Bãi vàng thời sốt giá
Vàng không ngừng lập những kỷ lục mới về giá. Nó leo thang từng ngày càng khiến dân đào đãi vàng dốc sức đi tìm kiếm. Kim Sơn, một trong những bãi vàng lớn nhất miền Trung (xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định), cũng đang từng giờ bị cày xới…
Bãi vàng thời sốt giá
Báo Thanh Niên, ngày 19/09/2010
Vàng không ngừng lập những kỷ lục mới về giá. Nó leo thang từng ngày càng khiến dân đào đãi vàng dốc sức đi tìm kiếm. Kim Sơn, một trong những bãi vàng lớn nhất miền Trung (xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định), cũng đang từng giờ bị cày xới…
Từ trung tâm xã Ân Nghĩa có nhiều ngả đường dẫn lên núi Kim Sơn, đến bãi vàng rộng lớn choáng ngợp tầm nhìn. Người ta lấy tên núi “khai sinh” cho tên bãi vàng từng được biết đến từ thời Pháp thuộc. Dân đào đãi vàng không chỉ ở Bình Định, nhưng dường như thuộc nằm lòng mọi ngóc ngách của bãi vàng sau nhiều năm “cắm chốt” khai thác, cày xới tung núi Kim Sơn.
Kiếm chút tiền công
Chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ chếch hướng tây nam tiến về phía khu rừng đang gầm gào tiếng máy nổ. Bánh xe máy xoay lún sâu vào lớp đất đỏ quạch nhão nhoẹt tràn xuống ngập đường, buộc chúng tôi phải kéo xe quay trở lại tìm con đường dẫn vào trang trại của ông T. để tiếp cận bãi vàng. Con đường khá rộng, mới được chủ trang trại san ủi theo triền dốc nhưng lại là “huyết mạch thông thương” phục vụ chủ yếu dân tìm vàng lên xuống núi.
Hoạt động khai thác vàng hết sức rầm rộ hiện ra trước mắt khi chúng tôi vượt qua đỉnh dốc đầu tiên. Nhóm người đang khuân vác dầu, gạo, dây thừng, vải bạt… dừng chân giữa một khoảnh rừng thưa đồng loạt ném ánh nhìn lạnh lùng lúc thấy chúng tôi đến gần. Tiếng máy nổ vẫn rống liên hồi ở một hầm vàng ngay bên cạnh. “Các anh đào vàng ở đây có vẻ thoải mái nhỉ, chẳng thấy ai ngăn cấm…”, tôi xởi lởi. Quăng chiếc xẻng xúc đất đãi vàng, một người đáp lại: “Cũng lén lút làm kiếm chút tiền công chứ xin phép đâu vào đó rồi làm thì chẳng có ai cho. Tui làm ở đây chỉ có mót sái (vàng cám) từ phía trên kia tháo chảy xuống mà thôi”.
Lên triền dốc càng cao càng xuất hiện nhiều lán trại san sát nhau của dân đào vàng. Mỗi lán trại có từ 5 đến 10 người, kẻ đứng người ngồi. Cách vài bước chân lại lộ ra một hầm vàng sâu hoắm và chi chít những hố đất rộng chừng ba bốn gang tay. Chỉ cần sẩy chân xuống hầm vàng e là xong đời. “Ở đây gọi là công trường vàng tặc. Hầm sâu thì họ đã móc đất khai thác hết vàng rồi bỏ lại trống trơn lớp mặt. Trong lúc đi tăm tia vàng (thăm dò kiểu thủ công – PV), họ đã tạo ra những hố cạn hơn. Nếu thấy hố nào có tia vàng thì tiếp tục đào sâu, còn những hố chỉ rặt đất và đất thì họ bỏ mặc”, anh “thổ địa” đi cùng giải thích cho chúng tôi.
