23/11/2024

Gã mục đồng thành phố

Để tiếng đàn môi VN có thể đến với những phương trời khác, Đức Minh – gã mục đồng thành phố – và chiếc đàn môi đã trải qua một cuộc hành trình lận đận

Gã mục đồng thành phố

Từ 27-6 đến 23-7, tiếng đàn môi của nghệ sĩ Đức Minh sẽ một lần nữa vang lên giữa Paris của nước Pháp. Những giai điệu lạ lùng, ngẫu hứng của đàn môi là nhạc nền của toàn bộ chương trình xiếc Làng tôi du diễn tại đây.

Để tiếng đàn môi VN có thể đến với những phương trời khác, Đức Minh – gã mục đồng thành phố – và chiếc đàn môi đã trải qua một cuộc hành trình lận đận.

Âm thanh ma lực

Ở một góc quán cà phê vỉa hè Hà Nội, đôi khi người ta vẫn gặp một thanh niên đang mải mê với một nhạc cụ mỏng như chiếc lá. Những thanh âm ngẫu hứng lẫn trong tiếng ồn ào của xe cộ vẫn đủ sức làm mê mải người nghe. Đàn môi VN chủ yếu làm bằng lá đồng, nhẹ và mỏng, vậy nhưng con đường đến với đàn môi của Đức Minh suốt 10 năm qua lại vô cùng nặng nhọc. Đó là một hành trình dài để giờ đây không chỉ VN mà thế giới biết đến một nghệ sĩ có tên là Minh “môi”.

Đức Minh sinh ra ở Mường Lay (Điện Biên) – nơi mà người Mông dùng tiếng đàn môi để tỏ tình, tâm sự hay dặn dò chuyện nhà cửa, con cái. “Có lẽ bởi vậy, cái hay nhất của tiếng đàn môi chính là chất tự sự tha thiết. Nhưng giờ đây đàn môi không thay được chiếc điện thoại di động đang ngày càng phổ biến trên những bản núi cao” – Đức Minh chia sẻ.

Lên 4 tuổi, Đức Minh theo bố mẹ rời những ngọn núi cao của Mường Lay văng vẳng tiếng đàn môi để về sống ở Hà Tây (nay là Hà Nội). Lớn lên một chút, Minh vào Nhạc viện Hà Nội theo đuổi bộ môn sáo trúc. Sáo trúc không giữ nổi Đức Minh, bởi vì có một âm thanh rất lạ như có ma lực đã chiếm trọn tâm hồn chàng trai ngay lần đầu tiên nghe thấy. Đó là năm 2000, chàng trai 20 tuổi vỡ oà khi tìm thấy thứ âm thanh của cuộc đời mình – tiếng đàn môi. Hơn chục năm học sáo trúc không đủ là lý do níu kéo, Đức Minh đi theo tiếng gọi của trái tim, bắt đầu cuộc hành trình khám phá một loại nhạc cụ hoàn toàn xa lạ với nhiều người VN lúc đó.

Thật may, con đường tìm kiếm những âm thanh mới mẻ từ chiếc đàn mỏng như lá đồng của Đức Minh không cô độc. Một dịp tình cờ, anh gặp nhạc sĩ người Đức Clemens Voight – một người chuyên đi tìm kiếm và bán các loại đàn môi. “Clemens Voight là một người yêu đàn môi đến điên cuồng, gần đây anh ấy còn tự tổ chức một festival đàn môi dù kết quả bị lỗ nặng” – Minh kể. Chính Clemens Voight là người giới thiệu Đức Minh với giáo sư âm nhạc Trần Quang Hải ở Pháp – người vừa là thầy, vừa là người tiếp cho Đức Minh ngọn lửa tình yêu với đàn môi.

Năm 2006, tiếng đàn môi VN vang lên ở Hà Lan trong festival đàn môi quốc tế. Đức Minh đoạt giải nghệ sĩ trẻ xuất sắc. Có trong tay một giải thưởng quốc tế, anh càng tự tin hơn để biểu diễn giới thiệu đàn môi ở một vài tụ điểm, trở thành nghệ sĩ chơi đàn môi duy nhất của VN. Nhờ Đức Minh, người ta biết đến tiếng đàn môi của người Mông, Dao, Thái, Khơ Mú, Ê Đê… Nhưng đến cả con cháu của những dân tộc này cũng không còn chơi nhạc cụ này nữa, mai này đàn môi sẽ ra sao?

Tìm một con đường khác

“Tôi nhận ra rằng mình không thể cứ mang đàn môi đi diễn, thổi một vài bài rồi gào lên hãy bảo vệ di sản của cha ông. Năm 2007 là một năm cực kỳ hoang mang và khủng hoảng. Tôi chỉ có thể diễn đàn môi một lần ở một địa điểm, ít khi có lời mời thứ hai. Suốt năm đó, tôi chỉ nhận được khoảng năm lời mời biểu diễn, thu nhập chỉ có 3 triệu đồng” – Minh nói về quãng thời gian khó khăn khi không thể chơi đàn môi nữa. Để có tiền sống, Minh “môi” chuyển sang đi chụp ảnh đám cưới, chụp ảnh thời sự cho một vài tờ báo. “Nhưng được nửa năm tôi nhận ra đó không phải là cuộc sống của mình” – anh nói.

Trong những tháng ngày khủng hoảng đó, có thể nói vở xiếc Làng tôi chính là chiếc phao cứu sinh của Đức Minh. Khi đấy, một trong ba Việt kiều dựng vở Làng tôi – ông Nhất Lý – đã tìm Đức Minh nêu ý tưởng về việc dùng âm thanh của đàn môi để làm nhạc nền cho chương trình biểu diễn.

Minh “môi” thừa nhận: “Tôi gặp họ (những nghệ sĩ xiếc của vở Làng tôi – PV), mọi người lao vào công việc với tất cả niềm đam mê của mình, làm việc như không biết ngày mai sẽ đi về đâu. Riêng tôi, tôi làm vì không có việc gì khác, không có sự lựa chọn nào khác ngoài âm nhạc. Nhờ đó tôi hiểu mình phải tìm một cớ khác, một con đường khác để đến với đàn môi. Ngoài xiếc, tôi bắt đầu kết hợp đàn môi với múa, nhảy hip hop, biểu diễn beatbox. Tôi cũng hiểu ra rằng không có tiền, không có khán giả thì đàn môi sẽ chết mãi mãi”.

Người thầy của Đức Minh là những nghệ nhân ở các bản làng dọc vùng Tây Bắc: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai – những người đã truyền dạy các bài dân ca cổ của dân tộc Mông. Ngoài ra, anh còn tự sáng tác những giai điệu của riêng mình. Âm nhạc của Minh “môi” hoàn toàn mang tính ngẫu hứng. 100 buổi biểu diễn của xiếc Làng tôi là 100 lần Minh tạo ra những âm thanh khác nhau.

Từ đam mê đến ngẫu hứng, giờ đây, tiếng đàn môi của Đức Minh đã có thể chu du nhiều nơi trên thế giới, sau các điểm đến ở châu Âu trong năm 2011 này sẽ là châu Mỹ năm 2012.