23/11/2024

Tương lai của tàu sân bay

Sở hữu tàu sân bay chỉ là bước đầu của cuộc chơi tốn kém nhưng nhiều nước vẫn tiếp tục chạy đua dù tương lai của khí tài này đang bị thách thức.

 Thế trận hải quân châu Á – Thái Bình Dương:

Tương lai của tàu sân bay

Sở hữu tàu sân bay chỉ là bước đầu của cuộc chơi tốn kém nhưng nhiều nước vẫn tiếp tục chạy đua dù tương lai của khí tài này đang bị thách thức.

Sự quan tâm dành cho tàu sân bay đặc biệt tăng lên trong thời gian gần đây khi Trung Quốc liên tục “lộ hàng” về tàu sân bay đầu tiên của mình. Tàu sân bay được nhắc đến ở nhiều góc độ khác nhau như: làm sao vận hành hiệu quả, đâu là khắc tinh của nó… Tất cả khắc hoạ nên bức tranh toàn cảnh về tàu sân bay và cả tương lai của loại khí tài này.

Cũng năm bảy hạng

Hình ảnh những chiếc tàu sân bay hoành tráng của Mỹ dễ khiến nhiều người nghĩ rằng tàu nào cũng to lớn như thế. Nhưng thực tế không phải như vậy bởi tàu sân bay các nước khác khó có thể so bì với Mỹ. Tất nhiên, tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc cũng không ngoại lệ khi nó được chắp vá, tân trang lại từ xác tàu Varyag do Ukraine bán rẻ. 

Tính luôn tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc, thế giới hiện có 9 quốc gia sở hữu tổng cộng 22 tàu sân bay, riêng Mỹ sở hữu một nửa trong số đó. 11 tàu sân bay của Mỹ đều dùng năng lượng hạt nhân, không giới hạn tầm hoạt động và 20 năm mới nạp năng lượng một lần, với 10 chiếc thuộc lớp Nimitz và 1 chiếc thuộc lớp Enterprise. Tàu sân bay lớp Nimitz có độ rẽ nước 100.000 – 110.000 tấn và tàu sân bay lớp Enterprise có độ rẽ nước 93.000 tấn. Cả hai lớp này đều mang được khoảng 90 máy bay chiến đấu và máy bay lên thẳng. Từ năm 1975 đến nay, Mỹ luôn có thêm tàu sân bay mới trong mỗi 2 đến 6 năm, theo website Global Security.

 

Trong khi đó, trong tất cả tàu sân bay của các nước còn lại, chỉ duy nhất tàu Charles de Gaulle (Pháp) dùng năng lượng hạt nhân và không tàu nào có độ rẽ nước quá 60.000 tấn hay có thể mang quá 50 máy bay. Phần lớn trong số đó chỉ mang được khoảng 30 máy bay các loại.

Ngoài ra, với kích thước lớn và di chuyển không linh hoạt, tàu sân bay rất dễ bị tấn công bởi các tàu chiến hay máy bay. Cho nên, tàu sân bay cần phải phối hợp hoạt động với các tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu ngầm để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả. Đó là điều không phải lực lượng hải quân nào sở hữu tàu sân bay đều có thể làm được.

 

Tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc trong quá trình cải tạo – Ảnh: Rewreward

Cuộc đua mới

Gần đây, nhiều nguồn tin cho rằng Trung Quốc đang đóng mới một tàu sân bay tên Bắc Kinh, theo tờ Yomiuri Shimbun. Thêm vào đó, cách “bóng gió” không minh bạch của Bắc Kinh về chuyện này càng thu hút dư luận. Tuy nhiên, nhiều phân tích từ các chuyên gia cho thấy năng lực thực sự của tàu sân bay Trung Quốc vẫn còn lắm thách thức. Ngay cả khi Trung Quốc có tàu sân bay mới, nhưng nếu chỉ tương đương quy mô của chiếc Thi Lang thì cũng mới ngang bằng các tàu sân bay hiện tại của Nga, Pháp, và vẫn thua xa Mỹ. Trong khi đó, nhiều nước cũng đang đóng các tàu sân bay hiện đại hơn nhiều.

