống) để dễ dàng truy cập các thông tin khi cần thiết bằng các đường truyền thần kinh gồm chất trắng trong đại não.
Như vậy trí nhớ là khả năng tiếp nhận, lưu trữ và dễ dàng gợi lại những thông tin sau khi đã được lưu vào bộ nhớ trong não.
2.3. Trí nhớ của những người nghiện phim, truyện, trò chơi sex
Đối với những người nghiện sex qua những phương tiện truyền thông, tất cả những hình ảnh, vận động, màu sắc, âm thanh, tiếng nói, được truyền đến các cơ quan tiếp nhận (tai, mắt, mũi, miệng, da,…) và đưa qua vỏ não để lưu giữ trong não. Nếu người đó chỉ đọc truyện mà không có âm thanh, hình ảnh, màu sắc thì nội dung thì tác hại của truyện sex sẽ nhẹ hơn do ít có sự cộng hưởng của các cơ quan cảm giác khác.
Thường thì những ý niệm về sex được lưu giữ trong trí nhớ một cách hỗn độn, không sắp xếp thành hệ thống do người xem liên tục, thiếu suy nghĩ, chọn lựa nên chúng ít thúc đẩy người nghiện sex hành động. Người nghiện cũng không nhớ rõ ràng những phim ảnh mình đã xem trong quá khứ như tên phim, nội dung phim, diễn viên….
Tuy nhiên vì những ý niệm quá nhiều và dày đặc so với các ý niệm về các thực tại khác, nên người nghiện ít còn khả năng lựa lọc các niệm khác được lưu giữ trong trí nhớ để nhận định đúng đắn và hành động tốt đẹp. Tất cả giống như các đồ đạc được vứt bừa bãi trong nhà kho và rất khó tìm kiếm. Chúng giống như các files không có địa chỉ được lưu trữ trong ổ cứng của máy vi tính nên rất khó tìm. Tuy nhiên chúng vẫn có trong trí nhớ và chiếm chỗ của trí nhớ nên rất cần thanh lọc chúng để loại bỏ chúng ra khỏi trí nhớ, nhờ đó ta mới có chỗ trống để ghi nhận thêm các kiến thức, các kinh nghiệm khác.
Hơn nữa các ý niệm trong sáng khác có thể bị nhiễm bẩn bởi các ý niệm bẩn thỉu, dâm đãng khiến cho người nghiện phim ảnh đồi truỵ, trò chơi đồi truỵ, những người nhớ đi nhớ lại một sự kiện bi thảm nào đó trong quá khứ thường có những lời nói, cử chỉ, hành động không còn trong sáng, đúng đắn do tác động qua lại của các khả năng khác như óc suy luận, trí tưởng tượng, tính mẫn cảm… Nếu người nghiện đó dành trọn vẹn bộ nhớ cho các ý niệm, hình ảnh đồi truỵ họ sẽ dễ trở thành người bị hoang tưởng, tâm thần phân liệt, nhất là khi người đó chuyên xem một mục nào đó với những suy tư và chọn lựa một cách ý thức như khổ dâm, thú dâm, ấu dâm, thủ dâm, loạn luân, phá trinh, đồng tính luyến ái…
2.4. Tinh thần con người mở ra cho siêu việt
Khi tìm hiểu về hoạt động của các tế bào thần kinh trong bộ não con người, chúng ta chỉ thấy những dòng điện qua lại rất nhanh trong các đường truyền chứ không phân biệt đâu là ý niệm tốt hay xấu, ý niệm về người hay vật. Chúng ta chỉ thấy những dòng điện và chẳng thấy những gì được gọi là tư tưởng, tình cảm, ước muốn, khát vọng vô biên của con người.
