Đức Piô XII, một con người phó thác vào bàn tay nhân từ của Chúa Cha

Bài Tin Mừng Chúa Nhật 29 Thường Niên mời gọi ta “trả cho César những gì của César và trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”. Cuộc đời của ĐTC Piô XII là bài học sống động cho lời mời gọi trên.

 Đức Piô XII, một con người phó thác vào bàn tay nhân từ của Chúa Cha

 

Bài giảng nhân Thánh lễ tưởng niệm 50 năm ngày
Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời 
Tại Nhà nguyện của Đức Thánh Cha
Vương cung thánh đường Vatican
Thứ Năm, 9/10/2008

 Kính thưa các Đức Hồng y,
Chư huynh thân mến trong Giám mục đoàn và Linh mục đoàn,
Anh chị em thân mến,

Đoạn Sách Xiraxít và lời mở đầu trong Thư thứ nhất của Thánh Phêrô, được tuyên đọc trong Bài đọc một và Bài đọc hai, mang lại cho chúng ta những cơ hội đầy ý nghĩa để suy niệm trong bối cảnh của buổi cử hành Bí Tích Tạ Ơn này, mà qua đó, chúng ta tưởng niệm vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi, là Đức Piô XII, người tôi tớ Chúa. Kể từ ngày người qua đời, vào những giờ đầu tiên của ngày 9/10/1958 cho đến nay đã 50 năm trôi qua. Sách Xiraxít, như chúng ta đã nghe, nhắc cho những ai muốn theo Chúa thì phải chuẩn bị để đương đầu với những thử thách, những khó khăn và đau khổ. Sách khuyến dụ chúng ta, để không ngã quỵ trước những điều ta vừa kể trên, ta phải có một tấm lòng ngay thẳng và kiên định, phải trung thành với Chúa và sống kiên nhẫn, cùng với một ý chí không hề lay chuyển để bước đi trên con đường thiện hảo. Sự đau khổ thanh luyện tâm hồn người môn đệ Chúa, giống như vàng được tôi luyện trong lò lửa. “Những gì xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trong những thăng trầm của kiếp người, con hãy sống kiên nhẫn, vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, và những người được Chúa chọn thì phải được thử trong lò ô nhục” (2, 4-5).

Còn về Thánh Phêrô, thì trong đoạn Thư chúng ta vừa nghe đọc, khi ngỏ lời với các Kitô hữu thuộc các cộng đoàn Tiểu Á đang phải “ưu phiền giữa trăm chiều thử thách”, thì người còn đi xa hơn thế nữa: Người yêu cầu họ, dầu sao chăng nữa, “Anh em hân hoan vui sướng về những điều ấy” (1 P 1, 6).  Vì chưng, thử thách thì cần thiết, như Thánh Tông đồ nhận xét, “để cho đức tin của anh em, dù  có bị trăm chiều thử thách, đức tin là thứ quý hơn vàng, mà vàng là của phù vân mà còn chịu thử lửa, thì khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin của anh em sẽ trở nên một lời khen ngợi, và mang lại vinh quang và danh dự” (1 P 1,7). Sau đó, Thánh Tông đồ lại còn khuyên bảo họ một lần nữa là hãy sống vui vẻ, và thậm chí “còn được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ ánh vinh quang” (c. 8). Lý do sâu xa của niềm vui thiêng liêng này nằm trong tình yêu đối với Thiên Chúa, và trong niềm xác tín về sự hiện diện vô hình của Người. Chính Đức Kitô sẽ làm cho đức tin và đức cậy của người Kitô hữu không hề bị lay chuyển, ngay cả trong những giai đoạn phức tạp và khó khăn nhất của kiếp nhân sinh.

Dưới ánh sáng của những bản văn Kinh Thánh này, chúng ta có thể hiểu được quãng đường trần thế của Đức Giáo Hoàng Pacelli, và thời gian dài người phục vụ Giáo Hội, được bắt đầu dưới thời Đức Lêon XIII, và được tiếp tục dưới thời Đức Piô X, Đức Bênêđictô XV và Đức Piô XI. Những bản văn Kinh Thánh này đặc biệt giúp ta hiểu được nguồn suối nơi Đức Piô XII kín múc sức mạnh  và sự kiên nhẫn của người trong suốt thời gian người thi hành thừa tác vụ Giáo Hoàng, được diễn ra trong những tháng năm dài đau khổ của Thế chiến II, và giai đoạn tiếp theo sau đó không phải là không phức tạp, trong việc tái thiết và trong những mối bang giao quốc tế khó khăn xảy ra trong giai đoạn lịch sử mà chúng ta gọi là “chiến tranh lạnh”.

