23/11/2024

Hội nghị quốc tế “Từ Thông điệp Mẹ và Thầy tới Thông điệp Bác ái trong Chân lý”

ĐTC cổ vũ việc huấn luyện cho giáo dân về đạo lý xã hội của Hội Thánh, thành lập các Uỷ ban Công lý và Hoà bình cũng như các tổ chức khác để phục vụ việc tái truyền giảng Tin Mừng cho xã hội.

Hội nghị quốc tế “Từ Thông điệp Mẹ và Thầy tới Thông điệp Bác ái trong Chân lý”

Phỏng vấn Đức cha Mario Toso, Dòng Don Bosco,
Thư ký Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình,
về Hội nghị Quốc tế về đề tài
“Từ Thông điệp Mẹ và Thầy tới Thông điệp Bác ái trong Chân lý”

Sáng 16-5 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp kiến 200 tham dự viên Hội nghị Quốc tế, do Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm ban hành Thông điệp “Mater et Magister” (Mẹ và Thầy) của Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII. Trong số các thuyết trình viên có Đức Hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, Đức Hồng y Laurent Monsengwo Pasinya, Tổng Giám mục Kinshasa Cộng hoà Dân chủ Congo, Đức Hồng y Oscar Rodriguez Maradiaga, Tổng Giám mục Tegucigalpa Honduras, Đức cha Giampaolo Crepaldi, Tổng Giám mục Trieste, nguyên Thư ký Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, và Linh mục Sergio Bernal Restrero, thành viên của Hồi đồng. Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có nhiều Hồng y và Giám mục.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của Giáo huấn Xã hội Công giáo mà Thông điệp Mẹ và Thầy đã góp phần khai triển và phát huy. Ngài cũng nhắc đến những chệnh lệch trên thế giới ngày nay đang nuôi dưỡng thêm sự bất bình đẳng gây ra những vấn đề cho công lý và sự phân phối không đồng đều các tài nguyên và cơ may, đặc biệt đối với những người nghèo khổ nhất. Đức Thánh Cha đặc biệt tố giác hiện tượng ồ ạt thiết lập các khế ước tín dụng, thường đưa tới một sự đầu cơ vô giới hạn. Ngài nói: “Những hiện tượng đầu cơ gây thiệt hại cũng xảy ra đối với lương thực, nước, đất đai và rút cuộc cũng làm cho những người nghèo phải sống trong tình trạng bấp bênh hơn nữa. Cũng vậy, việc tăng giá các nguồn năng lượng đầu tiên, đưa tới hậu quả là sự tìm kiếm những nguồn năng lượng khác, nhiều khi chỉ được hướng dẫn do những mối quan tâm kiếm lợi ngắn hạn, và rốt cuộc tạo ra những hậu quả tiêu cực trên môi sinh và cho chính con người”.

Đức Thánh Cha không quên cổ vũ việc huấn luyện cho giáo dân về đạo lý xã hội của Hội Thánh, thành lập các Uỷ ban Công lý và Hoà bình cũng như các tổ chức khác để phục vụ việc tái truyền giảng Tin Mừng cho xã hội. Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức cha Mario Toso, Dòng Don Bosco, Thư ký Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, về hội nghị quốc tế về chủ đề “Từ Thông điệp Mẹ và Thầy tới Thông điệp Bác ái trong Chân lý”. Hội nghị đã được tổ chức để nhấn mạnh tính cách thời sự của tài liệu do Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII công bố năm 1961.

Hỏi: Thưa Đức cha Toso, đâu là sợi chỉ vàng nối liền Thông điệp “Mẹ và Thầy” của Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII và Thông điệp “Bác ái trong Chân lý” của Đức đương kim Giáo hoàng Bênêđictô XVI?

Đáp: Trước các tình trạng mất quân bình quốc tế, vùng miền và quốc gia như đã được ghi nhận trong Thông điệp “Mẹ và Thầy”, và đã được cập nhật bởi Thông điệp “Bác ái trong Chân lý” trong thế giới toàn cầu hoá của chúng ta ngày nay, các tiêu chuẩn vẫn giống nhau. Để thắng vượt các mất quân bình này Thông điệp của Đức Gioan XXIII lấy sự thật, tình yêu và công lý làm tiêu chuẩn hướng dẫn giải quyết các vấn đề. Thông điệp khẳng định rằng sự thật là ánh sáng của Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh, tình yêu thương là sức mạnh thúc đẩy, công lý là mục đích. Và thông điệp cuối cùng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp nối Thông điệp của Đức Gioan XXIII một cách hoàn hảo như phần mở đầu đã nói rõ.

Hỏi: Đâu là các tình trạng mất quân bình mà Đức cha Roncalli đã nêu lên và chúng đã không đánh mất đi tính chất thời sự của chúng, thưa Đức Cha?