Những dòng điện đó giống như những dấu hiệu đèn xanh, đèn đỏ trên đường đi mà chúng ta cần phải khám phá ra ý nghĩa thì việc giao thông mới có trật tự. Dù có mổ banh trái tim con người các nhà khoa học cũng không thấy chút gì của tình yêu. Dù có giải phẫu từng sợi thần kinh, các bác sĩ cũng không tìm được một niệm nhỏ bé hay tư tưởng lớn lao nào trong đó. Các nhà khoa học không thể cân đo đong đếm tư tưởng, tình cảm qua các dòng điện đó nên cũng không thể nói rõ ràng về bộ nhớ con người đang lưu giữ những gì, đang bị tổn thương như thế nào, phải chữa trị ra sao. Điều này mời gọi chúng ta nên thận trọng trong việc thanh lọc bộ nhớ con người vì trí nhớ con người là một trong những khả năng của tinh thần và tinh thần đó mở ra cho sự siêu việt, mở ra cho Đấng Vô Biên (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 130).
S. Freud đã nghiên cứu khá nhiều về ý thức, tiềm thức, vô thức và nói nhiều đến “siêu ngã” (sur-Moi). Nhiều nhà khoa học đã tìm hiểu về tác động của Tinh thần Tuyệt đối trên những tinh thần tương đối qua việc nói đến một “cõi siêu thức”. Nhiều tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau đã cảm nghiệm được sự mạc khải của thần linh, của Thiên Chúa như những dấu hiệu để ta hiểu được rằng ý thức con người có thể được soi sáng vượt lên trên những kinh nghiệm khả giác cũng như trí nhớ của con người có thể đón nhận được những ân sủng siêu hình (x. Thạc sĩ Nguyễn Thư Sinh, Các Học thuyết Tâm lý Nhân cách, NXB Lao Động, tr.345-366).
Đây cũng là điểm chúng ta nên lưu ý trong việc thanh lọc trí nhớ của mình và của người khác. Thí dụ: Một thanh niên xem phim đồi truỵ rất nhiều, thủ dâm thường xuyên nên sức khoẻ thể xác cũng như tinh thần kiệt quệ. Anh bị ám ảnh đến độ hoang tưởng, la hét và phá phách khiến người nhà phải xích tay chân anh lại. Anh được đưa đến nhà tâm lý đồng thời cũng là một nhà tu hành Công giáo. Sau khi khuyên bảo người thanh niên ăn năm sám hối để thanh lọc tâm trí và tin rằng Chúa đã tha thứ cho anh, nhà tham vấn cầu nguyện, giải tội cho anh. Anh quyết tâm chừa cải, xưng thú tội lỗi và ngay sau đó anh cảm nhận tâm hồn mình được bình an. Anh được tháo xích và ra về trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo. Chúng tôi kể lại câu chuyện này không nhằm cổ vũ mê tín nhưng muốn xác định rằng có nhiều cách thanh lọc trí nhớ hữu hiệu, trong đó không loại trừ sự can thiệp của thần linh, của Thiên Chúa vì tâm hồn con người luôn mở ra cho Đấng Vô Biên và các tinh thần khác.
3. MỘT VÀI LIỆU PHÁP THANH LỌC KÝ ỨC ĐỂ ỔN ĐỊNH TÂM HỒN
Khi tìm hiểu về trí nhớ của con người với những hoạt động cụ thể của bộ não và hướng mở ra cho vô biên tinh thần, chúng ta sẽ thấy có nhiều liệu pháp để có thể thanh lọc trí nhớ giúp cho những người bất an tìm được sự ổn định tâm hồn. Những liệu pháp này có thể thuộc bình diện tự nhiên và siêu nhiên mà các nhà tham vấn có thể tìm hiểu và áp dụng trong việc hồi phục tinh thần cho con người thuộc đủ loại nghiện ngập khác nhau. Chúng tôi xin kể tên một vài phương pháp sau đây:
3.1. Liệu pháp tác động đến bộ não bằng một dòng điện để thay đổi trí nhớ của con người. Trước đây, vào những năm 1950-1960-1970, người ta đã ứng dụng việc chữa trị gây sốc bằng dòng điện cho những người nghiện ma tuý, nghiện sex và thấy rằng phương pháp này có thể đem lại hiệu quả cho một số bệnh nhân. Ngày nay, dòng điện được đưa vào não bộ êm ả hơn qua những máy móc hết sức tối tân. Dòng điện sẽ tác động đến các trung khu thần kinh để xoá bỏ việc nhớ đến những hình ảnh dâm ô.Tuy nhiên, phương pháp này đã bị lên án là thiếu nhân bản vì tác động mạnh đến bộ não và làm thương tồn con người.
