23/11/2024

Chúng ta hãy giữ chiếc áo cưới tinh tuyền và lộng lẫy

Chúa phục sinh có thể mời gọi mọi người đến tham dự bữa tiệc của niềm vui phục sinh, và chính Người cung cấp y phục cưới, là biểu tượng của món quà tặng nhưng không của ơn thánh sủng, cho khách dự tiệc.

 Chúng ta hãy giữ chiếc áo cưới tinh tuyền và lộng lẫy

Bài giảng Lễ Phong Thánh cho các Chân Phước

Gaetano Errico (1791-1860); Marie Bernarda (Verena) Butler (1848-1924)

Alphonsine Vô Nhiễm (Anna Muttathupadathu) (1910-1946)

Narcisa de Jésus Martillo Morán (1832-1869)

Tại Nhà nguyện Đức Thánh Cha

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên, 12/10/2008

Anh chị em thân mến,

Gương mặt của bốn vị Thánh mới hôm nay được đưa ra cho Hội Thánh toàn cầu tôn kính, đó là Gaetano Errico, Marie Bernarda Butler, Alphonsine Vô Nhiễm và Narcisa de Jésus Martillo Morán. Phụng vụ giới thiệu các vị dưới hình ảnh khách mời tham dự bữa tiệc với y phục cưới. Ta cũng tìm thấy hình ảnh bữa tiệc này trong Bài đọc I, cũng như ở nhiều trang sách khác nhau trong Kinh Thánh: đây là một hình ảnh vui tươi, vì bữa tiệc có kèm theo ngày lễ cưới, là Giao Ước tình yêu giữa Thiên Chúa và dân của Người. Các Ngôn sứ trong Cựu Ước vẫn không ngừng hướng niềm mong đợi của dân Israel về Giao ước này. Và vào một giai đoạn được đánh dấu bằng đủ loại thử thách, khi trăm chiều khó khăn có thể làm cho Dân Chúa chọn phải ngã lòng bỏ cuộc, thì này đây lời trấn an của Tiên tri Isaia lại vang lên: Đức Chúa của vũ trụ khẳng định “Đức Chúa sẽ chuẩn bị cho muôn dân, trên núi của Người, một bữa tiệc thịt béo ngậy và rượu nho choáng váng say, một bữa tiệc thịt ngon và rượu nho tinh chế” (25,6). Đức Chúa sẽ chấm dứt nỗi u buồn và xấu hổ của Dân Người, và cuối cùng, họ sẽ có thể sống hạnh phúc trong mối hiệp thông với Người. Đức Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người; chính vì thế mà vị Tiên tri kêu mời toàn dân vui lên: “Này đây Thiên Chúa chúng ta, trong Người chúng ta đã từng trông đợi, và Người đã cứu thoát chúng ta; (…) chúng ta hãy hân hoan, chúng ta hãy vui mừng: Người đã cứu thoát chúng ta!” (c. 9).

Nếu Bài đọc I tán dương sự trung thành của Thiên Chúa đối với lời hứa của Người, thì bài Phúc Âm, với dụ ngôn Tiệc cưới, lại làm cho chúng ta suy nghĩ đến lời đáp trả của con người. Một vài khách mời vào giờ thứ nhất đã từ chối lời mời, vì những mối bận tâm khác nhau, những người khác, thậm chí lại còn khinh dể lời mời của nhà vua, nên đã dẫn đến hình phạt, không những cho cá nhân của họ, mà còn cho cả toàn thành phố. Tuy nhiên, nhà vua vẫn không thất vọng, và ông còn sai gia nhân của mình đi tìm những khách mời khác để cho đầy phòng tiệc của mình. Sự từ chối của những khách mời đầu tiên dẫn đến sự kiện nhà vua cho mời tất cả mọi người, và đặc biệt là ưu ái mời những người nghèo khổ và xấu số. Đó là điều đã xảy ra trong mầu nhiệm vượt qua: quyền lực rành rành ra đó của điều dữ đã bị chinh phục bởi sức mạnh toàn năng của Tình yêu Chúa. Từ nay, Chúa phục sinh có thể mời gọi mọi người đến tham dự bữa tiệc của niềm vui phục sinh, và chính Người cung cấp y phục cưới, là biểu tượng của món quà tặng nhưng không của ơn thánh sủng, cho khách dự tiệc.