 Miserere mei Deus, secundum magnam misericordiam tuam – Lạy Chúa, xin hãy xót thương con, theo lượng hải hà bao la của Chúa”. Đức Piô XII đã bắt đầu bản di chúc của mình bằng câu kinh được trích từ Thánh vịnh 50/51. Và hai năm trước khi qua đời, người viết tiếp: “Những lời mà tôi đọc lên, ý thức rằng mình chẳng có công trạng gì, và không hề được chuẩn bị trước, vào giây phút tôi run rẩy nói lên lời ưng thuận được bầu làm Giáo Hoàng, thì giờ đây, tôi lại càng có lý hơn khi lập lại những lời đó”. Phó thác vào trong bàn tay nhân từ của Thiên Chúa: đó là thái độ mà vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi, vị Giáo Hoàng cuối cùng sinh trưởng tại Rôma, thuộc về một gia đình có mối liên lạc với Toà Thánh từ nhiều năm trời, đã không ngừng duy trì.

Tại Đức, quốc gia nơi người đã thi hành chức vụ Khâm sai Toà Thánh, trước tiên tại Munich, sau đó tại Bálinh, cho đến năm 1929, người đã để lại nhiều bằng chứng biết ơn những hoạt động của người, nhất là việc người đã cộng tác với Đức Bênêđictô XV trong nỗ lực chấm dứt cảnh “tàn sát vô ích” của cuộc Đại chiến, và ngay khi người nhậm chức, người đã cho thấy mối nguy hiểm quỷ quyệt của ý thức hệ duy quốc xã, với những căn nguyên nham hiểm bài Dothái và bài Công giáo. Tháng 12/1929, người được nâng lên chức vụ Hồng y, và ít lâu sau đó, trở thành Quốc vụ khanh, người là một vị cộng sự trung thành của Đức Piô XI trong suốt 9 năm trời, ở vào một giai đoạn được đánh dấu bằng những chủ nghĩa chuyên chế.

“Ai nghe lời tôi và tin (…) thì có sự sống đời đời” (Ga 5, 24). Lời Đức Giêsu cam đoan ở đây, mà chúng ta đã nghe qua Phúc Âm, làm cho chúng ta liên tưởng tới những hồi cơ cực nhất dưới triều đại Giáo Hoàng của Đức Piô XII, khi mà người cảm thấy mọi an toàn của con người đã bị hoàn toàn sụp đổ, thì người cảm thấy một cách mạnh mẽ nhu cầu phải gắn bó vào Đức Kitô, là sự bảo đảm duy nhất không bao giờ bị mai một, cũng như qua một cố gắng khổ chế liên tục. Như thế, Lời Chúa đã trở nên ánh sáng soi bước đường người đi, một con đường mà trên đó Đức Giáo Hoàng Pacelli đã phải an ủi những người tị nạn, và những người bị bách hại, lau khô nước mắt đau khổ, và khóc thương vô vàn nạn nhân chiến tranh. Chỉ mình Đức Kitô là hy vọng thực sự của con người; chỉ khi nào ta phó thác vào Chúa Kitô, thì lúc đó, con tim nhân loại của chúng ta mới có thể mở ra đón nhận tình yêu chiến thắng hận thù. Ý thức này vẫn luôn đồng hành với Đức Piô XII trong suốt thời gian người thi hành thừa tác vụ là người Kế vị Thánh Phêrô, thừa tác vụ của người vừa mới bắt đầu, thì những đám mây của một cuộc tranh chấp toàn cầu đã hội tụ trên vòm trời châu Âu, mà người đã tìm đủ mọi cách để né tránh. Đức Piô XII đã phát biểu một cách mạnh mẽ qua sứ điệp truyền thanh của người vào ngày 24/8/1939: “Mối nguy hiểm đã gần kề, nhưng chúng ta còn có thời gian. Có hoà bình thì ta không đánh mất gì cả. Chỉ có chiến tranh mới có thể đánh mất tất cả.” (AAS, XXXI, 1939, trg. 334).

