23/12/2024

Đừng ham rẻ

Nhiều dự án rất lớn dùng vốn trong nước, có giá trị hàng tỉ USD nhưng nhà thầu nước ngoài lại thắng thầu.

 Trao dự án cho nhà thầu nước ngoài: Đừng ham rẻ

Nhiều dự án lớn đã rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài, đặc biệt là các nhà thầu Trung Quốc, vì họ chào giá rất rẻ nhưng thi công ì ạch, không bảo đảm chất lượng, lại sử dụng nhiều lao động phổ thông, thậm chí lao động không phép.

Tình trạng này đã khá phổ biến. Khắc phục bằng cách nào? Tuổi Trẻ đã đặt vấn đề này với chủ tịch Tổng hội Xây dựng Trần Ngọc Hùng.

Ông Nguyễn Văn Thụ (chủ tịch Hiệp hội Cơ khí): Không thể để mặc doanh nghiệp Việt

Tình trạng rất nhiều công trình lớn nhà thầu ngoại trúng làm tổng thầu đã khiến nhiều doanh nghiệp VN khó khăn. Doanh nghiệp cơ khí trong hiệp hội chúng tôi nhiều người đã đầu tư cả ngàn tỉ đồng nhưng hiện đang lâm vào cảnh không có việc làm. Trong khi đó các công trình của nhà thầu ngoại lại không muốn dùng hàng VN, họ ý thức rất cao kích cầu hàng của họ.

Chúng ta không có tiền làm nhà máy, phải đi vay nên đôi lúc phải nhượng bộ. Nhưng vốn vay đó phải hiểu chúng ta sẽ phải trả, họ đâu cho không, nên phải kiên quyết để kích nội lực mình lên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các nhà thầu Trung Quốc được hỗ trợ, cả về thuế, tỉ giá… có thể khiến giá của họ giảm được khoảng 30%. VN nếu cứ để mặc doanh nghiệp của mình tự cạnh tranh thì ta không bao giờ thắng nổi.

Doanh nghiệp đang khó khăn, công nhân thiếu việc làm, ông Trần Ngọc Hùng – chủ tịch Tổng hội Xây dựng – cho rằng nên sửa lại Luật đấu thầu để có cơ chế cụ thể hơn, giúp nhà thầu trong nước có cơ hội để trưởng thành trước các nhà thầu nước ngoài.

Nhiều dự án rất lớn dùng vốn trong nước, có giá trị hàng tỉ USD nhưng nhà thầu nước ngoài lại thắng thầu. Khả năng về vốn, công nghệ, trình độ quản lý… của doanh nghiệp VN chưa mạnh nhưng cũng có một số doanh nghiệp VN đã đảm nhận thành công vai trò tổng thầu EPC như tại nhiệt điện Uông Bí mở rộng, Nhơn Trạch…

Cẩn thận rẻ mà… rất đắt

* Thưa ông, nhiều dự án do ta thiếu vốn, phải chọn nhà thầu nước ngoài bỏ thầu giá rẻ nhất. Nhưng so với tuổi thọ dự án, tiêu hao nhiên liệu thì cuối cùng “nhà máy giá rẻ” lại thành rất đắt?

– Đúng là yếu tố rất quyết định với một dự án là xuất xứ và chất lượng thiết bị. Ví dụ đơn giản là một lò nung trong nhà máy ximăng, nếu chiều dày đúng chuẩn 28mm, chất liệu thép tốt sẽ hoạt động được 30 năm. Nhưng cũng lò ấy, chất liệu thép bình thường, trình độ công nghệ trong nước chế tạo không cao, chỉ hoạt động được 20 năm. Khấu hao trong 20 năm đẩy giá thành cao lên. Đặc biệt, nhà máy tiêu thụ nhiên liệu cao thì gánh nặng chi phí sẽ đeo đẳng suốt cả đời nhà máy…

* Vừa rồi có sự kiện Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ đã yêu cầu đền bù, phạt nhà thầu Trung Quốc vì chậm tiến độ, chất lượng sản phẩm ra không đúng thiết kế. Dù phạt được nhưng có vẻ thiệt hại lâu dài lại là phía VN?

