23/11/2024

“Game thủ” siêu nhí

Có đáng lo không khi trẻ mải mê với trò chơi cảm ứng lúc chưa đầy 3 tuổi?

 “Game thủ” siêu nhí

Khi mải mê dán chặt mắt vào trò chơi cảm ứng trên điện thoại hoặc máy tính bảng, trẻ không quấy khóc vì ba mẹ đi vắng, ngoan ngoãn ăn và nghe lời người lớn.

Có đáng lo không khi trẻ mải mê với trò chơi cảm ứng lúc chưa đầy 3 tuổi?

5 tháng tuổi làm quen máy tính

Lúc chúng tôi đến, bé Huy đang cười toe toét vì giành ưu thế trong một trò chơi giao chiến. Tay lướt thoăn thoắt, mắt bé không rời màn hình chiếc máy tính bảng. “Con tôi bị thu hút ngay lần đầu nhìn thấy các ứng dụng trong điện thoại cảm ứng và máy tính bảng mới mua. Lúc đó, bé khoảng 5 tháng tuổi” – chị Trần Thị My Ly (26 tuổi, chủ một khách sạn ở TP.HCM) kể. Thấy bé thích thú quan sát chuyển động đủ màu trong các trò chơi, khi bé lớn hơn vợ chồng chị hướng dẫn bé sử dụng đôi chút.

Một thời gian ngắn sau bé nhớ từng thao tác mở máy, cách chơi một số game (trò chơi trên máy tính). “Càng lúc bé càng sử dụng thành thạo điện thoại và máy tính. Chủ yếu chơi game và xem các clip ca nhạc. Mỗi khi bé chộp được máy là mải miết chơi và thường oà khóc khi tôi lấy lại máy. Vợ chồng tôi bắt đầu thấy lo” – chị My Ly vừa nói vừa đút thức ăn cho bé. Bé Huy hiện 21 tháng tuổi.

Su Bin (28 tháng tuổi) là con trai đầu lòng của chị Hồng Nghĩa (ngụ khu dân cư Trung Sơn, H.Bình Chánh, TP.HCM). Lúc thấy ba mẹ sử dụng điện thoại và máy tính, Su Bin thường lon ton đến gần, đưa tay quẹt quẹt thử. Tuy không ai trực tiếp hướng dẫn nhưng Su Bin hay chăm chú quan sát khi thấy người lớn sử dụng thiết bị này.

Một lần trong lúc ngồi chơi cùng mẹ, Su Bin đưa tay quẹt lên máy tính bảng. Chị Hồng Nghĩa buột miệng nói: “Con mở bowling lên chơi đi”. Ngay lập tức, Su Bin mở đúng trò chơi này. Thấy lạ, chị thử nhờ bé mở tiếp vài trò chơi trong máy thì bé đều thao tác chính xác. Đồng thời bé biết chọn trả lời “yes”, “no” trong từng trò chơi.

“Thỉnh thoảng đi tiệc, chúng tôi đem theo máy tính bảng để bé ngồi yên chơi game và xem phim siêu nhân, tránh chạy nhảy gây nguy hiểm. Bé học rất nhanh cách sử dụng” – chị Hồng Nghĩa nói.

Có thể bị nghiện?

Từng thấy con ngồi lì hàng giờ bên chiếc máy tính, vợ chồng chị Hồng Nghĩa quyết định kéo con ra khỏi máy tính. Anh chị thống nhất 3-4 ngày mới cho con sử dụng máy một lần, mỗi lần khoảng 20 phút. Nếu bé quên thì không ai nhắc tới chiếc máy. Khi bé tỏ ra quá thích một trò chơi nào đó thì anh chị giấu biệt chiếc máy đi. Thời gian còn lại anh chị tránh sử dụng các thiết bị này trước mặt con. “Trẻ con cần thời gian để giải trí và khám phá thế giới xung quanh. Chúng tôi muốn con làm quen các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại nhưng không muốn con lún sâu vào” – ba Su Bin nói.