Tuy nhiên, sự ưng thuận một cách tự do của con người phải đáp trả lại sự quảng đại của Thiên Chúa. Cũng chính trên con đường này mà hôm nay chúng ta tôn kính những con người được gọi là Thánh đã bước đi. Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, họ đã nhận chiếc áo cưới là ân sủng của Chúa, đã giữ chiếc áo tinh tuyền hay đã giặt sạch, và làm cho nó thêm lộng lẫy trong suốt cuộc đời của họ nhờ các bí tích. Từ nay, họ đang tham dự tiệc cưới trên Nước Trời. Một sự tham dự trước vào bữa tiệc cuối cùng trên Thiên đình, chính là bữa tiệc Thánh Thể mà mỗi ngày Chúa đều mời gọi chúng ta tham dự, và chúng ta cũng phải mặc áo cưới ân sủng của Người để tham dự bữa tiệc đó. Nếu chúng ta có làm vấy bẩn, thậm chí xé rách chiếc áo cưới này khi chúng ta phạm tội, thì Chúa nhân từ vẫn không hề xua đuổi chúng ta, cũng không hề bỏ mặc chúng ta cho số mệnh, nhưng mang lại cho chúng ta khả năng tái tạo lại một cách toàn vẹn chiếc áo cưới cần thiết cho ngày lễ hội nhờ Bí tích Giao Hoà.

Như thế, thừa tác vụ giao hoà vẫn luôn là một thừa tác vụ của ngày hôm nay. Linh mục Gaetano Errico, là đấng sáng lập Dòng Thừa sai Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Maria, đã miệt mài tận tuỵ với thừa tác vụ này, luôn chuyên cần và kiên nhẫn, không bao giờ từ chối, không bao giờ miễn chuẩn cho mình. Như thế, người là một trong những gương mặt linh mục kỳ diệu, luôn xem toà giải tội là nơi ban phát lòng thương xót của Thiên Chúa mà không bao giờ biết mỏi mệt, bằng cách giúp cho mọi người tìm lại được chính mình, chiến đấu với tội lỗi và tấn tới trên con đường sự sống thiêng liêng. Con đường và toà giải tội là những nơi ưu tiên dành cho hoạt động mục vụ của vị tân Thánh này. Con đường giúp cho vị Thánh này gặp được những con người mà Thánh nhân luôn mời gọi họ như sau: “Thiên Chúa yêu mến bạn, bao giờ chúng ta gặp nhau?” Và trong toà cáo giải, người luôn làm cho hối nhân có thể gặp được lòng thương xót của Cha Trên Trời. Đã có biết bao linh hồn bị thương tích được người săn sóc! Đã có biết bao nhiêu người được vị Thánh này giúp giao hoà với Thiên Chúa qua bí tích tha thứ! Theo cách thế này, Thánh Gaetano Errico đã trở nên một chuyên gia về “khoa học” tha thứ, và người cố gắng dạy bí tích này cho các vị thừa sai của mình và căn dặn họ: “Thiên Chúa không muốn cho tội nhân phải chết, Người luôn nhân từ hơn những thừa tác viên của Người; anh em cũng hãy nhân từ bao lâu anh em có thể làm được, bởi vì anh em nhận được lòng thương xót đến từ Thiên Chúa”.

Maria Bernarda Butler, sinh tại Auw, thuộc vùng Argovie, Thuỵ Sĩ, đã sống kinh nghiệm tình yêu sâu xa đối với Chúa, ngay từ lúc còn rất trẻ. Chính người đã nói như sau: “Hầu như không thể nào cắt nghĩa được cái kinh nghiệm này cho những ai chưa hề cảm nghiệm được một cách riêng tư”. Tình yêu này đã dẫn đưa Verena Butlet – tên của Thánh nữ thời bấy giờ – vào tu viện Dòng Anh Em Hèn Mọn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Altstatten, và người đã khấn trọn đời vào năm 21 tuổi. Vào năm 40 tuổi, người nhận được tiếng gọi thừa sai và đi đến nước Xíchđạo, rồi tới Côlômbia. Ngày 29/10/1995, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã nâng người lên hàng á thánh, vì cuộc sống và sự dấn thân phục vụ tha nhân của người.

Mẹ Maria Bernarda, một gương mặt rất quen thuộc và sống trong một thời gian dài tại Côlômbia, đã hiểu thấu một cách sâu xa rằng ngày lễ hội mà Chúa đã chuẩn bị cho các dân tộc được biểu thị một cách đặc biệt qua Bí tích Thánh Thể. Thật thế, chính Đức Kitô tiếp nhận chúng ta như những người bạn, và Người trao ban chính mình cho chúng ta qua bàn tiệc Mình và Lời Chúa, hiệp thông một cách sâu xa với mỗi người trong chúng ta. Đây là nguồn suối và cột trụ đời sống tu đức của vị tân Thánh nữ này, và cũng là nhiệt huyết thừa sai đã đưa người từ giã Thuỵ Sĩ là nơi chôn nhau cắt rốn của người, để mở lòng ra đi đến với những chân trời truyền giáo tại nước Xíchđạo và Côlômbia. Giữa những khó khăn lớn lao mà người đã phải đương đầu, kể cả cuộc lưu đày, người luôn khắc ghi trong lòng câu tán thán của Thánh Vịnh mà chúng ta đã nghe hôm nay: “Dầu đi qua lũng âm u, con chẳng sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng con” (Tv 22,4). Như thế, khi trung thành với Lời Chúa, và theo gương Đức Maria, Thánh nữ đã làm như những người đầy tớ trong đoạn Phúc Âm hôm nay mà chúng ta vừa lắng nghe đã đề cập đến: Thánh nữ đi khắp nơi loan truyền rằng Chúa mời gọi tất cả chúng ta tham dự ngày lễ hội của Người. Như thế, Thánh nữ chia sẻ cho người khác tình yêu của Thiên Chúa mà người đã trung thành và vui vẻ tận hiến suốt cả cuộc đời mình.

