23/12/2024

Đua nhau khoe máy bay tàng hình

Không chịu thua kém Mỹ, Nga đang hợp tác với Ấn Độ để phát triển loại máy bay 5-G Sukhoi T-50 nhằm đối chọi với đối thủ F-22 và F-35 của Mỹ. Chi phí của chương trình này vào khoảng 10 tỉ USD

 Đua nhau khoe máy bay tàng hình

Nga vừa ra mắt máy bay chiến đấu tàng hình Sukhoi T-50 tại Triển lãm hàng không MAKS 2011. Trước đó, hồi tháng 1, Trung Quốc “khoe” chiếc Chengdu J-20. Cuộc chạy đua phát triển chiến đấu cơ tàng hình đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. 

 

Tính đến năm 2011, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (5-G) vẫn là loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất với công nghệ tàng hình (tránh sóng radar) và khả năng tác chiến vượt xa các thế hệ chiến đấu cơ trước đó. Ở thời điểm hiện tại, loại máy bay chiến đấu 5-G duy nhất đang hoạt động là chiếc F-22 Raptor của Hãng Lockheed Martin. Tính đến tháng 5-2010, Không quân Mỹ sở hữu 168 chiếc F-22 Raptor với giá mỗi chiếc lên tới 150 triệu USD. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác đang đổ hàng tỉ USD vào nỗ lực phát triển máy bay chiến đấu 5-G.

“Chiếc Chengdu J-20 không thể so sánh với các đối thủ như Sukhoi T-50 hay F-22 xét trên sức mạnh động cơ, tốc độ, hệ thống radar và khả năng tàng hình. Chengdu J-20 chỉ có thể được xem là máy bay thế hệ thứ tư (4-G) mà thôi”

Kanwa Andrew Chan (tổng biên tập Hãng tin quân sự Hong Kong)

Tham vọng tàng hình

Ngoài F-22, Lockheed Martin hiện cũng đang phát triển một loại chiến đấu cơ 5-G khác là F-35 Lighting II. Mẫu máy bay F-35 đầu tiên đã bay thử vào tháng 12-2006 và Lockheed Martin dự kiến chính thức ra mắt F-35 vào năm 2018. Thiết kế của F-35 có phần giống F-22 nhưng nhỏ hơn. Ngoài Mỹ, các nước NATO và đồng minh của Mỹ như Anh, Ý, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Đan Mạch, Na Uy và Úc cũng góp vốn phát triển F-35. Dự kiến Mỹ sẽ mua tổng cộng 2.443 chiếc với giá 382 tỉ USD (156 triệu USD/chiếc). Lockheed Martin cho biết F-35 có độ linh hoạt cao hơn chiếc F-22 và có các thiết bị cảm biến hiện đại hơn.

Không chịu thua kém Mỹ, Nga đang hợp tác với Ấn Độ để phát triển loại máy bay 5-G Sukhoi T-50 nhằm đối chọi với đối thủ F-22 và F-35 của Mỹ. Chi phí của chương trình này vào khoảng 10 tỉ USD. Ngày 16-8, mẫu Sukhoi T-50 đầu tiên đã bay thử tại Triển lãm hàng không MAKS 2011 ở gần Matxcơva. Chiếc Sukhoi T-50 có khả năng tàng hình, bay với tốc độ siêu thanh (trên 1.236 km/g), được trang bị các loại tên lửa không đối không, không đối đất, không đối biển… cùng hệ thống radar hiện đại AESA. Tập đoàn Sukhoi Aviation (Nga) cho biết sẽ sản xuất 1.000 chiếc Sukhoi T-50 trong vòng 10 năm tới. Quân đội Nga sẽ mua 200 chiếc, Ấn Độ 200 chiếc. Dự kiến Không quân Ấn Độ sẽ đưa vào sử dụng những chiến đấu cơ này vào năm 2018. Phần còn lại để xuất khẩu từ năm 2015.

Ngoài máy bay Sukhoi T-50, Ấn Độ cũng đang phát triển một loại máy bay chiến đấu 5-G khác là AMCA. Cơ quan Phát triển hàng không trực thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ thiết kế mô hình AMCA, còn Tập đoàn Hindustan Aeronautics chịu trách nhiệm sản xuất. Mẫu AMCA đầu tiên sẽ bay thử vào năm 2017 và chính thức ra mắt vào năm 2020. Các quan chức quân đội Ấn Độ tiết lộ tham vọng sở hữu 250-300 chiếc chiến đấu cơ 5-G trong bối cảnh Trung Quốc đang đầu tư lớn vào quốc phòng.

