23/11/2024

ASEAN quyết tâm giải quyết vấn đề biển Đông

Con đường đạt tới một thoả thuận mang tính ràng buộc về biển Đông (COC) sẽ gặp nhiều khó khăn, rất khó để đạt được trước tháng 11-2011, theo một số quan chức ASEAN. Nhưng theo Hãng tin Kyodo ngày 13-7, một bản dự thảo Tuyên bố chung được soạn thảo cho Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ngày 19-7 “đã thể hiện đoàn kết và quyết tâm của ASEAN”

ASEAN quyết tâm giải quyết vấn đề biển Đông

Cuối cùng thì quả bóng biển Đông sẽ chuyển về phía sân ASEAN khi Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần 44 diễn ra từ ngày 19-7 tại Bali (Indonesia) và các hội nghị ASEAN với các đối tác 10 + 1, 10 + 3.

Ngày 23-7, hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 18 sẽ bắt đầu để thảo luận các vấn đề an ninh khu vực. Biển Đông sẽ là chủ đề nổi bật. Kể từ khi Trung Quốc tăng cường gây hấn ở biển Đông, phần lớn các quốc gia ASEAN đều giữ thái độ thận trọng.

Việc Trung Quốc kích hoạt triển khai chiến lược mới tại biển Đông với việc áp đặt đường lưỡi bò và thăm dò, khai thác dầu khí vùng biển sâu một phần nhằm thăm dò phản ứng của các bên liên quan, trong đó và trước hết là ASEAN và Mỹ. ASEAN 2011 là phép thử lập trường của tất cả các bên liên quan.

Theo một số nguồn tin, tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN sắp tới, một bản sơ thảo của bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) sẽ được ASEAN nêu ra cho Trung Quốc. Bản sơ thảo đề ra những quy định về các vấn đề liên quan tới những cuộc thao dượt quân sự, thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên, cùng với những cách thức thoả đáng để ứng phó với những vụ xung đột khu vực.

Con đường đạt tới một thoả thuận mang tính ràng buộc về biển Đông (COC) sẽ gặp nhiều khó khăn, rất khó để đạt được trước tháng 11-2011, theo một số quan chức ASEAN. Nhưng theo Hãng tin Kyodo ngày 13-7, một bản dự thảo Tuyên bố chung được soạn thảo cho Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ngày 19-7 “đã thể hiện đoàn kết và quyết tâm của ASEAN”. Tuyên bố chỉ rõ mong muốn của các quốc gia Đông Nam Á trước Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc vào tháng 11 là “sẽ cùng với Trung Quốc hiệp thương, xây dựng chuẩn quy tắc hành động có sức ràng buộc về pháp lý” cho tình hình biển Đông.

Bà Carolina Her1nandez, nhà phân tích quốc phòng của Viện Nghiên cứu phát triển và chiến lược Philippines, tỏ ý hoài nghi việc “ASEAN có thể giải quyết cuộc tranh chấp” tại vùng biển này. Nhưng nhiều người hi vọng rằng Indonesia với tư cách là nước lớn ở Đông Nam Á và chủ tịch ASEAN 2011 sẽ phát huy vai trò năng động khôn khéo về ngoại giao của mình để làm chuyển biến lập trường ASEAN sang hướng chủ động tích cực cùng Trung Quốc giải quyết cuộc xung đột ở vùng biển Đông Nam Á này.

Liên quan đến các bên khác, đáng chú ý là chương trình làm việc bận rộn của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton qua cuộc tiếp xúc làm việc với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, với các nước đối thoại (PMC) và hội nghị khác. Một nhiệm vụ khác là chuẩn bị cho việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 19-11 tại Bali.

Các hoạt động của Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ thúc đẩy quyền lực mềm của Mỹ mà bà là người chủ trương tích cực theo đuổi nhằm tăng cường ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Một xu hướng không thể không nhìn nhận là những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc với một số nước láng giềng ở Đông Nam Á và với Mỹ liên quan đến vấn đề biển Đông.

Điều chưa hoàn toàn rõ ràng là liệu những cơ chế hợp tác mà Mỹ và Trung Quốc đang thiết lập hiện nay có đủ mạnh để ngăn ngừa đối đầu hay những sai lầm xảy ra hay không. Chuyến thăm vừa kết thúc của đô đốc Mike Mullen tại Trung Quốc đã cho thấy tính bấp bênh, khó lường của hoà hoãn Mỹ – Trung được Trung Quốc dày công thu xếp từ các cuộc đối thoại chính trị, kinh tế, quân sự tại Washington trong tháng 5 vừa rồi.

Trong số các nước lớn tham dự các sự kiện ASEAN lần này, Nhật có thể sẽ thể hiện một lập trường tích cực đối với những gì xảy ra tại biển Đông. Vùng biển Đông Nam Á sở dĩ rất quan trọng đối với Nhật bởi các nước xung quanh khu vực đều là trọng điểm để Nhật mở rộng buôn bán. Bên cạnh đó, tuyến đường hàng hải quốc tế chạy qua biển Đông rất quan trọng đối với Tokyo.

Eo biển Malacca được xem chính là “động mạch năng lượng và thương mại” của Nhật với hơn 70% số dầu nhập khẩu của Nhật phải đi qua đường này. Vì vậy Nhật sẽ chủ động phấn đấu cho tự do hàng hải tại khu vực. Việc cân bằng quyền lực trên biển Đông có ảnh hưởng lớn đối với an ninh tại khu vực biển xung quanh Nhật, đặc biệt là biển Hoa Đông.

Dư luận khu vực cũng quan tâm theo dõi hoạt động của phía Trung Quốc tại Bali. Phần lớn mong muốn Trung Quốc thể hiện thiện chí qua lời nói và việc làm, góp phần quan trọng giải quyết các tranh chấp, ổn định tình hình khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn.