01/11/2024

Đi tìm nguồn gốc sợi mì

Hãng truyền hình Hàn Quốc KBS đã lặn lội khắp 3 châu lục ròng rã trong 2 năm để tìm ra thủy tổ của sợi mì và con đường phát tán loại thức ăn nhanh đầu tiên của loài người.

Đi tìm nguồn gốc sợi mì

 

 

Thanhnien.com.vn  04/09/2010

 

Hãng truyền hình Hàn Quốc KBS đã lặn lội khắp 3 châu lục ròng rã trong 2 năm để tìm ra thủy tổ của sợi mì và con đường phát tán loại thức ăn nhanh đầu tiên của loài người.

Bộ phim tài liệu Noodle Road (Con đường mì sợi) gồm 6 phần, dài 349 phút, quay tại 8 quốc gia, do hãng KBS sản xuất, là một công trình nghiên cứu công phu và đậm chất nghệ thuật, đi vào từng ngóc ngách lịch sử 2.500 năm của loại thực phẩm làm bằng bột nhồi với hàng ngàn biến thể về hình thức, hương vị trên khắp thế giới.

Từ hạt lúa mì của dân du mục…

Lịch sử đã sớm chứng minh sợi mì xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc. Nhưng xứ này quá rộng, lại có nhiều tộc người. Trong số đó, ai là người đầu tiên đã làm ra sợi mì? Lần tìm khắp các thành phố lớn của Trung Quốc, đoàn làm phim KBS đã tìm ra manh mối ở tỉnh Tân Cương. Năm 1991, những công nhân xây dựng đã phát hiện ra trong vùng Hỏa Diệm Sơn những xác ướp có 2.500 năm tuổi cùng với nhiều dụng cụ sinh hoạt của họ. Và trong một chiếc chén đất cũ kỹ, người ta thấy có một loại thực phẩm dạng sợi có chiều dài bằng ngón tay, to xù xì! Đó là những sợi mì đầu tiên của nhân loại. Chúng được làm bằng bột lúa mì.

Cũng trong vùng sa mạc tỉnh Tân Cương, người ta tìm được những ngôi mộ cổ có những chiếc mặt nạ 4.000 năm tuổi với chiếc mũi to quá khổ. Xét nghiệm ADN cho thấy người nằm dưới mộ thuộc tộc người Kazak ở Ukraine. Cách đây chừng 5.000 năm, những người này di cư rầm rộ sang Trung Á để tìm kiếm những thảo nguyên xanh tươi. Xứ Tân Cương khi ấy là một vùng đất trù phú, có con sông chảy qua thung lũng, giúp những người mới đến tạo lập được đời sống bán du mục, và dần dần định cư bằng nghề trồng lúa mì, hạt kê và nuôi cừu.

 

Ngoài giải thưởng lớn của Hiệp hội Truyền hình Hàn Quốc năm 2009, Noodle Road do đầu bếp nổi tiếng người Mỹ gốc Hoa Ken Hom dẫn dắt còn đoạt giải Phim tài liệu hay nhất của Liên hoan Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương năm 2009. Riêng phần 4 của phim với chủ đề Kết nối ẩm thực châu Á được trao giải Peabody năm 2010. Peabody là giải thưởng danh giá dành cho các sản phẩm truyền hình và radio của toàn thế giới.

 

Lúa mì vốn được trồng từ năm 7000 trước Công nguyên ở vùng Lưỡng Hà đã được những người di cư mang đến xứ Tân Cương. Từ hạt lúa mì, họ chế biến ra những chiếc bánh mì nướng trong tro bếp. Thời đó, ở Ai Cập người ta đã tìm ra nấm men để làm nở xốp chiếc bánh mì, nhưng những cư dân bán du mục ở Tân Cương vẫn chỉ biết làm ra chiếc bánh tròn và dẹt. Rồi thay vì đem nướng miếng bột nhồi, những phụ nữ rảnh rang đã xắt mỏng nó ra, tạo nên một dạng thực phẩm mới được gọi là “reshteh”, trong ngôn ngữ Farsi có nghĩa là “sợi mảnh”. Món mì đầu tiên của nhân loại ra đời, được ăn cùng với súp thịt cừu, cà chua và tiêu xanh! Theo thời gian, sợi mì thô, ngắn được kéo dài ra, mỏng và tinh xảo hơn nhờ nước giếng địa phương có tính kiềm giúp bột dẻo và dai hơn.