– Chúng ta còn nghèo, đôi khi phải chọn cái rẻ, nhưng nếu không cẩn thận thì cộng các chi phí sửa chữa, nhiên liệu, thời gian dừng nhà máy để chỉnh sửa lại thành  ra đắt. Đã có một ví dụ khi ta chọn công nghệ khoan đường hầm tự động hoá. Nhật Bản chào công nghệ tiên tiến, giá rất đắt. Dùng công nghệ này không phải làm “lô cốt” nên có dự án ở TP.HCM chọn, nhưng lại chọn công nghệ Trung Quốc. Cuối cùng chết mất mũi khoan, việc chưa thành mà trước mắt tốn vài triệu USD…

* Nhiều chủ đầu tư cho rằng chất lượng thiết bị của Trung Quốc không thấp. Nhiều sản phẩm châu Âu sản xuất tại Trung Quốc cũng phải theo tiêu chuẩn châu Âu. Nên chọn sản phẩm Trung Quốc vừa rẻ, chất lượng lại tốt?

– Tôi công nhận không phải sản phẩm Trung Quốc nào cũng không tốt. Nhiều mặt hàng Trung Quốc không kém gì châu Âu. Nhưng phải cụ thể là nhà máy nào, ở đâu? Chúng ta đưa ra yêu cầu về lò hơi, về kết cấu nếu chỉ chung chung thì không thể so sánh được. Ví dụ chiếc xe hơi thôi, một chiếc Toyota sản xuất ở Trung Quốc không khác gì sản xuất tại Nhật với các tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng có thể sẽ khác nhau về độ tinh tế trong vận hành, độ bền…

Chúng ta cần cảnh giác vì ngay một chiếc máy bơm tôi thấy có trường hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật ghi trên sản phẩm y hệt nhau, nhưng khi vận hành chỉ khác một điều: sản phẩm sản xuất tại nước châu Á… tốn điện hơn. Chỉ khác một chi tiết rất nhỏ ấy nhưng đấy chính là vấn đề. Đôi khi trình độ, công nghệ để kiểm định thiết bị của ta còn hạn chế, chỉ khi sử dụng mới biết. Họ cũng biết điều đó và họ cứ đưa vào, chúng ta đã bị hớ. Cuối cùng sản phẩm của chúng ta chất lượng và giá cả sẽ khó có thể cạnh tranh nổi với sản phẩm của nước họ xuất khẩu sang. Đây có thể chính là cái “đắt” nhất, đặc biệt là khi chúng ta cắt giảm thuế quan theo hiệp định thương mại tự do.

* Nhà thầu nước ngoài đem vốn, công nghệ vào, nhưng nếu cứ như thế doanh nghiệp VN sẽ bị khó khăn, đây sẽ là giá đắt trong lâu dài?

– Không phải tự dưng doanh nghiệp VN đủ ngay năng lực được. Họ phải được tạo điều kiện để lớn dần. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều dự án bị cắt giảm, đình hoãn thì nhiều doanh nghiệp xây dựng phải nói là khó khăn, thiếu công ăn việc làm. Trong khi đó, nhiều dự án lớn nhà thầu nước ngoài làm. Đó là ảnh hưởng về cơ hội phát triển, có thể tỉ lệ không lớn nhưng chắc chắn có ảnh hưởng.

* Có hiện tượng nhiều chủ đầu tư cho rằng lao động Trung Quốc năng suất cao, giá rẻ, không cho họ vào sẽ chậm tiến độ nên đã “ngả mũ” âm thầm mặc nhà thầu đưa công nhân vào?

