23/11/2024

Hệ luỵ của dịch chuyển cán cân quyền lực thế giới

Các chuyên gia ghi nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc nhưng cũng nhận định sự sai lầm về ngoại giao khi nước này tuyên bố chủ quyền vô lý trên biển Đông.

 Hệ luỵ của dịch chuyển cán cân quyền lực thế giới

Các chuyên gia ghi nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc nhưng cũng nhận định sự sai lầm về ngoại giao khi nước này tuyên bố chủ quyền vô lý trên biển Đông.

Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học quốc gia Singapore, nhận định 2010 là “một năm tồi tệ” của Trung Quốc với những hành động gây căng thẳng đối với nhiều quốc gia láng giềng. Học giả nổi tiếng của Singapore và thế giới phát biểu như vậy tại Hội nghị Đối thoại toàn cầu Singapore (SGD) diễn ra ngày 22.9 với sự tham dự của hơn 400 nhà ngoại giao, học giả và chuyên gia cao cấp.

Đánh giá của ông Mahbubani được đưa ra trong phiên thảo luận kéo dài gần 2 giờ với chủ đề “Chuyển dịch cân bằng quyền lực toàn cầu trong thế kỷ 21” do tiến sĩ Jusuf Wanandi, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Indonesia về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, điều hành. Cùng tham gia thảo luận còn có thiếu tướng Diêu Vân Trúc – Giám đốc Trung tâm quan hệ Trung – Mỹ thuộc Học viện Khoa học quân sự quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Clarke Randt và Hiệu trưởng trường Kinh tế thế giới và ngoại giao quốc tế của Nga Sergei Karaganov.

Trong phần phát biểu của mình, giáo sư Mahbubani đánh giá cao sự trỗi dậy về kinh tế và vị thế chính trị của Trung Quốc trong thập niên vừa qua: “Trong khi Mỹ bận rộn với các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan thì Trung Quốc lặng lẽ phát triển kinh tế và quan hệ hợp tác quốc tế”. Ông cũng thừa nhận Bắc Kinh quản lý của cải tốt hơn Washington. “Đã qua rồi thời phương Tây và Mỹ thống trị thế giới”, ông nói và khẳng định thêm: “Nay là thời trở lại của phương Đông với hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ”.

 

 

“Nay là thời trở lại của phương Đông với hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ”

 

Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học quốc gia Singapore

 

 

Tuy nhiên, theo ông Mahbubani, sự trỗi dậy của Trung Quốc và dịch chuyển cán cân quyền lực thế giới cũng có thể dẫn đến các hệ luỵ. Ông dự đoán những hệ luỵ đó sẽ nằm trong hai kịch bản. “Kịch bản thứ nhất làm nảy sinh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Kịch bản thứ hai là gia tăng căng thẳng giữa hai quyền lực đang lên là Trung Quốc và Ấn Độ hoặc cũng có thể giữa Trung Quốc và Nhật Bản”, ông nói.

Giáo sư Mahbubani cũng chỉ ra rằng trong năm 2010, Trung Quốc đã mắc nhiều sai lầm trong việc xử lý các quan hệ ngoại giao. Trước hết là việc “làm bẽ mặt Nhật Bản bằng cách áp đặt các điều kiện buộc Nhật phải thả tàu cá và thuyền trưởng trong vụ va chạm ở quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư – TN). Trung Quốc còn đi quá xa khi đòi Nhật Bản phải xin lỗi. Điều đó thật sai lầm”, ông nói. “Tương tự, những tuyên bố và hành động của Trung Quốc trên biển Đông là một mối lo ngại” của thế giới và gây căng thẳng trong khu vực, theo học giả này.

Khuôn khổ an ninh châu Á

Giáo sư Mahbubani và các học giả khác cho rằng cả thế giới, đặc biệt là các quốc gia láng giềng, đang và sẽ theo dõi những động thái “thể hiện quyền lực” của Trung Quốc. Giáo sư Karaganov của Nga đề xuất thiết lập một khuôn khổ an ninh toàn châu Á để bù đắp “khoảng trống an ninh” xung quanh Trung Quốc, nhằm bảo đảm hoà bình, ổn định cho khu vực.

Trên bình diện toàn cầu, giáo sư Mahbubani hy vọng Trung Quốc nên tiếp tục tỏ ra là một quốc gia có “vị thế bình thường” trong vòng 10 – 20 năm nữa như ông Đặng Tiểu Bình đã từng khuyên các lãnh đạo nước này. Điều đó có thể giúp thế giới tránh được căng thẳng, đồng thời tạo dựng niềm tin của cộng đồng quốc tế vào một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Trong khi đó, thiếu tướng Diêu Vân Trúc trong phần phát biểu và trả lời câu hỏi của cử toạ đã nói rằng phải mất 70 năm nữa Trung Quốc mới bắt kịp Mỹ về thu nhập bình quân đầu người dù trước đó bà đưa ra các con số tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc so với Mỹ trong 10 năm qua. Cũng như cách các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường nói trước thế giới, bà Diêu khẳng định Trung Quốc luôn cam kết là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.