3.2. Liệu pháp dùng phân tâm học để loại bỏ ẩn ức nơi một số người nghiện phim sex và có những hành vi nguy hại. Nhà tham vấn có thể giúp thân chủ kể lại những sự việc, biến cố trong quá khứ, đi ngược dần dần về tuổi thơ để khám phá ra biến cố nào đã gây chấn động mạnh tâm trí con người. Nói ra được ẩn ức là người bệnh tìm lại được bình an.
3.3. Liệu pháp suy nghĩ tích cực (positive thinking): Có rất nhiều sách viết về đề tài này như:
– Tư duy tích cực của Trish Summerfield, Frederic Labarthe và Anthony Strano, NXB Văn hoá Sài Gòn, 2008.
– Chữa lành nỗi đau của Louise L. Hay, NXB Trẻ, 2010.
– Quẳng gánh Lo đi và Vui sống của Dale Carnegie, NXB Trẻ, 2008
– Tin vào Ngày mai của Jack Canfield và Mark Victor Hansen, NXB Văn hoá Sài Gòn, 2009.
Nói chung, phương pháp này đưa nhiều các tư tưởng trong sáng, hình ảnh mới mẻ và tốt đẹp vào trí nhớ để đè bẹp các hình ảnh xấu xa, dâm đãng đang có sẵn trong đầu và dòng ý thức đen bẩn sẽ nhạt nhoà dần dần.
3.4. Liệu pháp REBT của Albert Ellis (1913- 2007): REBT là tên viết tắt của Rational Emotive Behavioral Therapy có nghĩa là Liệu pháp Hành vi Cảm xúc Chuẩn (x. Ths Nguyễn Thơ sinh, Các học thuyết Tâm lý Nhân cách, NXB Lao Động, tr.114-123).
3.5. Liệu pháp Lột bỏ những suy tư trong bộ nhớ để hoàn toàn hoà nhập vào thiên nhiên thanh tịnh của Yoga. Tương tự như Thanh tịnh Tâm pháp trong phương pháp Thiền của Phật giáo.
3.6. Liệu pháp thanh tẩy tâm hồn của Công giáo bằng việc hoà giải với Thiên Chúa qua việc xưng thú tội lỗi, ăn năn sám hối trong bí tích Hoà Giải, qua việc đọc Lời Chúa mỗi ngày để dùng Lời Chúa thanh tẩy tâm hồn. Phương pháp thở Thần khí để loại bỏ tà khí ra khỏi tinh thần con người.
Kết luận
Việc thanh lọc trí nhớ quả thật rất cần thiết để tìm được sự an tĩnh. Tuy nhiên, đây là một công trình hết sức phức tạp còn đòi hỏi nhiều nghiên cứu và hiểu biết. Công việc này cũng không hoàn thành dễ dàng một sớm một chiều, đòi hỏi chúng ta phải nhẫn nại và tích cực giúp đỡ nhau. Ai cũng có thể sống tốt đẹp trong một thời gian rồi lại có thể rơi vào tình trạng bất an nặng nề hơn trước. Do đó, mỗi người chúng ta được mời gọi để luôn tin tưởng và hy vọng, không phải chỉ cậy dựa vào sức lực của riêng mình mà còn biết mở rộng tâm hồn để đón nhận những sức mạnh siêu nhiên từ Đấng Vô Biên.
–o0o–