15/11/2024

Trung Quốc ồ ạt gom nông sản VN

Trong khi giá cả trong nước tăng cao, nhiều mặt hàng nông sản khan hiếm thì các thương nhân Trung Quốc (TQ) vẫn ồ ạt gom hàng khiến nguồn cung càng thêm căng thẳng

Trung Quốc ồ ạt gom nông sản VN

Trong khi giá cả trong nước tăng cao, nhiều mặt hàng nông sản khan hiếm thì các thương nhân Trung Quốc (TQ) vẫn ồ ạt gom hàng khiến nguồn cung càng thêm căng thẳng. Nhiều doanh nghiệp trong nước hiện không thể cạnh tranh mua nguyên liệu.

Thu mua tận nơi

Từ đầu năm đến nay, hầu hết các mặt hàng nông sản của VN đều tăng giá mạnh, nhưng đây cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp (DN) trong nước phải cạnh tranh gay gắt với các DN của TQ.

Sau cao su, thuỷ sản, thịt heo… đến lượt mặt hàng hồ tiêu, cà phê cũng trở thành đối tượng mua gom ồ ạt của các  thương nhân TQ. Không cần chờ các đối tác trong nước gom hàng, hiện các thương nhân TQ đã trực tiếp dùng xe con, xe du lịch tới tận các vườn tiêu thu mua sau đó tập kết và vận chuyển về TQ qua đường tiểu ngạch. Những người TQ mua gom thường trả mức giá cao hơn 1 – 2% so với giá thị trường. Ước tính, tại nhiều địa phương của Gia Lai, có đến 50% lượng hồ tiêu được thương nhân TQ mua gom theo hình thức này.

Tương tự như hồ tiêu, mặt hàng sắn cũng đang được ồ ạt xuất khẩu sang TQ với số lượng tăng chóng mặt. Mặc dù giá sắn trong nước liên tục tăng nhưng sắn VN vẫn ào ạt tuồn qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc bởi giá sắn xuất khẩu sang TQ đang cao hơn so với trong nước. Theo dự tính, xuất khẩu sắn củ năm 2011 có khả năng lên đến hơn 4 – 5 triệu tấn.

Gần đây nhất, thương nhân TQ cũng sang tận VN để tranh mua trứng vịt mang về nước. Bà Phạm Thị Huân – TGĐ Công ty Ba Huân – cho biết: “Mùa trung thu nhu cầu sử dụng trứng muối làm nhân bánh khá lớn nên DN TQ sang VN giành mua rất nhiều”. Nhiều DN trong nước cho biết hiện sản lượng trứng thu mua hằng ngày từ ĐBSCL  sụt giảm 30 – 40%, giá tăng lên rất cao nhưng vẫn không có hàng.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, giá đường bán lẻ tại TQ hiện nay khoảng 30.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 – 12.000 đồng/kg so với tại VN, nên một số nhà máy ở miền Trung, miền Bắc đang bán ra lượng đường khá lớn cho các DN thương mại đem xuất sang TQ. Mặc dù chưa thống kê số lượng đường xuất tiểu ngạch, nhưng Hiệp hội Mía đường đã phải tính đến giải pháp nhập khẩu nếu thị trường tăng giá đột biến.

Không chỉ thu mua các loại nông sản hàng hoá lớn, TQ còn mua cả đỉa, rùa… Một DN tư nhân cho biết gần đây có rất nhiều cuộc gọi đến hỏi mua trứng rắn ráo trâu để bán sang TQ với số lượng lớn.

Thị trường bấp bênh

Nông sản hút hàng, lên giá là niềm vui của nông dân, nhưng cũng là nỗi lo của các DN trong nước, bởi phải cạnh tranh thu mua một cách gay gắt với DN nước ngoài. Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN – bức xúc: “Trong mùa thu hoạch hồ tiêu, các DN trong nước rất khó mua được tiêu của dân, bởi họ nâng giá lên từng ngày. Toàn bộ vùng tiêu ở Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ là không ai cạnh tranh được với họ, bởi họ mua tận nơi và luôn mua cao hơn DN trong nước từ 3.000 – 4.000 đồng/kg vì họ không phải đóng thuế”.  Một DN ở Long An cho biết: “Hiện các loại hải sản như mực, bạch tuộc, cá ngừ, cá thu… đang thiếu trầm trọng. Ngoài việc ngư dân giảm đánh bắt do giá dầu cao còn có nguyên nhân khác là một số thương lái mua hàng từ các tàu cá rồi bán trực tiếp cho các tàu cá TQ. Thường thì giá mua của thương lái cao hơn vì không phải đóng thuế. Điều này gây khó khăn cho DN thuỷ sản trong nước”. 

