23/11/2024

Mỹ bế tắc mức trần nợ công: suy thoái rình rập

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục èo uột trong nửa đầu năm 2011, có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu quốc hội tiếp tục bế tắc trong việc đàm phán nâng mức trần nợ công trước ngày 2-8.

 Mỹ bế tắc mức trần nợ công: suy thoái rình rập

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục èo uột trong nửa đầu năm 2011, có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu quốc hội tiếp tục bế tắc trong việc đàm phán nâng mức trần nợ công trước ngày 2-8.

Theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ thông báo trong quý 2 nền kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1,3%, thấp hơn nhiều so với dự kiến. Trong khi đó, các tính toán mới cho thấy GDP của quý 1 chỉ đạt vỏn vẹn 0,4%, thua xa mức ước tính 1,9%. Đây là sáu tháng tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Mỹ kể từ khi cuộc đại suy thoái kết thúc hồi tháng 6-2009. Nguyên nhân chủ yếu do tiêu dùng hầu như không tăng, giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao…

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ sẽ không còn khả năng vay nợ nếu quốc hội không nâng mức trần nợ công lên trên ngưỡng 14.300 tỉ USD trước ngày 2-8. Các chuyên gia kinh tế dự báo khi đó Washington sẽ buộc phải cắt giảm 40% chi tiêu (cứ mỗi 1 USD chính quyền Mỹ chi tiêu thì có 40 cent tiền đi vay), đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Washington ít tiền mặt hơn Apple

“Nước Mỹ vỡ nợ sẽ không chỉ là một thảm hoạ tài chính mà còn là nỗi nhục nhã với mọi người dân Mỹ”

Ông ROBERT ZOELLICK - chủ tịch Ngân hàng Thế giới

AFP cho biết đêm 29-7, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật nâng mức trần nợ công do Đảng Cộng hoà đề xuất. Dự luật này nâng mức trần nợ công thêm 900 tỉ USD và áp mức cắt giảm chi tiêu liên bang 917 tỉ USD, tuy nhiên bao gồm điều khoản buộc Quốc hội Mỹ thương lượng nâng mức trần nợ công lần thứ hai vào giữa năm 2012, ngay trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Do đó thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã bác bỏ dự luật này. Thế bế tắc vẫn tiếp diễn.

Giới chuyên gia cho biết thực tế kể cả khi thế bế tắc tiếp tục tồn tại qua ngày 2-8, chính quyền Mỹ vẫn còn tiền mặt dự trữ để chi trả đến giữa tháng 8. Reuters dẫn ước tính của hai hãng tài chính Jefferies & Co và Wrightson ICAP dự báo Chính phủ Mỹ sẽ chỉ bắt đầu vỡ nợ vào ngày 15-8 khi phải chi trả 41 tỉ USD, trong đó có 30 tỉ USD lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính. Nhưng thực tế hiện Washington không còn nhiều tiền mặt. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy hiện Mỹ có khoảng 73,7 tỉ USD tiền mặt. Con số này còn thua cả lượng tiền mặt dự trữ 76,4 tỉ USD của Tập đoàn công nghệ Apple.

Do đó, khi sang tháng 8, Chính phủ Mỹ sẽ phải lựa chọn trả tiền cho ai trước và “quỵt” ai trong danh sách 80 triệu cá nhân, công ty, tổ chức nhận tiền hằng tháng. Các chuyên gia cho rằng Washington trước hết sẽ phải trả tiền lãi cho đối tượng nắm giữ trái phiếu của Bộ Tài chính. Những người nhận tiền theo chương trình an sinh xã hội và bảo hiểm y tế Medicare sẽ vẫn an toàn. Những đối tượng chịu thiệt sẽ là nhân viên liên bang làm những việc bị coi là không thiết yếu, nhà thầu tư nhân, chính quyền các bang và địa phương…

Ông Obama sẽ dùng quyền đặc biệt?

Nếu tình trạng này kéo dài, nước Mỹ sẽ rơi vào nguy khốn. Lãi suất ngân hàng sẽ tăng, giá trị đồng USD giảm. Người dân Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc vay tiền mua nhà, ôtô, đi học. Thị trường chứng khoán có nguy cơ suy sụp. Nhiều khả năng các hãng tài chính sẽ hạ định mức tín nhiệm nợ của Mỹ xuống dưới mức “hoàn hảo” AAA hiện nay. Việc đồng USD tụt giá cũng sẽ khiến các nền kinh tế lớn trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề. Trung Quốc sẽ tổn thất lớn nhất bởi đang nắm giữ 1.160 tỉ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Nhật cũng lo sốt vó do đang nắm giữ một lượng lớn nợ của Mỹ. Việc đồng yen tăng giá so với đồng USD sẽ càng khiến Nhật gặp nhiều khó khăn kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn tái thiết sau thảm hoạ động đất – sóng thần. Châu Âu cũng sẽ khốn đốn vì khi đồng euro tăng giá mạnh so với USD, các nước khu vực đang ngập trong nợ như Ý và Tây Ban Nha sẽ càng khó khăn khi vay tiền.

Theo tạp chí Forbes, mới đây một số nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Barack Obama áp dụng tu chính án 14 để đơn phương nâng mức trần nợ công mà không cần thông qua Quốc hội Mỹ. Điều 4 trong tu chính án 14 viết: “Giá trị của nợ công Mỹ là không thể bị nghi ngờ”. Các chuyên gia luật Mỹ đã nhiều lần tranh cãi về ý nghĩa của điều 4. Nếu ông Obama “suy” điều 4 đồng nghĩa với việc mức trần nợ công Mỹ là vi phạm hiến pháp như gợi ý của nhiều nghị sĩ Dân chủ, ông có thể ra lệnh cho Bộ Tài chính tiếp tục phát hành trái phiếu mới. Giới quan sát cho rằng nếu ông Obama quyết định đơn phương nâng mức trần nợ công, Quốc hội khó có thể cản trở ông.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định hành động đó sẽ châm ngòi cho nhiều cuộc chiến pháp lý về quyền lực của tổng thống. Hàng loạt nghị sĩ Mỹ thuộc phe Cộng hoà và bảo thủ sẽ đâm đơn kiện ông Obama. Sự dằng dai có thể kéo dài hàng năm.