24/11/2024

Nhập đề: Một nền nhân bản toàn diện và liên đới

Giáo Hội tiến vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba của kỷ nguyên Kitô giáo như một đoàn dân lữ hành, dưới sự hướng dẫn của Đức Kitô – vị “Mục Tử cao cả” (Dt 13,20). Người là “Cửa Thánh” (x. Ga 10,9) mà chúng ta đã bước qua trong Năm Toàn Xá 20001. Đức Giêsu Kitô chính là con đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14,6):

NHẬP ĐỀ

 

MỘT NỀN NHÂN BẢN TOÀN DIỆN VÀ LIÊN ĐỚI

 

a. Vào lúc khai nguyên Thiên Niên Kỷ Thứ Ba

 

1.  Giáo Hội tiến vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba của kỷ nguyên Kitô giáo như một đoàn dân lữ hành, dưới sự hướng dẫn của Đức Kitô – vị “Mục Tử cao cả (Dt 13,20). Người là “Cửa Thánh” (x. Ga 10,9) mà chúng ta đã bước qua trong Năm Toàn Xá 20001. Đức Giêsu Kitô chính là con đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14,6): khi nhìn ngắm dung nhan Người, chúng ta càng thêm tin tưởng và hy vọng nơi Người, Vị Cứu Tinh duy nhất và cũng là mục tiêu duy nhất của lịch sử.

          Giáo Hội tiếp tục ngỏ lời với mọi dân tộc và mọi quốc gia, vì ơn cứu độ chỉ được ban cho con người nhân danh Đức Kitô. Sự cứu độ, mà Chúa Giêsu đã phải trả “bằng một giá đắt” (1 Cr 6,20; x. 1 Pr 1,18-19), được hoàn thành trong sự sống mới đang chờ trao cho người công chính sau khi họ chết. Nhưng sự cứu độ ấy cũng đang thâm nhập vào thế giới này qua các thực tại của kinh tế và lao động, công nghệ và truyền thông, xã hội và chính trị, cộng đồng quốc tế và các mối quan hệ giữa các nền văn hoá và giữa các dân tộc. “Đức Giêsu đến để mang ơn cứu độ toàn diện – một sự cứu độ bao trùm lên mỗi con người và toàn thể nhân loại, đồng thời mở ra một triển vọng rất kỳ diệu, là mọi người được nhận làm con Thiên Chúa”2.

 

2. Vào lúc khai nguyên Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, Giáo Hội không mệt mỏi để công bố Tin Mừng mang ơn cứu độ và sự tự do đích thực đến cho các thực tại trần thế. Giáo Hội nhớ lời thánh Phaolô nói với môn đệ Timôthê của mình: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh” (2 Tm 4,2-5).

 

3. Giáo Hội cũng cống hiến học thuyết xã hội của mình cho những người bạn đồng hành với mình, là mọi người hôm nay. Thật vậy, khi Giáo Hội “chu toàn sứ mạng công bố Tin Mừng là Giáo Hội làm chứng cho con người, nhân danh Đức Kitô: làm chứng cho phẩm giá của con người, cho ơn gọi sống hiệp thông giữa mọi người với nhau. Giáo Hội dạy cho con người biết các đòi hỏi của công lý và hoà bình phù hợp với sự khôn ngoan của Thiên Chúa”3. Học thuyết này có một mối thống nhất rất sâu xa, bắt nguồn từ Niềm Tin vào một ơn cứu độ toàn diện và trọn vẹn, từ niềm Hy Vọng vào sự sung mãn của công lý và từ Tình Yêu sẽ làm cho mọi người trở thành anh chị em với nhau trong Đức Kitô: đó cũng chính là dấu biểu hiện tình thương Thiên Chúa dành cho thế giới, một thế giới đã được Ngài yêu thương tới mức “ban tặng cả Con Một của mình” (Ga 3,16). Luật yêu thương mới mẻ này bao trùm lên cả gia đình nhân loại và là luật không có giới hạn, vì ơn cứu độ do Đức Kitô thực hiện được công bố rộng rãi “tới tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