Trong khi đó, Viện Phát triển và nghiên cứu kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng Nhật đang phối hợp với Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries để phát triển chiến đấu cơ tàng hình 5-G Mitsubishi ATD-X với nhiều công nghệ hiện đại, thậm chí có cả chức năng vũ khí vi ba. Dự kiến chuyến bay đầu tiên của Mitsubishi ATD-X sẽ diễn ra vào năm 2014. Hồi tháng 7-2010 Không quân Hàn Quốc và Indonesia ký hợp đồng phát triển một loại máy bay 5-G một chỗ ngồi, hai động cơ có khả năng tàng hình và chiến đấu cao hơn loại Dassault Rafale hay Eurofighter Typhoon của châu Âu nhưng thấp hơn một chút so với chiếc F-35. Dự kiến chiếc máy bay này sẽ ra mắt vào năm 2020.

Trung Quốc mua hay ăn cắp công nghệ?

Hồi tháng 1-2011, khi cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đang đi thăm Bắc Kinh, quân đội Trung Quốc đã thử nghiệm chiếc Chengdu J-20, loại máy bay chiến đấu tàng hình 5-G đầu tiên của nước này. Theo một số nguồn tin từ Trung Quốc, chiếc Chengdu J-20 to và nặng hơn chiếc Sukhoi T-50 của Nga và F-22 của Mỹ, có tốc độ siêu thanh thấp hơn và kém linh hoạt hơn hai đối thủ trên, nhưng chứa nhiều vũ khí và nhiên liệu hơn. Giới chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng sự tương đồng giữa chiếc Chengdu J-20 với máy bay mẫu Mikoyan 1.44 của Nga cho thấy Matxcơva đang ngầm hỗ trợ Bắc Kinh phát triển vũ khí.

Một nguồn tin gần gũi với ngành quốc phòng Nga tiết lộ thiết kế của Chengdu J-20 có thể xuất phát từ chiếc Mikoyan 1.44 mà Nga không đưa vào sản xuất. “Có vẻ như người Trung Quốc đã tiếp cận được với các tài liệu về chiếc Mikoyan” – nguồn tin giấu tên này khẳng định. Nhà phân tích độc lập người Nga Adil Mukashev, chuyên gia về quan hệ Nga – Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đã mua lại công nghệ máy bay Mikoyan. Nhà phân tích Lauren Goodrich thuộc Hãng Straifor cho rằng với việc hỗ trợ Trung Quốc, Nga không chỉ kiểm soát việc sản xuất vũ khí của Trung Quốc mà còn nắm rõ được các điểm mạnh điểm yếu của hệ thống vũ khí Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc không có bình luận gì về thông tin này trong khi Tập đoàn Nga United Aircraft Corporation phủ nhận.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia nhận định có thể Trung Quốc đã ăn cắp công nghệ để sản xuất chiếc Chengdu J-20. Một số quan chức quân sự Balkan tiết lộ Trung Quốc có thể đã trộm công nghệ tàng hình của chiếc F-117 Nighthawk của Hãng Lockheed Martin bị quân đội Serbia bắn hạ năm 1999 trong cuộc chiến Kosovo. Tướng không quân Mỹ đã về hưu Thomas G. McInerney nhận định thiết kế của chiếc J-20 có thể dựa trên những thông tin tình báo Trung Quốc thu thập được từ dự án sản xuất máy bay ném bom FB-22 của Lockheed Martin. Một số công tố viên Mỹ cho rằng có khả năng Trung Quốc đã sử dụng công nghệ từ máy bay ném bom B-2 Spirit của Hãng Northrop Grumman do kỹ sư người gốc Ấn Độ Noshir Sheriarji Gowadia cung cấp. Gowadia từng làm việc ở Northrop Grumman và bị bắt hồi năm 2005 vì tội làm gián điệp. Phía Mỹ cáo buộc Gowadia bán tin cho Trung Quốc.

Nhà phân tích quốc phòng Nga Ilya Kramnik bình luận Trung Quốc vẫn thua Mỹ và Nga tới 10-15 năm trong công nghệ máy bay tàng hình và không thể sản xuất các thiết bị công nghệ cao như vật liệu composite, cảm biến, điện tử hàng không… để sản xuất máy bay 5-G, do đó sẽ phải nhập thiết bị từ nước ngoài.

Lockheed Martin tự tin khẳng định với khả năng tàng hình, tốc độ, sự linh hoạt và chính xác, chiếc F-22 Raptor là “máy bay chiến đấu số 1 thế giới” hiện nay. Hồi năm 2004, thống chế Angus Houston, lãnh đạo Lực lượng quốc phòng Úc, mô tả F-22 “là chiến đấu cơ tuyệt vời nhất từng được sản xuất”. Chiếc máy bay một chỗ ngồi, hai động cơ có thể bay với tốc độ tối đa 2.410 km/g và được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau như tên lửa, bom… Được sản xuất bằng chất liệu hấp thụ sóng radar và có thiết kế đặc thù chống radar, F-22 rất khó bị phát hiện khi bay trên bầu trời. Hơn nữa, nó được thiết kế để nguỵ trang khí thải, do đó giảm thiểu nguy cơ bị tên lửa tầm nhiệt tấn công.