Bám theo tia vàng
Bãi vàng ở trên địa bàn nên trước đây dân đào vàng địa phương lên núi kiếm tìm như đi làm đồng. Họ chia thành từng nhóm khai thác thủ công, xúc đất bỏ vào máng xối nước theo kiểu cầu may nên vàng lúc có lúc không. Sau khi có một vài công ty khai khoáng đến Kim Sơn khảo sát vàng trở về thì nhiều nhóm người ở phía Bắc bắt đầu xuất hiện, lén khai thác trái phép nhưng quy mô và bài bản hơn. Những người này rất giỏi tăm tia vàng rồi thuê lại nhân công tại chỗ đào đâu trúng đó. Khi đã trúng đậm, nhiều nhóm lần lượt rút đi mang theo bí quyết tăm tia vàng. Dân đào vàng ở địa phương có người may mắn học được một vài chiêu, cố bám trụ cày xới trên núi ngày này sang tháng nọ.
Núi rừng Kim Sơn ngày nắng cũng như ngày mưa luôn tràn ngập dân đào đãi vàng. Công trường khai thác không ngừng mở rộng tới tận đỉnh núi, bất chấp nỗi ám ảnh chết chóc và hiểm nguy luôn rình rập. Do khai thác lén lút và tự phát nên những tai hoạ sập hầm chết người từng nhiều lần xảy ra. Hầu hết dân bãi vàng đều ém nhẹm thông tin và tự lo xoay xở.
Lại gần một hầm vàng vừa có người chui xuống, tôi có cảm giác lạnh xương sống. Miệng hầm rộng chừng hơn 1m2, hai bên thành đất được móc từng ô nhỏ tạo bậc thang lên xuống. Chẳng có tấm ván nào kè chắn đề phòng sạt lở hầm. Một lúc sau, bóng người mất hút dưới hầm tối mịt mùng, tiếng nói vọng lên nghe yếu ớt. “Hầm này sâu gần 50m nhưng dạo này chỉ làm kiểu này thôi. Ít có hầm được kè ván vì tiền đầu tư tốn kém. Cũng biết là nguy hiểm nhưng tới đâu hay tới đó. Sập hầm là chuyện cơm bữa. Dạo trước có vụ nặng nhất gây chết 2 người, một người còn trẻ có vợ đang mang thai đứa con đầu lòng 6 tháng, một người để lại vợ và 4 đứa con côi cút. Mới đây thằng Nh. đào hầm bị đá đè gãy xương sống phải vào tận TP.HCM chữa trị”, một thanh niên giới thiệu tên là Vận, đứng canh bên miệng hầm, kể.
Những hầm sâu chừng vài chục mét như thế cũng không đọ được mức độ nguy hiểm như hầm của ông Sáu Si nằm lưng chừng núi. May mắn tăm được tia vàng, ông này cùng nhiều người khác khai thác suốt mấy tháng trời vẫn chưa hết. Bám theo tia vàng, hầm được đào xuyên qua núi như địa đạo. Dù chinh chiến ở bãi vàng nhiều năm, nhưng khi nói đến “hầm xuyên núi” Vận cũng tỏ ra lo sợ: “Đi làm công ở chỗ ấy thì tiền cao hơn, nhưng lũ tui không dám, chẳng may lở đất bịt hầm thì cả chục người chỉ còn cách ngồi bó gối chịu chết chung”.
Ông Trần Văn Chiến, Phó bí thư Đảng ủy xã Ân Nghĩa, thừa nhận số lượng lán trại khai thác vàng trái phép nhiều đến mức “không thể thống kê được”, và “cán bộ xã còn phải lo giải quyết các công việc khác, không thể ở mãi trên núi để canh dân đào đãi vàng trái phép được”. Bãi vàng Kim Sơn vì thế vẫn bị cày xới trước những “cơn lốc” của giá vàng. Từng đoàn người đang lũ lượt từ những ngả đường dưới chân núi ngày ngày hối hả kéo nhau lên phía đỉnh nuôi giấc mộng tìm vàng. Những dòng nước đỏ quạch lẫn thủy ngân vẫn cứ xối thẳng vào khu dân cư gây nên bao nỗi lo toan về ô nhiễm. Những mảng núi ngày càng nham nhở hố vàng sâu đến rợn người… |
Đình Phú