Không thuê bảo mẫu hay nhờ người thân phụ chăm con nên một ngày của vợ chồng chị Ly khá bận rộn. Đôi khi điện thoại và máy tính được xem là phần thưởng khi bé ăn ngoan hoặc giúp ba mẹ dọn dẹp vài vật dụng nhỏ trong phòng ngủ. “Nhiều lần ông nội bé nổi giận khi thấy cháu mê các trò chơi trên máy hơn mức bình thường. Ông lo sau này khi lớn hơn chút nữa cháu sẽ nghiện game. Vợ chồng tôi cũng hiểu nếu sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng xấu đến mắt và sự phát triển của con nên định cho con dùng các thiết bị này thêm một năm nữa thôi” – anh Dân, ba bé Huy, khẳng định.

Có ý kiến cho rằng trẻ dưới 3 tuổi chưa ý thức được hành vi của mình nên chưa thể khẳng định trẻ mê hay chỉ chú ý game như một phần của thế giới mới lạ xung quanh. Thế nhưng đây có phải hiện tượng nhất thời? Sẽ ra sao nếu những trò chơi cảm ứng này nảy nở không ngừng trong từng giấc mơ trẻ nhỏ, thậm chí theo các bé lớn lên?


PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai):

Không nên cho trẻ làm quen sớm với game

Game trên máy vi tính có nhiều loại: một số có ý nghĩa giáo dục nhưng một số chỉ đơn thuần mang tính giải trí. Theo tôi, với trẻ dưới 5 tuổi không nên cho làm quen sớm với các trò chơi trên máy, kể cả trò chơi mang tính giáo dục. Với trẻ ở lứa tuổi này, cuộc sống thực là quan trọng nhất.

Trẻ chưa nhận thức đầy đủ về thực tế đã sa vào thế giới ảo, chắc chắn sẽ dẫn đến nhận thức cuộc sống méo mó. Chỉ ở cuộc sống thực, trẻ mới gửi gắm được tình cảm của mình vào công việc/trò chơi chúng đang thực hiện. Người lớn chơi trò chơi online, nhận thức rõ đó là thế giới giải trí mà nhiều người còn không dứt ra được. Đằng này trẻ quá nhỏ, chưa nhận thức đâu là ảo, là thực, nhập nhằng giữa các ranh giới tất yếu dẫn đến cái nhìn lệch lạc.

Nguy hiểm hơn nữa nếu trẻ không chơi trò chơi mang tính giáo dục mà bị cuốn hút bởi những trò tiêu khiển bạo lực.

Về mặt sức khoẻ, tiếp xúc với thế giới ảo quá nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến hệ thần kinh và trí tuệ trẻ. Trò chơi hầu như không có tương tác bằng lời khiến hệ ngôn ngữ của trẻ phát triển kém. Ở Nhật, trẻ xem tivi hai giờ/ngày đã coi là nguy hiểm. Chơi game còn nguy hiểm hơn xem tivi nhiều vì trò chơi có tính liên hoàn, trẻ không thể dứt mắt khỏi màn hình đến khi trò chơi kết thúc.

NGỌC HÀ ghi

 

ThS Nguyễn Thị Ngọc Giàu – giảng viên Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt (Q.Phú Nhuận, TP.HCM):

Trẻ sẽ dễ lệ thuộc

Chấp nhận thực tế của cuộc sống hiện đại là trẻ tiếp xúc điện thoại, máy tính sớm hơn nhưng phụ huynh nên giới hạn về thời gian chơi game và chọn loại trò chơi phù hợp cho trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh cần chơi cùng trẻ để tìm hiểu suy nghĩ của con, đặt câu hỏi và hướng dẫn… Các bạn tuổi mới lớn và người trưởng thành khi lún sâu vào game còn cảm thấy khó chịu khi phải dứt ra, huống chi trẻ là đối tượng có ít lựa chọn giải trí.

Các bé dễ có khuynh hướng bị lệ thuộc. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu muốn chơi game hàng giờ liền, thiếu hứng thú với các trò chơi khác, đặc biệt là giao tiếp với xung quanh, phụ huynh nên giảm bớt sự lôi cuốn của game với trẻ bằng cách tổ chức và cùng trẻ tham gia những trò chơi, hoạt động thú vị khác như: xếp hình, đố ô chữ, trò chơi có tranh ảnh…