Tụt hạng tín nhiệm, có quá lo?

TT – Cuối tháng 8-2010, tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings đã đánh tụt hạng tín nhiệm của hai ngân hàng là Vietcombank (VCB) và Á Châu (ACB). Trước đó, Fitch đã hạ bậc tín nhiệm tín dụng dài hạn của VN.

Tụt hạng tín nhiệm, có quá lo?

Báo Tuổi Trẻ, ngày 6-9-2010

TT – Cuối tháng 8-2010, tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings đã đánh tụt hạng tín nhiệm của hai ngân hàng là Vietcombank (VCB) và Á Châu (ACB). Trước đó, Fitch đã hạ bậc tín nhiệm tín dụng dài hạn của VN.

Dưới đây là ý kiến của TS Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Fitch là một trong ba tổ chức giám định tài chính có uy tín trên thế giới, chuyên đưa ra những hệ số tín nhiệm và năng lực tiền tệ của những công ty, chính phủ để đánh giá và xếp hạng năng lực tài chính của đối tượng được giám định, phục vụ giới đầu tư.

Fitch đã đánh tụt hạng tín nhiệm của VCB và ACB do tăng trưởng tín dụng quá nóng. Fitch hạ bậc tín nhiệm tín dụng dài hạn của VN bởi ba lý do cơ bản là: thâm hụt ngân sách cao vào khoảng 7,6%; phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài tăng lên trong khi nguồn cung vốn yếu đi; dự trữ ngoại hối giảm.

Tuy nhiên, những số liệu mà Fitch đưa ra để nhận định năng lực tài chính của VN cũng như đối với các ngân hàng thương mại VN không phải lúc nào cũng kịp thời và chính xác, thậm chí thiếu cập nhật số liệu hay số liệu lạc hậu.

Đơn cử, như khi đánh giá về kinh tế VN, các số liệu của Fitch về thâm hụt ngân sách cũng như tỉ lệ nợ công của VN chưa chính xác, thực tế thấp hơn những gì Fitch đưa ra.

Cụ thể, thâm hụt ngân sách của VN trong năm 2009 chỉ ở mức 6,2% GDP và Chính phủ VN phấn đấu năm 2010 kéo giảm trên dưới 6%. Tương tự, tỉ lệ nợ công năm 2009 là 41,8% và Chính phủ đang phấn đấu giữ ở mức 45% GDP.

Trong khi Fitch đưa ra số liệu cho rằng thâm hụt ngân sách VN đã lên đến 8,7% GDP năm 2009 và dự kiến sẽ ở mức cao 7,6% GDP trong năm 2010; tỉ nợ công năm 2009 lên đến 45% GDP.

Khi Fitch hạ mức tín nhiệm VN thì việc hạ mức tín nhiệm VCB và ACB là hai ngân hàng lớn hàng đầu ở VN không quá bất ngờ. Bởi vì định mức tín nhiệm của một doanh nghiệp không thể nào cao hơn tín nhiệm của quốc gia nơi doanh nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên, theo biểu đồ định vị sức khỏe hệ thống ngân hàng thương mại do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lập ra thì trước khủng hoảng ACB là ngân hàng cổ phần tốt nhất. Bắt đầu vào khủng hoảng, ACB gần như không thay đổi vị trí của mình.

Riêng trong năm 2010 các ngân hàng trong nước phải thực hiện các chỉ tiêu an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng sẽ phải tăng nguồn vốn tự có để đảm bảo được các chỉ tiêu an toàn theo quy định chung. ACB, VCB có vốn rất lớn và có những chuẩn bị về kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới cũng như những điều kiện để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Fitch đã hạ mức đánh giá tín nhiệm đối với hai ngân hàng là VCB và ACB với lý do tín dụng tăng nóng. Về lý thuyết, cho vay nhiều, tăng nóng thì có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, rủi ro cao hơn. Nhưng có rủi ro hay không lại là chuyện khác vì phải dựa vào diễn biến trong thực tế.

Cũng cần giải mã việc tăng tín dụng nóng, có thể tỉ lệ cao nhưng số tuyệt đối thấp, hoặc thị phần tín dụng của ngân hàng đó còn nhỏ so với mặt bằng chung.

Về tổng quan, tăng tín dụng năm 2009 bao gồm phần bù cho phần tín dụng bị kìm nén và không tăng của năm 2008 cùng với mức tăng tín dụng tự nhiên của năm 2009. Đặc biệt là hiệu ứng tăng hàng tồn kho sau khủng hoảng và việc áp dụng các chính sách kích cầu qua công cụ tiền tệ là hỗ trợ lãi suất đã kích thích mạnh đà tăng trưởng tín dụng.

Tăng trưởng tín dụng bình quân kép trong hai năm 2008-2009 là 28%, không quá cao với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Việt Nam trong bối cảnh động lực tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng chứ không phải từ thị trường chứng khoán.

Những quý đầu năm 2010 tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cũng rất chậm, chỉ có những tháng gần đây khi lãi suất cho vay giảm các ngân hàng mới cho vay được.

