Giảm tốc độ có kéo giảm tai nạn?
Các chuyên gia cho rằng cần có thời gian thí điểm, đánh giá nguyên nhân, hiệu quả trước khi ra quyết định giảm tốc độ tại 10 tuyến đường trên địa bàn TP.HCM.
Giảm tốc độ có kéo giảm tai nạn?
Các chuyên gia cho rằng cần có thời gian thí điểm, đánh giá nguyên nhân, hiệu quả trước khi ra quyết định giảm tốc độ tại 10 tuyến đường trên địa bàn TP.HCM.
Cần cân nhắc bài toán giảm tốc độ di chuyển có thể kéo giảm tốc độ phát triển kinh tế ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC67) Công an TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị với Sở GTVT TP tiếp tục điều chỉnh tốc độ theo hướng giảm tốc độ tối đa cho phép tại các khu vực, tuyến đường đặc thù, có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp. Theo đó, giảm tốc độ tối đa cho phép từ 10 – 20 km/giờ đối với các loại ô tô, xe tải và các phương tiện có kết cấu tương tự trên các đường: quốc lộ 1, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, quốc lộ 22, Nguyễn Văn Linh, Kinh Dương Vương, Quang Trung, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Văn Lượng và Phan Văn Trị. Tốc độ cao nhất ô tô con, xe khách được phép lưu thông là 70 km/giờ (trên đường Phạm Văn Đồng và quốc lộ 22 đoạn từ cầu An Hạ đến cống Suối Sáu, giáp Tây Ninh). Xe tải và xe có kết cấu tương tự được chạy nhanh nhất 50 km/giờ (quốc lộ 22).
|
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, đánh giá trong các tuyến đường nội đô TP hiện nay mật độ xe cộ cao nên tốc độ di chuyển của các xe thực tế luôn bị hạn chế, tốc độ di chuyển trung bình thấp hơn nhiều so với quy định. Các trường hợp đi tốc độ cao gây tai nạn chủ yếu đến từ vi phạm vượt quá tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu. Với các đối tượng này, dù có hạ tốc độ tối đa cho phép nhưng không siết chặt công tác kiểm tra, có chế tài xử phạt nghiêm thì cũng khó kéo giảm tai nạn. Mặt khác, giảm tốc độ di chuyển của các phương tiện đồng nghĩa giảm tốc độ phát triển của ngành kinh tế vì hạn chế năng lực vận chuyển, kéo dài thời gian, tăng chi phí. “Vì thế, TP cần có thời gian thí điểm, sau đó tổ chức nghiên cứu, đánh giá kết quả có thật sự giúp kéo giảm tai nạn hay không, từ đó mới đưa vào quy định”, ông Hoàng đề xuất.