24/11/2024

Đánh thức tiềm năng ĐBSCL

ĐBSCL rất giàu tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Để phát huy tối đa lợi thế của mình, các tỉnh thành trong khu vực cần tăng cường liên kết với nhau và mở rộng mối liên kết ấy ra các vùng khác.

Đánh thức tiềm năng ĐBSCL

 

Báo Thanh Niên, ngày 06/09/2010

 

ĐBSCL rất giàu tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Để phát huy tối đa lợi thế của mình, các tỉnh thành trong khu vực cần tăng cường liên kết với nhau và mở rộng mối liên kết ấy ra các vùng khác.

Đó là nội dung chính được bàn thảo tại Hội nghị Đầu tư và phát triển ĐBSCL do Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và TP Cần Thơ phối hợp tổ chức ngày 6.9 tại Cần Thơ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị.

Phát triển chưa tương xứng

ĐBSCL hằng năm sản xuất khoảng 50% sản lượng lúa, 52% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây; đóng góp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc, ĐBSCL có 3 lợi thế rất lớn là: Vị trí địa lý thuận lợi, trung tâm của khu vực Đông Nam Á, có thể kết nối thuận lợi về giao thông với các nước trong khu vực và thế giới; có nguồn lao động dồi dào; nguồn tài nguyên phong phú. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “sự phát triển kinh tế xã hội của vùng trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng”. Một trong những điểm yếu của ĐBSCL trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội là hệ thống cơ sở hạ tầng còn kém phát triển và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.

 

Ký kết 10 bản ghi nhớ, tổng số vốn trên 17,6 ngàn tỉ đồng

Tại hội nghị, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã ký kết 10 bản ghi nhớ đầu tư với tổng số vốn lên đến trên 17,6 ngàn tỉ đồng. Trong đó, dự án khu tổng hợp công nghiệp dệt sợi và phụ trợ Texhong Phú Thuận (Bến Tre) có vốn đầu tư cao nhất 9.750 tỉ đồng, do nước ngoài đầu tư.

 

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN cho biết: Trong thời gian qua, ĐBSCL thu hút đầu tư nước ngoài khoảng 8 tỉ USD. Nếu chia tỷ lệ đầu tư nước ngoài theo đầu người, thì bình quân cả nước cao gấp 5 lần so với bình quân ở khu vực ĐBSCL.

Khắc phục hạn chế

Hai trong số những điểm yếu cố hữu của ĐBSCL ảnh hưởng xấu đến thu hút đầu tư là giao thông và giáo dục. Nguồn lao động dồi dào được xem là lợi thế. Song nguồn lao động ấy chưa qua đào tạo lại trở thành rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhận xét: “Chất lượng nguồn nhân lực ở ĐBSCL thuộc dạng thấp nhất cả nước”. Ông dẫn chứng, trong số 100 học sinh tốt nghiệp THPT, thì ở đồng bằng sông Hồng có tới 30 em vào được ĐH, trong khi đó ở ĐBSCL chỉ có 14 em.

Về giao thông, bà Kwakwa cho rằng, ĐBSCL cần được đầu tư mạnh hơn nữa về giao thông để giảm chi phí vận tải, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của khu vực. Mạng lưới giao thông cần có sự kết nối hoàn chỉnh.

Theo GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, kết nối hạ tầng giao thông phải đi trước một bước và phải thực hiện một cách đồng bộ. Trong đó, đặc biệt chú ý kết nối giữa hành lang kinh tế Bắc – Nam và hành lang kinh tế phía Nam trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

Đồng tình với những quan điểm trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Trong thời gian qua, Chính phủ đã đầu tư nhiều công trình trọng điểm để phát triển hệ thống giao thông của khu vực như cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông, đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương… Mới đây, Chính phủ đã quyết định đầu tư nhiều dự án quan trọng mới như Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải, kênh Quan Chánh Bố, khu kinh tế Định An, cải tạo và nâng cấp sân bay Cần Thơ, Rạch Giá, Phú Quốc và hệ thống các tuyến quốc lộ khác.

Trong phần phát biểu của mình, bà Kwakwa nhấn mạnh việc tiếp cận theo vùng là hết sức quan trọng nhằm tránh sự đầu tư lặp đi lặp lại giữa các tỉnh trong khu vực.

Còn GS-TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, liên kết vùng chỉ có thể có hiệu quả nếu bản thân quá trình này đạt được sự tương tác hài hòa giữa liên kết danh nghĩa (pháp lý) với liên kết thực tế. Để thắt chặt mối liên kết vùng, các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre có điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường trong nước và xuất khẩu nên thu hút các dự án có hàm lượng kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại. Các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp là những địa phương có vùng nguyên liệu dồi dào có thể phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản, dược phẩm. Các tỉnh dọc theo biển như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau cần gắn kết với Phú Quốc tập trung phát triển kinh tế biển, đóng tàu, chế biến hải sản, công nghiệp khí điện đạm…

Tiến Trình – Chí Nhân