Bình Thuận hiện đang đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng thanh long. Hiện toàn tỉnh có khoảng 14.000 ha với tổng sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm. Có 75% sản lượng thanh long của Bình Thuận hiện nay xuất khẩu qua TQ bằng đường tiểu ngạch (bán ngay tại cửa khẩu biên giới mà không có ký kết bất cứ hợp đồng nào). Đây là thị trường rủi ro rất cao. Mỗi năm thanh long đi TQ bị dội hàng hai ba lần, mỗi lần khoảng mươi ngày khiến giá thanh long rớt thê thảm.

Nhiều chủ DN thanh long Bình Thuận cho biết điều họ lo ngại nhất là sự tráo trở, lắt léo của các bạn hàng TQ. Các thương nhân TQ hiện đã cắm người tận các nhà vườn ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), tuỳ theo tình hình thu hoạch mà định giá. Hễ thấy thanh long thu hoạch nhiều là lập tức ép giá. Gần đây, thanh long đang được các lái buôn TQ mua với giá 21.000 đồng/kg bỗng đột ngột bị ép xuống còn 4.000/kg mà không rõ lý do. Chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ một DN ở Bình Thuận chuyên buôn bán thanh long đi TQ nói: “Buôn bán với họ phập phồng lắm. Lúc có lãi, nhưng lại lỗ ngay, không biết thế nào mà lần”.

Rủi ro lớn khi phụ thuộc vào một thị trường

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội (Hà Nội): Nếu xuất khẩu tập trung quá nhiều vào một thị trường bao giờ cũng kèm theo rủi ro cao. Do đó, đã từ lâu chúng ta kêu gọi phải đa dạng hoá thị trường để rủi ro giảm bớt. Thực tế đã chứng minh rất nhiều sự vụ vì quá phụ thuộc vào một thị trường mà sản phẩm của ta phải chịu thiệt. Chẳng hạn mua với giá như thế này nhưng khi sản phẩm, nhất là nông sản, đến cửa khẩu lại bị khách hàng TQ chèn ép giá, nếu không bán sẽ phải đổ đi, đành chấp nhận giá nào cũng bán.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế: Tập trung quá đáng vào một thị trường là bất lợi và rủi ro. Giả dụ, bình thường thì nhiều sản phẩm tập trung vào thị trường Nhật Bản là không có vấn đề. Nhưng khi ở Nhật xảy ra sóng thần, động đất, ngay lập tức sản phẩm bị chựng lại. Đối với thị trường TQ, chúng ta muốn cải thiện mức độ nhập siêu với nước này bằng cách tăng cường xuất khẩu, vì thế đã quá tập trung vào thị trường TQ. Cho nên, một khi họ làm giá thì rủi ro là không tránh khỏi. TQ là thị trường rất “đặc thù”, họ sẵn sàng mua hàng của ta, ngay cả cho việc tái xuất, nhưng lúc không cần thì trở mặt ngay. Để tháo gỡ tồn tại này, về lâu dài cần giải quyết khâu phân phối của hàng Việt.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung (Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Các vấn đề liên quan tới việc sản phẩm xuất khẩu quá phụ thuộc vào một thị trường, đặc biệt TQ, đã đề cập hơn 10 năm qua, nhưng không được quan tâm thấu đáo. Nếu chưa mở rộng được thị trường, chí ít cũng phải đa dạng hoá sản phẩm trong cùng một thị trường; đồng thời nâng cấp chất lượng sản phẩm, tăng cao hàm lượng giá trị gia tăng… để tránh bị thiệt hại khi xảy ra biến động.

 N.T.Tâm