 

4. Khi khám phá ra mình được Thiên Chúa yêu thương, người ta mới hiểu được phẩm giá siêu việt của mình, biết như thế không phải để mình hài lòng với mình mà còn để đến gặp người khác qua một mạng lưới quan hệ ngày càng nhân bản hơn. Những người đã được tình thương Thiên Chúa “đổi mới” có thể thay đổi các luật lệ và chất lượng của các mối quan hệ, thậm chí chuyển biến cả các cấu trúc xã hội. Họ trở thành người có khả năng đem hoà bình đến nơi xung đột, gầy dựng và nuôi dưỡng các mối tương quan huynh đệ ở nơi có hận thù, đi tìm công lý ở nơi còn đầy cảnh người bóc lột người. Chỉ có tình thương mới có khả năng thay đổi tận gốc những mối quan hệ đang có giữa con người với nhau. Đây chính là viễn ảnh giúp mọi người thiện chí thấy được những chân trời công lý rộng mở, và con người phát triển trong sự thật và sự thiện hảo.  

5. Tình yêu hướng đến một phạm vi hoạt động rộng lớn và Giáo Hội hăng hái đóng góp vào đấy qua học thuyết xã hội của mình, một học thuyết quan tâm đến con người toàn diện và được gửi tới cho hết mọi người. Biết bao anh chị em nghèo đói đang cần giúp đỡ, biết bao người bị áp bức đang chờ công lý, biết bao người thất nghiệp đang cần công ăn việc làm, biết bao người đang mong được tôn trọng. “Làm sao đến ngày hôm nay vẫn còn người phải chết đói, phải mù chữ, thiếu sự chăm sóc y tế tối thiểu, và không có nhà che nắng che mưa? Chúng ta không bao giờ liệt kê hết danh sách những người nghèo túng, vì ngoài những hình thức nghèo túng quen thuộc trên đây còn thấy xuất hiện những dạng nghèo túng mới. Những dạng nghèo túng mới này thường tác động tới cả những bộ phận dân chúng và những tập thể dồi dào tài chính, nhưng có nguy cơ thất vọng vì không tìm được ý nghĩa cho cuộc đời, vì nghiện ngập ma tuý, vì lo sợ bị bỏ rơi khi về già hay khi đau ốm, vì bị gạt ra bên lề xã hội hay bị kỳ thị trong xã hội… Và làm sao chúng ta có thể hờ hững trước viễn ảnh về môi trường sinh thái bị khủng hoảng, đang biến những khu vực rộng lớn của hành tinh chúng ta không còn người ở hay trở nên rất khắc nghiệt đối với con người? Hoặc hờ hững đối với vấn đề hoà bình trước cảnh con người lúc nào cũng bị các cuộc chiến tàn khốc đe doạ? Hoặc hờ hững trước nguy cơ coi thường các quyền căn bản của rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em?”4.

 

6. Tình yêu Kitô giáo sẽ đưa chúng ta tới chỗ tố giác, đề xuất và tham gia những dự án văn hoá và xã hội; tình yêu này thúc đẩy sự hoạt động tích cực để tất cả những ai thành thật coi trọng ích lợi của con người đều muốn góp phần của mình. Nhân loại sẽ hiểu rõ hơn bao giờ hết rằng mọi người đều được liên kết với nhau bởi một vận mệnh duy nhất nên phải cùng nhau gánh lấy trách nhiệm, một trách nhiệm được thôi thúc bởi một nền nhân bản toàn diện và liên đới. Nhân loại thấy rằng, vận mệnh duy nhất này thường bị lệ thuộc, thậm chí bị áp đặt, bởi các tác nhân kinh tế và công nghệ, và cảm thấy cần phải có những nhận thức luân lý sâu xa hơn thì mới hướng dẫn được hành trình chung của nhân loại. Ngạc nhiên trước rất nhiều phát minh thuộc lĩnh vực công nghệ, con người hôm nay hết sức ao ước cho mọi tiến bộ đều được quy hướng về ích lợi thật của nhân loại, hôm nay lẫn ngày mai.

