23/11/2024

Giữa hoang phế Đồng Dương

Đồng Dương, kể từ phát hiện và khảo tả của các học giả Pháp đầu thế kỷ 20 đến nay, lại tiếp tục chịu hư hại vì bom đạn chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt và cả sự lãng quên của con người…

 Giữa hoang phế Đồng Dương

Mỗi lần đến huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), tôi đều tranh thủ ghé thăm lại di tích kinh đô – Phật viện Đồng Dương, bởi Đồng Dương – Indrapura (hay kinh thành Sấm sét), vừa là hoàng cung, vừa là đền thờ thần Phật và từng là một tu viện Phật giáo thuộc loại cổ và lớn nhất nhì Đông Nam Á từ thế kỷ thứ 9.

Đồng Dương, kể từ phát hiện và khảo tả của các học giả Pháp đầu thế kỷ 20 đến nay, lại tiếp tục chịu hư hại vì bom đạn chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt và cả sự lãng quên của con người…

Di tích bị lãng quên

Ông Trà Tấn Tôn, trưởng nhánh II tộc Trà ở thôn Đồng Dương đứng cùng chúng tôi bên tượng voi trước nhà thờ phái 2 tộc Trà, cho biết sau những trận tấn công và ném bom dai dẳng của mấy tiểu đoàn lính biệt động quân và máy bay vào năm 1968, nhiều tháp của Phật viện bị sụp đổ, vùi lấp… Ngày nay, chỉ còn lại một phần cổng tháp Sáng nhưng không biết ngã đổ lúc nào vì những cột gỗ chống đỡ đã bị mối mọt đục khoét. Bí thư xã Bình Định Bắc Trần Thanh Phong cho biết từ giải phóng đến nay đã trải qua 8 nhiệm kỳ chủ tịch xã, nhiệm kỳ nào cũng đưa vào nghị quyết bảo vệ di tích Đồng Dương, nhưng cũng chỉ là nghị quyết thôi vì lực bất tòng tâm!

Ông Phong còn cho biết, riêng thôn Đồng Dương có đến 120 hộ dân người tộc Trà, chiếm 40% dân số. Chỉ có người họ Trà mới có quyền nhặt gạch đá đổ vỡ ở Đồng Dương về xây dựng ở nhà mình… Trong khi đó, nguyên Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Quảng Nam Phan Thanh Bảo cho biết từ năm 2002, một đề án bảo vệ và tôn tạo Phật viện Đồng Dương đã được trình lên Bộ VH-TT và đã được phê duyệt, thế nhưng sau đó ông về hưu và những cuộc thay đổi lãnh đạo liên tiếp khiến dự án bị quên lãng…

Năm 2008, khi đến đây và viết bài về một Đồng Dương đang kêu cứu, chúng tôi đã phát hiện các trụ bê tông cắm mốc bảo vệ di tích bị tháo mất, một pa-nô bằng tôn vẽ bản đồ quy hoạch khu bảo vệ theo Luật Di sản đã mục nát và được đưa vào làm… chuồng lợn trong một nhà dân gần di tích.

Trước đó vài năm tại Đà Nẵng, nhiều người còn nhớ có hai “đại gia” lên tận Đồng Dương mua tượng Chăm cổ, trên đường về ban đêm đã đâm vào trụ điện chết và trọng thương. Hàng ngàn viên gạch cổ còn nguyên vẹn bị bán và chở lén lút đi Hội An cũng đã bị chính quyền xã Bình Định Bắc bắt giữ vào thời điểm này. Đến nay, số gạch quý ấy chỉ còn một nửa đang để trong khuôn viên uỷ ban xã, do không được bảo quản nên hao hụt dần.

Trong cái oi bức của tháng 8, năm em nhỏ là con cháu họ Trà chụm vào thử nhấc một tảng sa thạch dưới chân tháp Sáng, khi được hỏi về ý nghĩa của di tích này, các em chỉ biết nghe ông bà kể lại sơ sài từng vụ việc, còn giá trị chính thì… mù tịt! Trên vách đá tháp Sáng vẫn còn nguyên những dòng chữ ngoằn ngoèo của học sinh vào đây viết vội.

Ông Phong kể thêm: “Năm ngoái, bảo tàng tỉnh có về họp dân, truyền lại ý nghĩa và giá trị của di tích thì đa số các hộ dân họ Trà mới thấu hiểu và tuyên bố sẽ đi đầu trong việc giữ gìn di sản của cha ông… Nhưng còn gì đâu mà bảo vệ!”.

 

Chỉ một trận mưa giông nữa là đổ hết những ngàn năm… 
v_shapes=”_x0000_i1026″>

 

Một người dân ở thôn Đồng Dương nói về tháp Sáng

Bí thư Huyện uỷ Thăng Bình Phan Thăng An, ngày còn làm chủ tịch huyện hầu như cuộc họp nào ở tỉnh anh cũng nêu “vấn đề Đồng Dương”, nhà báo nào tới huyện, anh cũng tranh thủ mời lên Phật viện… Nhưng “gần như Đồng Dương đã bị quên lãng”, có lần An chua chát nói với tôi.