Chiến tranh làm nổi bật tình yêu của Đức Piô XII vẫn dành cho kinh thành “Rôma đáng mến” của người, một tình yêu được chứng tỏ qua công việc bác ái mãnh liệt mà người đã thực hiện để cứu giúp những người bị bách hại, không hề phân biệt họ thuộc tôn giáo, sắc tộc, quốc tịch, phe nhóm chính trị nào. Trong suốt thời gian thành phố bị chiếm đóng, nhiều lần người ta khuyên Đức Piô XII rời Vatican để đi trú nạn, câu trả lời của người vẫn trước sau như một, vẫn giống nhau và cương quyết: “Tôi sẽ không từ bỏ Rôma và nhiệm sở của tôi, ngay cả khi tôi phải chết” (x. Summarium, trg.186). Ngoài ra, những người thân cận với Đức Piô XII và các nhân chứng khác đã cho chúng ta biết Đức Piô XII đã tự mình chấp nhận cắt phần thực phẩm, nguyên liệu sưởi ấm, quần áo, tiện nghi của mình để chia sẻ cho những người dân đang chịu trăm ngàn thử thách vì những trận oanh tạc và những hậu quả của chiến tranh (x. A. Tornielli, Pie XII, Un uomo sul trono di Pietro). Và làm sao ta có thể quên được sứ điệp truyền thanh Giáng Sinh của người vào 12/1942? Với một giọng nói bị tắc nghẹn vì xúc động, người đã khóc thương cho tình cảnh của “hàng trăm ngàn người, không phải do lỗi lầm của mình, nhưng chỉ vì những lý do quốc tịch và màu da, đã bị đẩy vào cái chết hay phải từ từ chịu mai một” (AAS, XXXV,1943, trg. 23), lời nói  này hẳn nhiên quy chiếu rất rõ ràng về cảnh lưu đày và huỷ diệt nhằm chống lại người Do Thái. Đức Piô XII thường hành động trong bí mật và thinh lặng, bởi vì dưới ánh sáng của những hiện tình cụ thể rất phức tạp trong giai đoạn lịch sử này, Đức Piô XII trực giác thấy rằng chỉ có dùng đến cách này, ta mới có thể tránh được việc làm cho  tình hình trở nên tồi tệ hơn, và cứu thoát được số đông người Dothái nhất có thể. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều chứng từ đồng loạt bày tỏ lòng biết ơn đã liên tiếp được gởi đến người, và khi người qua đời, có nhiều cấp lãnh đạo cao nhất trong thế giới Dothái, chẳng hạn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dothái, là Bà Golda Meir đã viết về người như sau: “Khi cuộc bách hại đạo dữ dằn nhất đã giáng xuống trên dân tộc chúng tôi, thì trong suốt 10 năm kinh hoàng của chủ nghĩa Đức quốc xã, tiếng nói của Đức Giáo Hoàng vẫn gióng lên bênh vực các nạn nhân”, và bà đã xúc động kết luận: “Chúng tôi khóc thương một người tôi tớ lớn nhất của hoà bình đã không còn nữa”.