Vào đời Hán năm 139 trước Công nguyên, vua Chu Mục sai sứ thần Trương Khiên cùng 100 tùy tùng sang xứ Afghanistan thương thuyết. Đoàn quân của sứ thần tiến về phía tây và mở ra “Con đường tơ lụa”. Người Hán theo con đường này đến Tân Cương và thúc đẩy giao thương đến tận châu Âu. Từ đó, món mì theo về khắp các thị thành Trung Quốc, vượt lên Mông Cổ, lan sang ẤËn Độ, qua tận Trung Đông. Sử sách Trung Quốc đời Hán đã ghi nhận sự có mặt của sợi mì. Mì theo Đại sư Sho-ichi (1202 – 1280) sang xứ hoa anh đào, và cũng theo con đường tu hành mà sang xứ kim chi. Rồi người Thái ở tỉnh Vân Nam trong cuộc vượt sông xuôi về phương nam trên những chiếc ghe gỗ trốn chạy sự tấn công của người Mông Cổ đã đem kỹ thuật làm bún bằng bột gạo sang Việt Nam, Thái Lan và Indonesia…

…đến món pasta trên đảo Sicily

Nhưng Hoa kiều không phải là người đưa sợi mì đến nước Ý. Người Ý gọi mì là pasta hay spaghetti. Từng có giả thiết cho rằng sợi mì được thương gia Marco Polo mang về cuối thế kỷ 13. Ông này từng viết cuốn sách Mô tả về thế giới hay còn gọi là Cuộc phiêu lưu của Marco Polo ghi lại những trải nghiệm trong chuyến viễn du phương Đông kéo dài 25 năm của mình.

Nhiều người cho rằng chuyện ông kể là bịa đặt, nhưng các sử gia khẳng định nó có thật, bởi nếu chưa từng đến Trung Quốc, Polo không thể miêu tả chính xác cây cầu, bến nước, tập quán sinh hoạt… mà đến bây giờ người ta vẫn có thể kiểm chứng được. Tuy nhiên, tại thư viện thành phố Florence, nơi 3 bản gốc của cuốn sách được lưu giữ, nhóm làm phim không tìm thấy một chữ nào đề cập đến món mì sợi vốn đã rất thịnh hành ở Trung Quốc thời đó. Rồi ở thư viện lưu trữ sách cổ Genova, nhóm đã tìm được một quyển sách viết vào năm 1244, trong đó có đoạn một bác sĩ khuyên bệnh nhân không nên ăn pasta. Điều này phủ định một cách chắc chắn giả thuyết về Marco Polo.

Đoàn làm phim cũng đến cố đô Pompeii của đế chế Roma thời đầu Công nguyên. Một ngày tháng 8 năm 79, thành phố này bị hủy diệt bởi một trận núi lửa từ ngọn Vesuvius ngay trước giờ ăn trưa. Trong những thức ăn chôn vùi 2.000 năm dưới lớp nham thạch, người ta tìm thấy bánh pizza mà không có dấu vết của pasta.

Trở lại thư viện Bodleian tại Đại học Oxford (Anh), đoàn mới tìm được một cuốn sách địa lý do một học giả người Ả Rập viết năm 1154. Quyển sách miêu tả điều kiện địa lý và lối sống tại nhiều vùng ở châu Âu thời đó, và đảo Sicily miền nam nước Ý được mô tả rất chi tiết. Trong đó, có đoạn viết: “Nếu bạn đến Trabia, một làng nhỏ trên đảo Sicily bạn sẽ bắt gặp một món ăn rất lạ lẫm có tên gọi Itriya”. Itriya tiếng Ả Rập đồng nghĩa với từ pasta trong tiếng Ý.

Lịch sử Sicily còn ghi rõ vào năm 827, đội quân 724 người của triều đại Aghlabid xứ Ả Rập đã đổ bộ lên đảo và chiếm đóng trong 200 năm sau đó. Chính những người lính Ả Rập đã đem món Itriya vào xứ này. Itriya (pasta) nhanh chóng trở thành món ăn chính của người dân trên đảo Sicily, và lan ra khắp nước Ý, rồi du nhập qua các quốc gia châu Âu khác. Mỗi người dân Sicily trung bình tiêu thụ 44 kg pasta/năm, cao hơn các vùng khác 1,5 lần và hơn 9 lần so với người Mỹ.

Từng có một thời, mì sợi là món ăn trong những dịp trọng đại của người châu Á, và là đặc quyền của giới quý tộc Ý, bởi việc chế biến quá công phu, đắt đỏ. Nhờ khoa học kỹ thuật tiến bộ không ngừng, công nghệ chế biến mì hàng loạt cũng ra đời, khiến nó trở thành món thức ăn nhanh đầu tiên trên thế giới.

Ngày nay, mỗi năm nhân loại tiêu thụ một lượng mì sợi đủ để xây 327 tháp Eiffel. Họ hàng nhà mì tại Trung Quốc có chừng 1.200 món dạng sợi, và hơn 300 loại bánh hấp với lớp áo bột bên ngoài. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan…, mì, bún, miến, phở cũng muôn hình vạn trạng. Bán đảo Ý cũng có hơn 300 dạng pasta. Sợi mì có mặt khắp thế giới. Mì còn được mang lên không gian làm thức ăn cho các phi hành gia…

Con đường mì sợi nhẹ nhàng dẫn người xem đi từ khởi nguồn đến tận cùng sự đa dạng của một món ăn đầy quyến rũ.

Thục Minh (VP Singapore)