 

b. Ý nghĩa của tài liệu này

 

7. Người Kitô hữu biết rằng họ có thể tìm thấy trong học thuyết xã hội của Giáo Hội những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động. Đó là bước đầu để đẩy mạnh nền nhân bản toàn diện và liên đới. Bởi thế, việc phổ biến cho mọi người biết học thuyết này đúng là một công tác mục vụ ưu tiên, nhờ đó mọi người sẽ được học thuyết này soi sáng, hầu có thể giải thích các thực trạng hiện nay và tìm ra những hướng hành động thích hợp: “Giảng dạy và phổ biến học thuyết xã hội là một phần trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội”5.

          Nhìn trong ánh sáng ấy, việc phát hành tập tài liệu chứa đựng các yếu tố căn bản của học thuyết xã hội Công giáo cho thấy mối tương quan giữa học thuyết này và công cuộc tân Phúc Âm hoá6 quả là một việc làm hết sức bổ ích. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, khi đứng ra soạn thảo tài liệu này và chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu, đã tiến hành công việc bằng cách tham khảo rộng rãi các thành viên và các vị cố vấn của Hội đồng, cũng như các thánh bộ khác của giáo triều Roma, các hội đồng giám mục các nước, các cá nhân giám mục và các chuyên viên liên quan đến những vấn đề được đề cập đến trong tài liệu.

 

8. Tập tài liệu này muốn giới thiệu một cách đầy đủ và hệ thống, dù chỉ là lược qua, học thuyết xã hội của Giáo Hội. Đây là kết quả suy tư thận trọng của Huấn Quyền và là biểu hiện sự dấn thân bền bỉ của Giáo Hội muốn trung thành với ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại và muốn quan tâm lo lắng cho vận mệnh của nhân loại. Thế nên, tất cả những suy tư sâu sắc nhất về thần học, triết học, luân lý, văn hoá và mục vụ trong học thuyết này đều được giới thiệu một cách hệ thống, khi chúng liên quan đến các vấn đề xã hội. Bằng cách đó, chúng ta minh chứng cho mọi người thấy sẽ rất có kết quả khi để cho các vấn đề mà loài người đang phải đối mặt trong cuộc hành trình của mình qua dòng lịch sử được tiếp cận Tin Mừng. Khi học hỏi tập tài liệu toát yếu này, cần nhớ rằng các bản văn trích dẫn của Huấn Quyền, được lấy ra từ các văn kiện thuộc nhiều thẩm quyền khác nhau. Bên cạnh các văn kiện của công đồng và các thông điệp còn có các bài diễn văn của đức giáo hoàng và các tài liệu do các bộ của Toà Thánh soạn thảo. Và như chúng ta đã biết, nhưng cũng cần nhắc lại, độc giả nên lưu ý mỗi tài liệu có thẩm quyền giáo huấn khác nhau. Tập tài liệu này chỉ muốn đưa ra các yếu tố căn bản của học thuyết xã hội Công giáo, và để các hội đồng giám mục tuỳ theo tình hình địa phương mà đưa ra những áp dụng thích hợp7.

 