Thiên Chúa tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau khô giọt lệ trên mọi gương mặt” (Is 25,8). Những lời nói trên đây của Tiên tri Isaia chứa đựng cả một lời hứa đã nâng đỡ Alphonsine Vô Nhiễm Nguyên Tội suốt một quãng đường đời vô cùng đau khổ về mặt thể xác lẫn tinh thần. Người phụ nữ tuyệt vời này, người phụ nữ mà hôm nay Giáo Hội giới thiệu cho dân tộc Ấn Độ như vị Thánh nữ đầu tiên của họ, đã xác tín rằng thánh giá của chị là phương tiện duy nhất để đạt tới bữa tiệc thiên quốc, được Cha Trên Trời dọn sẵn cho chị. Khi chấp nhận lời mời gọi tham dự bữa tiệc cưới này, và khi mặc lấy ân sủng của Thiên Chúa qua kinh nguyện và thống hối, chị đã khuôn đúc cuộc đời mình theo cuộc đời của Đức Kitô, và bây giờ, chị đang hân hoan tham dự vào “bữa tiệc thịt béo ngậy và rượu nho choáng váng say” của Nước Trời (x. Is 25,6). Chị đã viết: “Tôi cho rằng một ngày không đau khổ là một ngày ta đánh mất đi”. Ước gì chúng ta có thể bắt chước chị mang lấy khổ giá của chúng ta, để một ngày kia gặp thấy chị trên Thiên quốc.

Người nữ giáo dân trẻ tuổi nước Xíchđạo, Narcisa de Lésus Martillo Morán, mang lại cho chúng ta một tấm gương tuyệt hảo trong việc nhanh chóng và quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi chúng ta tham dự vào tình yêu của Người. Ngay từ thuở thiếu thời, khi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, người đã cảm thấy rõ trong lòng tiếng Chúa gọi sống một cuộc sống thánh thiện và tận tuỵ cho Thiên Chúa. Để ngoan ngoãn sống theo tác động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình, người luôn tìm lời khuyên bảo và sự chỉ dẫn của những linh mục hiểu biết và thánh thiện, người xem sự linh hướng là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để nên thánh. Thánh nữ Narcisa de Jésus chỉ cho chúng ta con đường trọn lành Kitô giáo mà mọi người giáo dân có thể đạt tới được. Mặc dầu người nhận được rất nhiều ân huệ lạ lùng của Chúa, nhưng cuộc sống của người vẫn trôi qua trong sự bình thường nhất, người miệt mài làm công việc của một cô thợ may và công việc tông đồ của một giảng viên giáo lý. Qua tình yêu nồng cháy người dành cho Đức Giêsu, tình yêu đã thôi thúc người thực hiện một con đường cầu nguyện liên lỉ và hãm mình phạt xác, và ngày càng đồng hoá mình với mầu nhiệm thập giá, người đã mang lại cho chúng ta một chứng tá có sức lôi cuốn, và một tấm gương tuyệt hảo về một cuộc đời hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa và anh em.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tạ ơn Chúa về ơn huệ thánh thiện ngày hôm nay đã chiếu toả một nét đẹp diệu kỳ trong lòng Giáo Hội. Đức Giêsu mời gọi mỗi người trong chúng ta bước đi theo Người, như những vị Thánh chúng ta tôn kính ngày hôm nay, trên con đường Thánh giá, để rồi nhận lãnh sự sống vĩnh cửu mà Người đã ban tặng cho ta khi Người chết trên cây Thánh giá. Ước gì gương sáng của các ngài khuyến khích chúng ta; ước gì những lời giáo huấn của các ngài hướng dẫn chúng ta, và làm cho chúng ta thêm vững mạnh; ước gì lời cầu bầu của các ngài nâng đỡ chúng ta trong những cơ cực của cuộc sống thường nhật, để một ngày kia, chúng ta có thể chia sẻ niềm vui của bữa tiệc cưới vĩnh cửu trong thành Giêrusalem thiên quốc cùng với các ngài và tất cả các thánh. Nhất là, ước gì Đức Maria, là Nữ Vương các Thánh, cầu cùng Chúa cho chúng ta nhận được ơn huệ này, Mẹ là Đấng mà chúng ta tôn kính một cách đặc biệt trong tháng Mười này. Amen.