– Vấn đề mà theo tôi dứt khoát phải tìm hiểu là mức lương nhà thầu trả cho công nhân nước ngoài có thật sự chỉ 2-4 triệu đồng/tháng như họ nói không. Tôi ngờ rằng lương mà nhà thầu trả cho công nhân nước ngoài ở VN thấp chỉ là cớ để họ vin vào đó không sử dụng công nhân VN. Sau khi về nước, công nhân của họ rất có thể được trả thêm một khoản dưới dạng tiền phụ cấp xa nhà… Đây cũng là cách khiến công nhân nước ngoài không phải nộp thuế thu nhập tại VN. Trong khi đó nếu sử dụng lao động trong nước, cái được của chúng ta không chỉ là doanh nghiệp VN phát triển, lao động có việc làm mà thuế thu nhập chúng ta cũng thu được nhiều hơn.

Sửa Luật đấu thầu

* Theo nhiều chủ đầu tư hiện nay, nếu không “ngả mũ” trước nhà thầu nước ngoài thì đất nước sẽ được lợi rất nhiều?

– Tôi nghĩ rằng nếu ta chú trọng phát huy nội lực, chủ đầu tư có thể ưu tiên được nhà thầu nội, bằng việc đưa ra yêu cầu phù hợp với trình độ của VN hơn, thậm chí họ có thể chia dự án ra nhiều gói thầu để nhà thầu nội có cơ hội. Bài toán chào thầu hoàn toàn có thể ghi rõ điều kiện thực hiện, như phải sử dụng vật tư thiết bị trong nước sản xuất được. Ví dụ kết cấu thép, công nhân trong nước… đáp ứng thì phải được ghi rõ trong hợp đồng là dùng hàng trong nước. Chứ gạch lát nền, sứ vệ sinh VN sản xuất tốt, không lý gì cứ để họ đưa từ nước họ sang. Nếu chúng ta kiên quyết ngay từ khi đưa ra bài toán gọi thầu thì nhiều doanh nghiệp Việt sẽ được lợi, ngay cả khi nhà thầu nước ngoài thắng thầu.

* Nhiều chuyên gia cho rằng nhà thầu Trung Quốc được chính quyền của họ hỗ trợ lớn. Nên nếu cứ để mặc nhà thầu VN thì chúng ta sẽ tự đẩy mình vào cuộc cạnh tranh không cân sức?

– Nhà thầu Trung Quốc đang thắng thầu khắp nơi chứ không chỉ ở VN. Châu Phi, Thái Lan, thậm chí mới đây cả Mỹ họ cũng trúng… Tôi được biết tại Trung Quốc, nhà nước có chính sách rất tốt đối với các nhà thầu khi trúng thầu tại nước ngoài, như cơ chế thuế thu nhập doanh nghiệp. Chúng ta đang thiếu vốn nghiêm trọng, không có lý gì Trung Quốc đưa vốn sang ta không nhận. Nhưng vấn đề là tận dụng tối đa nguồn lực nước ngoài nhưng phải tạo điều kiện để doanh nghiệp VN vươn lên dần dần.

* Nghĩa là cơ chế hiện nay vẫn cần chỉnh sửa?

– Chúng tôi vừa có kiến nghị với Bộ Kế hoạch – đầu tư sửa một số nội dung của Luật đấu thầu để tạo điều kiện cho nhà thầu nội, nhất là các nguồn vốn từ ngân sách, từ doanh nghiệp nhà nước… Thứ nhất, chúng ta phải chọn thầu không chỉ ở giá mà còn cả ở chất lượng thiết bị và tiến độ. Thứ hai, những gói thầu trong nước làm được thì chỉ cho đấu thầu trong nước. Thứ ba là cần quy định rõ hơn để cấm ngặt không đưa lao động nước ngoài không có trình độ vào VN. Ngoài ra trong các gói thầu, ngay cả khi đấu thầu quốc tế, thiết bị nào trong nước sản xuất được, bắt buộc phải đưa vào, không để tình trạng nhà thầu nước ngoài đến cái đinh, cái ốc cũng nhập chứ kiên quyết không dùng hàng VN.