26/12/2024

Mỹ cẩn trọng với cả Israel lẫn Palestine

Kế hoạch hoà bình của Mỹ sẽ không ủng hộ Israel hoặc chống lại Palestine, một quan chức Mỹ khẳng định. Đó có vẻ như là một cú đấm vào đồng minh Israel.

 

Mỹ cẩn trọng với cả Israel lẫn Palestine

Kế hoạch hoà bình của Mỹ sẽ không ủng hộ Israel hoặc chống lại Palestine, một quan chức Mỹ khẳng định. Đó có vẻ như là một cú đấm vào đồng minh Israel.


Mỹ cẩn trọng với cả Israel lẫn Palestine - Ảnh 1.

Người biểu tình ủng hộ Palestine ở New York – Ảnh: Reuters

 

Thông tin này xuất hiện hôm 14-6, sau khi Nhà Trắng xác nhận đội ngũ phụ trách giải pháp hoà bình của Mỹ sẽ đến Israel, Ai Cập và Saudi Arabia vào tuần tới để thúc đẩy các kế hoạch của mình.

Cú đấm vào Israel

Trong câu chuyện tranh chấp Jerusalem giữa Israel và Palestine, Mỹ đã đứng về phía đồng minh Israel, đặc biệt sau quyết định dời đại sứ quán về đây – tức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Quyết định này khiến các cuộc bạo động diễn ra với tần suất và cường độ khá cao kéo dài cho đến nay, và lực lượng an ninh Israel thường xuyên bị cáo buộc đàn áp người Palestine. 

Mọi thứ tiếp diễn cho đến ngày 14-6, thời điểm Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết “bảo vệ người dân Palestine”, lên án hành động của Israel chống lại người dân Palestine, trong đó có cáo buộc “sử dụng vũ lực quá mức và bừa bãi của quân đội Israel”.

Kết quả bỏ phiếu tại Đại hội đồng cho thấy có 120 phiếu thuận, 8 phiếu chống và 45 phiếu trắng. Sở dĩ có cuộc bỏ phiếu này là vì Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không thể thông qua một dự thảo nghị quyết khác trước đó vì Mỹ đã bỏ phiếu chống.

Mỹ và Israel đã bày tỏ sự không hài lòng về nghị quyết lên án trên. Một trong những mấu chốt là việc Liên Hiệp Quốc đã không lên án tổ chức các tay súng Hồi giáo Hamas. 

Mang tên chính thức là Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas, tổ chức này mang quan điểm đấu tranh bạo lực chống lại Israel và bị nhiều nước coi là khủng bố.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói: “Sự tập trung không ngừng của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Israel không chỉ đem lại nỗi xấu hổ cho tổ chức này. Nó còn làm lệch đi nhiều vấn đề bức xúc khác cần cộng đồng quốc tế quan tâm hơn”. Trong khi đó, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley khẳng định cần phải có sửa đổi trong nghị quyết, kèm điều khoản lên án Hamas.

Kế hoạch hòa bình

Tờ Times of Israel dẫn nguồn tin thân cận trong chính quyền Mỹ cho hay kế hoạch hòa bình của Mỹ tới đây sẽ “công bằng” và không hề là một kiểu kế hoạch của… Thủ tướng Israel Netanyahu. Các nguồn tin nói: “Kế hoạch của chúng tôi sẽ không phải kế hoạch của Bibi (biệt danh của Thủ tướng Netanyahu). Nó sẽ công bằng, cân bằng, thực tế và phù hợp”.

Ngoài ra, theo lời những nguồn thạo tin, sẽ có những phần trong kế hoạch trên khiến cả Israel lẫn Palestine không thích. Hiện tại chưa có thông tin nào xác nhận điều này hoặc làm rõ chi tiết thêm.

Giới quan sát đánh giá Palestine rất có thể sẽ chịu thiệt trong những diễn biến tới đây, kể cả đối với kế hoạch Mỹ đưa ra. 

Theo báo Haaretz (Israel), kế hoạch hoà bình Trung Đông của chính quyền ông Trump sẽ không phải dạng “thực hiện hoặc bỏ”, mà thay vào đó vạch ra phương án để Israel và Palestine đàm phán trực tiếp với nhau.

Điểm mấu chốt là các bên vẫn chưa thống nhất cách nhìn nhận và tiếp cận về câu chuyện này. Theo đó, những gì xảy ra ở Palestine và Israel hiện tại liệu có thể gọi là “xung đột” hay không, hay phải nhìn nhận nó như là một sự đàn áp của quân đội Israel, một nhà bình luận với lập luận ủng hộ Palestine viết. Điều này rất quan trọng để bẻ gãy lập luận của đại sứ Mỹ Haley, người cho rằng Israel “có quyền tự vệ”.

Vai trò của ông Abbas

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vẫn bị chỉ trích về việc không thể hiện vai trò gắn kết nội bộ Palestine. Ông Abbas đã không xuất hiện kể từ khi Mỹ dời đại sứ quán về Jerusalem. Điều này đồng nghĩa nội bộ Palestine sẽ còn nhiều việc phải làm trước khi có thể khởi động bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan tới kế hoạch hoà bình.