23/11/2024

Lo ngại bao trùm đường sắt cao tốc Trung Quốc

Vụ tai nạn thảm khốc ở tỉnh Chiết Giang gióng lên hồi chuông báo động về đường sắt cao tốc Trung Quốc, vốn chịu nhiều tai tiếng về tham nhũng

 Lo ngại bao trùm đường sắt cao tốc Trung Quốc

Vụ tai nạn thảm khốc ở tỉnh Chiết Giang gióng lên hồi chuông báo động về đường sắt cao tốc Trung Quốc, vốn chịu nhiều tai tiếng về tham nhũng.

Tính tới ngày 24.7, đã có ít nhất 35 người chết và 210 người bị thương trong vụ hai tàu tông nhau trên tuyến đường sắt cao tốc đoạn ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, theo Tân Hoa xã. Trong số các nạn nhân thiệt mạng, mới xác minh được nhân thân 19 người, bao gồm 2 người nước ngoài. Tai nạn thảm khốc này xảy ra trên đoạn đường ray cách mặt đất 15m, khi tàu D301 đâm phải đuôi tàu D3115, khiến 4 toa của D301 và 2 toa của D3115 trật đường ray, rơi thẳng xuống đất, bẹp dúm.

Theo điều tra ban đầu, tàu D3115 bị sét đánh gây mất điện và phải dừng lại trên đường ray. Bất thần, tàu này bị tàu D301 đụng mạnh từ phía sau. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy những toa tàu rúm ró nằm nghiêng ngả trên trong khi những nạn nhân thương tích đầy mình được khiêng khỏi hiện trường. Do tính nghiêm trọng của tai nạn, Cục trưởng Cục Đường sắt Thượng Hải Long Kinh, Bí thư Đảng bộ Lý Gia và một quan chức cấp cao khác đã bị cách chức để điều tra.

Vụ việc xảy ra chưa đầy một tháng sau khi tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải trị giá 33 tỉ USD đi vào hoạt động. Tuyến đường này cũng nhiều lần xảy ra sự cố khi các chuyến tàu bị trì hoãn do mất điện.

“Đại nhảy vọt”

Cư dân mạng Trung Quốc rất bất bình về thái độ vô trách nhiệm của tổ lái tàu D3115. Theo lịch trình, hai tàu cách nhau tới hơn 10 phút và hoàn toàn có thể tránh được tai nạn thảm khốc nếu nhân viên trên tàu D3115 kịp thời gọi điện thông báo sau khi tàu bị mất điện. Dư luận cũng chỉ trích dữ dội hệ thống thông tin trên tuyến đường sắt cao tốc yếu kém tới mức tàu D3115 vừa bị sét đánh đã mất hết tín hiệu và điện thoại vệ tinh có cũng như không. Phần lớn các bình luận đều cho rằng chất lượng đường ray và ý thức của người điều khiển giao thông đã góp phần lớn gây nên tai nạn.

Trang tin Tài chính Trung Quốc cho rằng với chỉ tiêu do Quốc vụ viện đưa ra trong cuộc họp ngày 7.1.2004 là “tới năm 2020, phải đưa bằng được 100.000 km đường sắt cao tốc vào vận hành” khiến ngành đường sắt cao tốc buộc phải phát triển kiểu “đại nhảy vọt”, bất chấp cả vấn đề an toàn và chất lượng. Chính tờ Hành khách của Bộ Đường sắt nước này số ra ngày 1.7.2011 cũng có bài phản ánh rằng người Đức mất từ 2-3 tháng để học lái tàu cao tốc, nhưng người Trung Quốc bị lãnh đạo chỉ thị “bắt buộc phải lái bằng được chỉ sau 10 ngày học”. Điều này khiến các chuyên gia Đức tham gia giảng dạy lái tàu cũng phải than thở là “điên rồ và không thể hoàn thành được”. Nhưng trên thực tế nhiều lái tàu Trung Quốc vẫn bị ép học “nhồi nhét” và đốt giai đoạn như vậy.

Tham nhũng tràn lan

Kế hoạch phát triển đường sắt cao tốc ở Trung Quốc bắt đầu được đẩy mạnh từ năm 2003, đặc biệt khi ông Lưu Chí Quân nhận chức Bộ trưởng Đường sắt, kiêm Bí thư Đảng bộ. Tuy nhiên tới tháng 2.2011, ông này bị bắt để điều tra về hành vi tham nhũng suốt 7 năm trong các dự án đấu thầu xây dựng đường sắt cao tốc. Em trai của Lưu Chí Quân là Lưu Chí Tường – từng là Phó cục trưởng Cục Đường sắt tỉnh Hồ Bắc, đã bị tử hình vào năm 2006 nhiều tội danh: lũng đoạn ngành đường sắt, tham ô hơn 40 triệu tệ, thuê sát thủ âm mưu giết người diệt khẩu. Tháng 3.2011, giới kiểm toán Trung Quốc phát hiện các công ty xây dựng và một số cá nhân đã tham ô 187 triệu nhân dân tệ (600 tỉ đồng) trong dự án đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải.

Trước đây, báo chí Trung Quốc từng điều tra về tham nhũng trong ngành đường sắt nhưng phần lớn đều chìm xuồng. Năm 2008, tờ Thời báo Trung Quốc đăng bài về việc sử dụng vật liệu kém chất lượng trong công trình xây dựng tuyến đường tàu cao tốc Võ Quảng. Sau khi bài báo được đăng, Bộ Đường sắt đã kiện Bộ Thông tin – Tuyên truyền tội đưa tin sai sự thật và phóng viên bị nghỉ việc.

Cuối năm 2010, tờ Kinh tế thế kỷ 21 cũng đăng một bài điều tra tương tự về tham ô, rút ruột trong quá trình phát triển đường sắt cao tốc nhưng gặp rất nhiều rắc rối sau đó. Cùng năm, nhà báo Doãn Mặc Tam của báo Tương Thanh ở tỉnh Hồ Nam đã đi sâu vào điều tra và phát hiện nhiều công ty “ma” hoặc không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng vẫn trúng thầu dự án xây dựng tuyến tàu cao tốc Hộ Côn.