 

Trung Quốc “cần ít nhất 3 tàu sân bay”

Đó là nhận định của tướng La Viên, thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc, đăng trên báo Beijing News hôm 29.7. Ông này lập luận: “Ấn Độ và Nhật Bản mỗi nước sẽ có 3 tàu sân bay trước năm 2014. Do đó, tôi nghĩ số tàu sân bay mà Trung Quốc cần có không thể dưới 3 chiếc”. Ông Lạc đưa ra nhận định trên chỉ vài ngày sau khi truyền thông Trung Quốc đưa hình ảnh tàu sân bay đầu tiên của nước này, có thể sẽ chạy thử vào tháng tới.

Bên cạnh đó, Đài CCTV của Trung Quốc dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban tư vấn thông tin hải quân Y Trác và chuyên gia Tào Vệ Đông cho biết việc đào tạo phi công sử dụng tàu sân bay đang được thực hiện trên đất liền nhưng không nói rõ thời gian thực hành hạ cánh xuống tàu. Hai người này thừa nhận do phải cải tạo lại tàu và lắp đặt, nâng cấp toàn bộ phụ kiện, vũ khí bên trong nên mất rất nhiều thời gian.

Văn Khoa – Ngọc Bi

 

Trong Báo cáo về đánh giá chiến lược an ninh và quốc phòng đệ trình lên hạ viện và Nữ hoàng năm 2010, Thủ tướng Anh David Cameron đã nhấn mạnh đến vai trò của các tàu sân bay mới của Anh. Theo kế hoạch, Anh đang phát triển lớp tàu sân bay mới tên Queen Elizabeth với hai chiếc là HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales. Tàu sân bay lớp Queen Elizabeth có độ rẽ nước lên đến 65.000 tấn và có thể mang theo 40 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 Lightning II, máy bay trực thăng Apache. Năm 2009, Anh đã tiến hành đóng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, theo BBC. Chiếc tàu trên được dự đoán sẽ chính thức hạ thuỷ vào khoảng năm 2014. Còn tàu sân bay HMS Prince of Wales sẽ hạ thuỷ vào năm 2016.

Không riêng gì Anh, Pháp cũng đang xúc tiến dự án tàu sân bay mới có độ rẽ nước lên đến 75.000 tấn, tầm hoạt động 10.000 hải lý, có thể mang theo 32 máy bay chiến đấu Rafale. Ấn Độ thì đang hăm hở với dự án hai tàu sân bay lớp Vikrant có độ rẽ nước 40.000 – 60.000 tấn, tầm hoạt động 7.500 hải lý, mang theo được khoảng 30 máy bay chiến đấu. Các tàu sân bay mới của Ấn Độ được kỳ vọng sẽ hạ thuỷ vào năm 2017 – 2018.

Nổi bật hơn cả trong cuộc đua tàu sân bay vẫn là Mỹ với ba tàu sân bay mới, có tên Gerald R.Ford, John F.Kenedy và một chiếc chưa được đặt tên, thuộc lớp Gerald R.Ford dự kiến hạ thuỷ lần lượt vào 2015, 2019, 2023. Tàu sân bay lớp Gerald R.Ford sử dụng năng lượng nguyên tử để thay thế dần cho tàu sân bay lớp Nimitz, nhưng có nhiều cải tiến để tăng cường tính linh hoạt.

Tương lai?

Mặc dù tàu sân bay vẫn đang hấp dẫn nhiều quốc gia, nhưng Nga, một cường quốc quân sự lâu năm, đang hướng đến tàu tuần dương có thể mang nhiều máy bay và tác chiến linh động hơn. Trong tương lai gần, Nga đã sẵn sàng xây dựng các tàu tuần dương mang được 30 – 40 máy bay, theo website RusNavy. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã giao cho Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ trên với kỳ vọng sẽ nhanh chóng có được kết quả vào năm 2013 – 2015. Vũ khí chính yếu của tàu tuần dương không phải là máy bay chiến đấu, mà là các tên lửa tầm xa và vũ khí tác chiến quy mô lớn. Đó chính là điểm khác biệt giữa tàu tuần dương mang máy bay với tàu sân bay.

Bản thân tàu tuần dương đã được trang bị hệ thống phòng không và tấn công đa nhiệm nên sẽ có thể tác chiến độc lập. Mặt khác, các tàu tuần dương trên vẫn có thể chứa được máy bay Su-33 và có đường băng đặt dọc theo thân tàu. Dự án này từng được Nga đặt ra vào những năm 1980 nhưng bị tạm hoãn. Với những ưu thế vừa nêu, tuần dương hạm mang máy bay sẽ là một thách thức lớn cho tàu sân bay trong tương lai.