Đáp: Trời ơi, nhiều lắm. Tôi nghĩ tới các thế mất quân bình trong các lĩnh vực kinh tế, giữa các vùng miền, các dân tộc, giữa các tài nguyên và sự phát triển kinh tế và dân số, giữa tiến bộ kỹ thuật và tiến bộ luân lý. Và ngày nay có thêm các thế mất quân bình mới khác, đặc thù của bối cảnh văn hoá toàn cầu. Thông điệp “Bác ái trong Chân lý”, chẳng hạn như các mất quân bình giữa các sinh hoạt kinh tế và sự hữu hiệu chính trị; giữa việc quản lý điều hành của chóp bu quyền lực lãnh đạo và sự tham dự của dân chúng; giữa việc tôn trọng sự sống từ khi thụ thai cho tới khi chết tự nhiên và sự phát triển toàn cầu; giữa các quyền được người ta đòi hỏi cách quá đáng và các bổn phận bị người ta lãng quên; giữa luân lý đạo đức và thị trường. Đó là chưa kể tới sự mất quân bình giữa tư tưởng và sự trầm trọng của các vấn đề xã hội và văn hoá cần phải được thảo luận, như Thông điệp “Tiến bộ các Dân tộc” của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, đã ghi nhận.

Hỏi: Đâu là sự đóng góp của Giáo Hội cho lĩnh vực này, thưa Đức Cha?

Đáp: Trước hết là việc loan báo Chúa Giêsu Kitô, một sự rao giảng Tin Mừng mới cho xã hội, nhờ đó Kitô giáo được sinh động hơn, cho phép sự tái sinh của tư tưởng, luân lý đạo đức và có các dự án trong tương lai. Nhờ sự gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, có thể tìm được một nền luân lý đâm rễ sâu trong ước muốn sự thiện đích thực cho con người. Ngày nay người ta nhận thấy thiếu một nền luân lý được xây dựng trên lương tâm con người, có thể gặp gỡ sự giòn mỏng của các thứ luân lý đạo đức đời đang thống trị xã hội. Đó là các thứ luân lý đạo đức được xây trên chủ thuyết nghi ngờ, khuynh hướng tương đối hoá mọi sự, và vì thế chúng không thể tạo ra một nền tảng chắc chắn giúp đọc hiểu và giải quyết các vấn đề đặc thù của hiện tượng toàn cầu hoá không được cai trị, như chúng ta đang sống hiện nay.

Hỏi: Vây thì đâu là câu trả lời có thể đưa ra cho cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đang kìm kẹp thế giời toàn cầu hoá của chúng ta?

Đáp: Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh không cống hiến các bài thuốc đặc biệt, nhưng có thể chỉ cho thấy các nguyên tắc và các tiêu chuẩn hành xử có hữu ích giúp giải quyết các vấn đề. Một cách đặc biệt Thông điệp “Bác ái trong Chân lý” cầu mong có một cuộc cải cách hệ thống tài chính quốc tế. Thế rồi đương nhiên là ngoài cuộc cải cách hệ thống, cũng cần phải có việc canh tân luân lý của những người hoạt động trong hệ thống ấy nữa.

Hỏi: Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình có tính cho ra một tài liệu về vấn đề này hay không, thưa Đức Cha?

Đáp: Thật ra đã có một nhóm suy tư liên quan tới vấn đề này, là vấn đề sẽ được thảo luân trong hội nghị thượng đỉnh của khối G20 vào tháng 11 năm nay.

Hỏi: Như thế là tài liệu sẽ được công bố trước khi hội nghị thượng định bắt đầu, có đúng thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Vâng, nếu mọi chuyện xuôi chảy như dự định.

Hỏi: Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình có đang soạn thảo tài liệu nào khác nữa không?

Đáp: Có, chúng tôi đang soạn thảo một cuốn cẩm nang bao gồm các nguyên tắc dựa trên Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh, dành cho các người làm việc trong thế giới làm ăn đầu tư. Và chúng tôi được các chuyên viên cho biết trong các trường dạy kinh doanh, kể cả các trường Công giáo, Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh không hiện diện một cách đầy đủ.

Hỏi: Như thế phải khởi hành từ đâu thưa Đức Cha?

Đáp: Phải tái lượng định trở lại chính trị. Ngày nay chính trị xem ra tùng phục trật tự thường ngày của các thực tại tài chính. Trái lại, chúng tôi cho rằng phải ý thức trở lại đối với công ích và đề ra các đường hướng cho thế giới kinh tế và tài chính. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra bên trong một nền dân chủ đích thực, qua việc sống cuộc sống tốt lành với sự tham dự nhiều hơn của xã hội dân sự và các thế hệ mới.

Hỏi: Đức Cha có thể đơn cử một thí dụ hay không?

Đáp: Trong Hội nghị quốc tế về Thông điệp “Mẹ và Thầy” có các phần chia sẻ trình bày các thực hành tốt. Trong đó có thực hành gọi là “Ficha limpa”. Đây là thói quen do một phong trào bình dân đòi hỏi, được Giáo hội Công giáo phát triển và được quốc hội Brasil chấp nhận. Thực hành này xác định các điều kiện cho việc lựa chọn các ứng cử viên dựa trên các tiêu chuẩn của sự liêm chính, tôn trọng luật lệ, trong viễn tượng thực thi một nền chính trị công bằng và chú ý tới con người.

(Avvenire 15-5-2011; SD 16-5-2011)