Tín dụng tăng nhanh, lo ngại về khả năng chịu đựng của hệ thống ngân hàng trong điều kiện thị trường chứng khoán chưa phát triển là có cơ sở. Nhưng nếu xét về các chỉ số thì vẫn ở mức an toàn khi dư nợ tín dụng/GDP của VN mới ở mức 105%, trong khi quốc gia có cơ cấu chính trị và kinh tế gần giống Việt Nam là Trung Quốc chỉ số này là trên 160%.

Theo tôi, những đánh giá của Fitch về kinh tế VN cũng như hệ thống ngân hàng là có cơ sở. Tuy nhiên, thực tiễn ở VN có nhiều điều mà những tính toán đó không thể bao quát hết được.

Về cơ bản nền kinh tế VN khá tốt, triển vọng kinh tế VN sáng sủa, trong đó hệ thống ngân hàng VN ổn định. Vì vậy những xếp hạng như vậy chỉ có giá trị tham khảo và là chuyện bình thường chứ không có tính chất khẳng định.

Hơn nữa, các nhà đầu tư chủ yếu nhìn vào triển vọng kinh tế dài hạn, các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các tổ chức quốc tế đều khẳng định triển vọng kinh tế dài hạn của VN rất tốt trên nhiều khía cạnh. Nhiều nhà đầu tư quốc tế đang sẵn sàng đầu tư trở lại vào VN cả nguồn vốn trực tiếp và gián tiếp.

Tham khảo để làm tốt hơn

Theo một chuyên gia ngân hàng, đánh giá của các tổ chức định mức tín nhiệm như Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch chỉ mang tính tham khảo đối với các nhà đầu tư trên thị trường tài chính quốc tế bởi không phải các đánh giá này lúc nào cũng đúng.

Điển hình như trong cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới năm 2008, các tổ chức này đã đưa ra đánh giá tín nhiệm rất cao các loại chứng khoán nợ bất động sản nhưng đây lại chính là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Khá nhiều công ty, ngân hàng được các tổ chức này xếp hạng rất cao nhưng đều rơi vào khó khăn. Ngược lại, nhiều ngân hàng ở một số nước bị dự báo sắp sụp đổ lại ăn nên làm ra.

Ngay như với trái phiếu Chính phủ VN, ở thời điểm năm 2008, cũng do nghe theo các đánh giá định mức tín nhiệm, không ít nhà đầu tư nước ngoài đã bán tháo và chịu lỗ nặng. Ngược lại, các ngân hàng trong nước đã nhanh tay mua lại số trái phiếu này và đã lãi lớn.

Khi một quốc gia hay doanh nghiệp bị hạ định mức tín nhiệm thì việc vay mượn sẽ khó hơn, lãi suất cao hơn, nhà đầu tư sẽ không mua hoặc bán chứng khoán của các đơn vị này… Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nên tham khảo đánh giá này để có thể hoàn thiện, chỉnh sửa những tồn tại cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cần có cơ chế trao đổi thông tin

Theo ông Lý Xuân Hải – tổng giám đốc ACB, việc các tổ chức định mức tín nhiệm như Fitch, Moody’s, Standard & Poor’s… nâng hay hạ mức tín nhiệm là chuyện bình thường. Không nên vì nâng hạng mà chủ quan hay hạ hạng thì quá lo ngại.

Đó là các tổ chức lớn, có ảnh hưởng nhiều đến giới đầu tư… Nhưng họ cũng chỉ là tổ chức tư vấn và chịu trách nhiệm rất hữu hạn với các báo cáo của nhân viên mình. Đặc biệt mỗi báo cáo là quan niệm của riêng một cá nhân phân tích nên yếu tố chủ quan rất cao, nhất là trong điều kiện họ thiếu thông tin và phải phân tích từ xa.

Ông Hải cho biết Fitch không trao đổi hay yêu cầu cung cấp số liệu bổ sung hoặc chi tiết khi thực hiện đánh giá định mức tín nhiệm của ACB. Có thể họ chỉ thu thập thông tin của các ngân hàng lớn nhất VN thông qua báo cáo thường niên và phương tiện thông tin đại chúng là các số liệu tổng hợp, không chi tiết để đánh giá.

Ông Hải cũng cho rằng cần có cơ chế trao đổi thông tin nhanh và đầy đủ hơn để có thể hỗ trợ công tác phân tích và tư vấn của các tổ chức như Fitch được tốt hơn, và hệ thống ngân hàng VN có điều kiện được nghe những ý kiến đánh giá khách quan và chuyên nghiệp một cách đúng đắn hơn.

Trong khi đó, VCB cho biết đang nỗ lực tăng vốn điều lệ, đồng thời cơ cấu lại các nguồn vốn nhằm đảm bảo yêu cầu về tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu mới. Từ năm 2010 VCB đã điều chỉnh việc phân loại nợ xấu theo hướng tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.

Vì thế, hạng mức tín nhiệm sẽ được cải thiện khi ngân hàng tăng thêm vốn cũng như xử lý các vấn đề tài chính.

TRUNG SƠN ghi