Các nhà khoa học lên tiếng

Nước chảy lâu thì đá cũng mòn. Trước những thông tin kêu cứu trên báo chí và các diễn đàn, một hội nghị khoa học và bàn các biện pháp cấp bách bảo vệ Phật viện Đồng Dương đã được tỉnh Quảng Nam tổ chức.

Theo các giáo sư – tiến sĩ đầu ngành Hoàng Đạo Kính, Trương Quốc Bình, Lê Công Phụng… thì cần phải cứu Đồng Dương và xác định cách ứng xử chuyên biệt và khoa học. Muốn vậy, phải nhận thức lại những giá trị của Đồng Dương như là một di tích – phế tích lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật. “Trước hết phải đối xử với di tích quốc gia Đồng Dương theo đúng quy định của Luật Bảo vệ di sản, tạo ra nhận thức rộng rãi từ người dân địa phương đến các cộng đồng rộng lớn hơn” (TS Trương Quốc Bình), “Phải cứu cho được, giữ cho được nhưng không tuỳ tiện mà phải có bước đi thật khoa học, lập tư liệu khoa học lưu trữ, coi Đồng Dương là di tích kiến trúc – khảo cổ học. Khảo cổ và bảo quản trùng tu phải tiến hành đồng thời. Không thể khai quật rồi để đấy, phải giữ được hiện trạng và càng phải ít can thiệp để tránh nhầm lẫn, tránh làm giả di tích!” (GS Hoàng Đạo Kính).

Tiến sĩ Lê Công Phụng nhấn mạnh: “Sự phát hiện pho tượng Phật Đồng Dương năm 1978 cho thấy những vấn đề còn tiềm ẩn trong khu di tích này cũng như lịch sử của nó (kinh đô, trung tâm Phật giáo) cần phải được tiếp tục nghiên cứu, mà các nhà khảo cổ chúng tôi rất sẵn sàng…”.

Các nhà khoa học cũng cho rằng những gì được phát lộ từ H.Parmentier đến nay và những phát lộ tiếp theo sẽ là điều kiện thuận lợi để có thể lập hồ sơ cho UNESCO công nhận Phật viện Đồng Dương là một di sản văn hoá – lịch sử – kiến trúc thế giới mới tại Quảng Nam. Muốn vậy, ngoài sự chung sức chung lòng của các nhà khoa học, rất cần sự chủ động của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và sau đó là sự hợp tác quốc tế.

Hội thảo về những biện pháp cấp bách cho Đồng Dương là câu chuyện trong nhà hội nghị với những quyết tâm, tuyên bố của những người chủ trì, các nhà khoa học và các đề nghị đưa vào “chương trình mục tiêu quốc gia” của trung ương. Nhưng buổi chiều sau khi hội nghị kết thúc, chúng tôi đã trở lại Đồng Dương. Mọi việc vẫn như cũ. Các trụ gỗ chống đỡ hàng chục năm nay đã long đổ vì mối mọt, cây rừng trồng ken dày và trâu bò thả bừa bãi vào các vùng bảo vệ, không ai có thể biết đây là một di tích cấp quốc gia được xếp hạng vì chẳng có một biển báo nào… Nghĩa là nửa tháng sau khi UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định chỉ đạo việc cấp thiết chống đỡ cho tháp Sáng không ngã đổ trước mùa mưa bão, tất cả vẫn chưa hề động tĩnh. Một người dân ở thôn Đồng Dương chỉ vào tháp Sáng, lắc đầu bảo: “Chỉ một trận mưa giông nữa là đổ hết những ngàn năm…”. 

Phật viện của Đông Nam Á

Năm 875, vua Indravarman II xây dựng một tu viện Phật giáo thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều tại Đồng Dương. Năm 1901, học giả người Pháp L.Finot công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Đồng Dương, trong đó có một tượng Phật bằng đồng cao 108 cm. Năm 1902, H.Parmentier tìm thấy khu kiến trúc chính của thánh địa cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá…

Sức ảnh hưởng của Phật viện Đồng Dương được đánh giá suốt hơn 5 thế kỷ tồn tại (875 – 1471), là trung tâm nghiên cứu, truyền bá Phật học có tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á. Năm 982, vua Lê Đại Hành sau đi bình Chiêm thắng lợi đã đưa về nước vị sư Thiên Trúc (Ấn Độ) đang hành đạo thuyết giảng tại đây. Năm 1301, sư tổ Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông cùng với tăng sĩ Đại Việt có 9 tháng lưu lại nơi đây để tu đạo…