Đáng buồn thay, cuộc tranh luận lịch sử về dung mạo của người tôi tớ Chúa là Đức Piô XII không phải lúc nào cũng bình thản, cuộc tranh luận ấy đã không làm nổi bật mọi khía cạnh của triều đại Giáo Hoàng muôn mặt của người. Đã có rất nhiều bài diễn văn, huấn từ và sứ điệp người gởi cho các nhà khoa học, y bác sĩ, những nhà hữu trách của rất nhiều nhóm người lao động, mà một số trong những tài liệu ấy ngày nay vẫn còn mang tính thời sự rất lớn, và vẫn còn tiếp tục là một điểm quy chiếu vững chắc. Đức Phaolô VI là cộng sự viên trung thành của Đức Piô XII trong nhiều năm dài, đã mô tả người là một nhà uyên bác, một nhà nghiên cứu cần mẫn, cởi mở đón nhận những con đường hiện đại trong việc nghiên cứu và trong nét văn hoá, nhưng đồng thời, vẫn cương quyết, và suy nghĩ mạch lạc, người vẫn trung thành với những nguyên tắc của lý trí con người, cũng như với kho tàng bất khả xâm phạm chứa đựng những chân lý đức tin. Đức Phaolô VI vẫn xem người như nhà tiền phong của Công đồng chung Vatican II (x. Kinh Truyền Tin ngày 10/3/1974). Trong nhãn quan này, một số lớn những tài liệu của người đáng được ta nhắc đến, nhưng ở đây, tôi chỉ giới hạn lại khi trích dẫn một vài tài liệu. Với Thông điệp Mystici Corporis, Thân Thể mầu nhiệm, được xuất bản ngày 29/6/1943, trong khi mà chiến tranh vẫn còn đang tàn phá một cách nặng nề, thì người đã mô tả những mối tương quan thiêng liêng và hữu hình liên kết con người với Ngôi Lời nhập thể, và người đề nghị đưa tất cả những đề tài về Giáo Hội học vào trong nhãn quan này, như thế, lần đầu tiên người đã mang lại một tổng hợp tín lý và thần học, mà trên đó Hiến chế tín lý Lumen gentium, Ánh sáng muôn dân, của Công đồng chung sẽ dựa vào.

Một vài tháng sau, vào ngày 20/9/1943, cùng với Thông điệp Divino afflante Spiritu, Thần Khí linh ứng, người xác định những tiêu chuẩn giáo lý để học hỏi Kinh Thánh, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng và vai trò của Kinh Thánh trong cuộc đời Kitô hữu. Đây là một tài liệu chứng tỏ việc Giáo Hội sẵn sàng đưa việc nghiên cứu khoa học vào trong các bản văn Kinh Thánh. Làm sao mà ta lại không nhắc đến Thông điệp này, trong khi kỳ họp của Thượng hội đồng Giám đang được diễn ra với chủ đề “Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”? Chính nhờ trực giác tiên tri của Đức Piô XII mà lần đầu tiên chúng ta mới có được một công cuộc nghiên cứu nghiêm chỉnh về những đặc tính của phép viết sử thời xưa, để hiểu được bản tính của Sách Thánh, mà vẫn không hề làm suy yếu, hay phủ nhận giá trị lịch sử của các quyển Sách Thánh. Việc đào sâu các “thể loại văn chương”, để hiểu rõ hơn điều mà tác giả thánh muốn nói, cho đến năm 1943, vẫn bị xem là khả nghi không đáng tin, do sự kiện là đã có những lạm dụng mắc phải trong lãnh vực này. Thông điệp nhìn nhận việc áp dụng đúng đắn các thể loại văn chương, và tuyên bố việc áp dụng này là chính đáng, không những để nghiên cứu phần Cựu Ước, mà còn để nghiên cứu cả phần Tân Ước nữa. Đức Giáo Hoàng Piô XII cắt nghĩa: “Ngày nay cũng thế, nghệ thuật này, nghệ thuật mà người ta vẫn có thói quen gọi là phê bình văn bản, việc phê bình văn bản ấy có giá trị và mang lại nhiều kết quả, đã được sử dụng trong các ấn phẩm của những tác giả ngoại giáo, cũng được toàn quyền áp dụng vào trong các quyển Sách Thánh, chính là để biểu lộ sự tôn trọng mà ta phải có đối với Lời Chúa”. Và Đức Piô XII nói thêm: “ Vì chưng, mục tiêu của khoa phê bình bản văn là để phục hồi, nhắm đến toàn bộ sự chính xác có thể, nội dung đầu tiên cho bản văn Sách Thánh, làm cho bản văn Sách Thánh không còn mắc phải những sai lầm do lỗi của người chép, cũng như giái phóng bản văn khỏi những chú thích và những thiếu sót, những chỗ chuyển vị từ ngữ, những chữ lập lại và những khuyết điểm tương tự thuộc đủ mọi phạm trù, mà trong những văn bản được truyền lại do tay con người sao chép trong nhiều thế kỷ thường xuyên mắc phải” (AAS, XXXV, 1943, trg. 336).                                                                                             

