Ưu thế cận chiến
Trong Thế chiến 2, chiến thuật sử dụng các tàu ngầm Kaiten tốc độ cao cùng quyết tâm tử chiến giúp Nhật Bản đánh phá nhiều tàu lớn của Mỹ.
Hải chiến – Từ lịch sử đến hiện đại: Ưu thế cận chiến
Trong Thế chiến 2, chiến thuật sử dụng các tàu ngầm Kaiten tốc độ cao cùng quyết tâm tử chiến giúp Nhật Bản đánh phá nhiều tàu lớn của Mỹ.
Là một cuộc chiến tranh trên bình diện toàn cầu, Thế chiến 2 chứng kiến không ít cuộc hải chiến khốc liệt. Trong đó, chiến trường Thái Bình Dương với sự tham chiến giữa một bên là Nhật Bản và bên còn lại là Mỹ cùng đồng minh, liên tục có nhiều diễn biến gay cấn, phức tạp.
Nhật tìm cách phản công
Mặc dù Mỹ bị Nhật Bản gây thiệt hại lớn trong trận Trân Châu Cảng năm 1941, các xưởng sửa chữa, cơ sở dự trữ nhiên liệu của họ tại đây vẫn duy trì hoạt động. Nhờ đó, Mỹ nhanh chóng tiến hành sửa chữa các tàu chiến hỏng sau đợt tấn công của máy bay cảm tử kamikaze Nhật. Thêm vào đó, lực lượng tàu sân bay Mỹ tại khu vực này vẫn an toàn. Với nền tảng hải quân và không quân có ưu thế hơn hẳn so với Nhật, Mỹ từng bước giành lại thế thượng phong trên Thái Bình Dương. Bắt đầu từ những năm 1943 – 1944, Hải quân Mỹ ngày càng tiến gần Nhật Bản. Hải quân Nhật Bản dần rơi vào thế co cụm và phải đối mặt với lực lượng Mỹ hùng mạnh hơn hẳn.
Trước tình hình đó, Nhật Bản phải viện đến phương án bất ngờ tiếp cận tấn công các tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu thiết giáp cỡ lớn của Mỹ. Đây là phương án tấn công hiệu quả bởi các tàu chiến Mỹ có kích thước lớn nên thiếu linh hoạt, khi cận chiến sẽ không phát huy được lợi thế “tàu to”.
“Ngư lôi có người lái” Kaiten
Phương án di chuyển nhanh, bất ngờ tiếp cận tàu địch đòi hỏi Nhật Bản phải có những tàu chiến tốc độ cao, di chuyển êm, khó bị phát hiện. Do đó, Nhật chọn phương án phát triển các thế hệ tàu ngầm cỡ nhỏ, được lái bởi 1 – 2 người, mang theo ít vũ khí để di chuyển nhanh, linh hoạt, cận chiến tốt.
“Tàu ngầm ngư lôi” Kaiten |
|
|
Một số hoạt động của tàu ngầm Kaiten Tháng 11.1944: 8 chiếc Kaiten đầu tiên đánh đắm tàu chở dầu USS Mississinewa. Tháng 1.1945: một đội tàu Kaiten làm hỏng tàu USS Conklin và đánh đắm một tàu đổ bộ của Mỹ. Tháng 7.1945: đội tàu I-53 của Nhật gồm 7 chiếc Kaiten và 1 tàu ngầm loại khác đánh chìm tàu khu trục USS Underhill. Sau đó 6 ngày, đội tàu này đánh đắm một tàu chiến không rõ tên. Tiếp theo I-53 chạm trán với tàu khu trục Mỹ USS Earl V. Johnson và cả hai bên đều bị tổn thất nặng. |
|
Nổi bật trong số này phải kể đến “tàu ngầm ngư lôi” Kaiten, tàu ngầm nhưng mang cấu trúc của một ngư lôi, còn được gọi là “ngư lôi có người lái”, theo website The U.S Naval Historical Center. Kế hoạch phát triển “tàu ngầm ngư lôi” Kaiten được thông qua vào tháng 2.1944 và đến ngày 20.11.1944, chiếc Kaiten đầu tiên tham chiến. Tàu ngầm Kaiten do một người lái có 10 loại cơ bản được đánh số từ 1 đến 10, nhưng chỉ có bốn loại 1, 2, 4 và 10 được triển khai tác chiến.
Tàu ngầm Kaiten được mang theo trên các tàu ngầm lớn, mỗi “tàu mẹ” chứa khoảng 4 tàu Kaiten. Các tàu ngầm mẹ cố gắng tiếp cận các tàu chiến đối phương càng gần càng tốt, và chỉ khi những tàu này bị phát hiện hoặc tiếp cận đối phương đủ gần thì các tàu Kaiten mới tách ra. Ngoài ra, vì được mang theo bởi các tàu mẹ, nên lực lượng tàu ngầm Kaiten rất khó bị đối phương nhận biết chính xác số lượng.
Từ khoảng cách gần, các tàu Kaiten nhanh chóng triển khai vây quanh tàu chiến đối phương. Thông thường, từ 4-5 “ngư lôi có người lái” phụ trách tấn công một tàu lớn, theo website Kamikaze Image. Khi đó, trong tình thế bất ngờ bị vây hãm, dù các tàu chiến lớn được trang bị vũ khí vượt trội thì cũng khó có thể xoay trở và chống đỡ.
Hơn thế nữa, Nhật Bản còn tuyển mộ các binh sĩ tình nguyện, có ý chí quyết tử để điều khiển tàu ngầm Kaiten, sẵn sàng lao vào tàu đối phương theo kiểu các phi công kamikaze. Bất ngờ, linh hoạt lại dũng mãnh, các đội tàu ngầm Kaiten có sức chiến đấu đáng sợ, gây nhiều tổn thất cho hải quân Mỹ và đồng minh trên Thái Bình Dương.
Sau Thế chiến 2, đội tàu ngầm Kaiten cũng chính thức cáo chung cùng thất bại của phát xít Nhật. Đến nay, chỉ còn khoảng 7 tàu tương đối nguyên vẹn và đang được trưng bày tại nhiều bảo tàng ở Nhật, Mỹ và Anh.