Thông điệp thứ ba mà tôi muốn nêu lên ở đây là Mediator Dei, Đấng Trung gian của Thiên Chúa, bàn về phụng vụ, được xuất bản ngày 20/11/1947. Với tài liệu này, người tôi tớ Chúa muốn đẩy mạnh phong trào phụng vụ, và nhấn mạnh đến “yếu tố thiết yếu của phụng tự”, “phải là yếu tố nội tại – Đức Piô XII viết tiếp – vì chưng ta cần phải luôn sống trong Đức Kitô, cung hiến cho Người, để trong Người, cùng với Người và cho Người, chúng ta làm vinh danh Chúa Cha. Phụng vụ thánh đòi buộc hai yếu tố này phải liên kết chặt chẽ với nhau… Nếu không, thì tôn giáo sẽ trở nên một thứ chủ nghĩa vụ hình thức không có nền tảng và không có nội dung”. Kế tiếp, chúng ta không thể không nhắc đến lực đẩy quan trọng mà vị Giáo Hoàng này muốn mang lại cho hoạt động truyền giáo của Giáo Hội qua các Thông điệp Evangelii praecones, Những truyền lịnh sư Tin Mừng (1951) và Fidei donum, Hồng ân đức tin (1957), làm nổi bật bổn phận của mỗi cộng đoàn trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, cũng như Công đồng chung Vatican II sau này sẽ làm với một năng lực đầy can đảm. Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng Pacelli cũng đã biểu lộ tình yêu của người đối với các công cuộc truyền giáo, ngay từ những ngày đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng của người, là vào tháng 10/1939, người đã đích thân tấn phong 12 Giám mục đến từ các nước truyền giáo, mà một vị là người Ấnđộ, một vị người Trunghoa, một vị người Nhậtbản, Giám mục châu Phi đầu tiên, và Giám mục Madagascar đầu tiên. Cuối cùng, một trong những mối bận tâm mục vụ đầu tiên của người là đẩy mạnh vai trò giáo dân, để cho cộng đồng Giáo Hội có thể dựa vào mọi năng lực và nhân lực sẵn có. Cũng ví lý do này mà Giáo Hội và thế giới đều biết ơn người.

Anh chị em thân mến, trong khi chúng ta cầu nguyện cho án phong chân phước của người tôi tớ Chúa là Đức Piô XII có một kết thúc tốt đẹp, thật là ý nghĩa khi chúng ta nhắc lại rằng sự thánh thiện là lý tưởng của Đức Piô XII, một trong những lý tưởng mà Đức Piô XII không quên đề nghị cho tất cả mọi người. Vì lý do này, mà người đã đẩy mạnh các vụ án phong Chân phước và phong Thánh cho những người thuộc các dân tộc khác nhau, thuộc đại diện của mọi bậc sống, chức vụ và nghề nghiệp, và dành một vị trí quan trọng cho các phụ nữ. Đức Piô XII đã giới thiệu cho nhân loại Đức Maria, Người Phụ nữ của ơn cứu độ, như là dấu hiệu của niềm hy vọng vững chắc, khi người tuyên bố Tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời, trong Năm Thánh 1950. Ở vào thời đại chúng ta, cũng như vào thời đại của Đức Piô XII, cũng bị bao vây bởi muôn nghìn mối bận tâm và âu lo cho tương lai; ở vào một thế giới, mà có lẽ còn hơn cả thế giới thời Đức Piô XII, đã có biết bao nhiêu người sống xa rời chân lý và nhân đức, làm cho ta thoáng thấy những tình hình không chút hy vọng, thì Đức Piô XII lại mời gọi chúng ta đưa mắt nhìn về Đức Maria là Đấng đã lên trời trong ánh vinh quang thiên giới. Đức Piô XII mời gọi chúng ta đặt hết niềm tin tưởng mà kêu cầu Mẹ, để Mẹ giúp chúng ta ngày càng đánh giá cao giá trị của sự sống trên trần gian này, và giúp chúng ta hướng cái nhìn của mình về mục đích thật mà tất cả chúng ta đều được Chúa dành sẵn: đó là sự sống vĩnh cửu, như lời Đức Giêsu đã đoan quyết với chúng ta, sự sống mà những ai biết lắng nghe và sống theo Lời của Người đã chiếm hữu được rồi. Amen!