9. Tập tài liệu này cho chúng ta có một cái nhìn tổng lược nhưng đầy đủ về những khuôn khổ căn bản của toàn bộ giáo huấn xã hội Công giáo. Nhờ cái nhìn tổng lược ấy, chúng ta có thể tiếp cận các vấn đề xã hội hiện nay một cách thích đáng, nhưng phải nhìn các vấn đề ấy như một đơn vị thống nhất vì đặc điểm của các vấn đề ấy hiện nay là càng ngày chúng càng có liên hệ với nhau, ảnh hưởng đến nhau và càng ngày càng trở thành mối quan tâm của toàn thể gia đình nhân loại. Tập tài liệu trình bày giáo huấn xã hội của Giáo Hội này muốn giới thiệu một cách tiếp cận có hệ thống để tìm ra giải pháp cho các vấn đề, hầu mọi phân định, phán đoán và quyết định của chúng ta đều phù hợp với thực tế, cũng như sự liên đới và hy vọng của chúng ta sẽ có tác dụng lớn hơn trên các tình thế phức tạp hiện nay. Thật vậy, các nguyên tắc trong học thuyết xã hội Công giáo đều có liên quan với nhau, nguyên tắc này soi sáng cho nguyên tắc kia, bao lâu chúng còn phản ánh quan điểm Kitô giáo về nhân (loại) học 8, và cũng là những kết quả rút ra được từ mạc khải của Thiên Chúa về tình yêu của Ngài đối với con người. Tuy nhiên, không được quên rằng thời gian trôi qua và các hoàn cảnh xã hội đổi thay buộc chúng ta phải cập nhật liên tục các suy tư của chúng ta về các vấn đề được nêu ra ở đây, để chúng ta có thể giải thích đúng đắn các dấu chỉ mới của thời đại.

 

10. Tập tài liệu này được coi là một công cụ giúp chúng ta phân định về mặt luân lý và mục vụ các biến cố phức tạp đang ghi dấu trên thời đại hôm nay; cũng có thể coi tập tài liệu này như một kim chỉ nam giúp cá nhân cũng như tập thể có những thái độ và lựa chọn để mọi người có thể nhìn về tương lai một cách tin tưởng và hy vọng nhiều hơn; cũng có thể coi tập tài liệu này như một sự hỗ trợ người tín hữu muốn hiểu biết giáo huấn của Giáo Hội về luân lý xã hội. Từ đó, có thể đưa ra những đối sách mới đáp ứng các yêu cầu của thời đại, bắt kịp các nhu cầu và các năng lực của con người. Nhưng trên hết, tập tài liệu này còn muốn tạo nên động lực thúc đẩy việc khám phá lại ơn gọi của các đoàn sủng khác nhau trong Giáo Hội, nhằm phục vụ công cuộc Phúc Âm hoá trật tự xã hội, vì “mọi thành phần trong Giáo Hội đều tham dự vào chiều kích trần thế này”9. Tóm lại, tập tài liệu này nhằm mục đích thúc đẩy cuộc đối thoại với bất cứ ai chân thành mong muốn điều tốt đẹp cho nhân loại.

 

11. Tập tài liệu nhắm trước tiên đến các giám mục, là những vị sẽ quyết định dùng những phương pháp nào thích hợp nhất để phổ biến và giải thích tài liệu một cách đúng đắn. Thật vậy, trong nhiệm vụ giảng dạy (munus docendi), các giám mục có bổn phận phải dạy rằng “các thực tại trần thế và các tổ chức nhân loại đã được sắp đặt để cứu độ con người, theo như kế hoạch của Thiên Chúa Tạo Hoá, và vì thế, tất cả các thực tại và các tổ chức ấy có thể đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô”10. Các linh mục, các nam nữ tu sĩ, và nói chung, tất cả những người có trách nhiệm đào tạo đều sẽ tìm thấy ở đây kim chỉ nam cho công tác giảng dạy và công cụ cho việc làm mục vụ của mình. Các tín hữu giáo dân – những người tìm kiếm Nước Trời “bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và hướng dẫn chúng theo ý muốn của Thiên Chúa”11 – sẽ tìm ra trong tập tài liệu này ánh sáng giúp mình thấy rõ sứ mạng riêng biệt của mình. Các cộng đồng Kitô hữu cũng có thể dựa vào tập tài liệu này để phân tích các hoàn cảnh cách khách quan, làm sáng tỏ các hoàn cảnh ấy dựa vào những lời bất di bất dịch của Tin Mừng, hay rút ra những nguyên tắc để suy nghĩ, những tiêu chuẩn để phê phán và những đường hướng để hành động12.

 

12. Tập tài liệu này cũng được gửi tới anh chị em thuộc các Giáo hội và các Cộng đồng Giáo hội khác, gửi tới các tín đồ của các tôn giáo, cũng như tất cả những người thiện chí đang dấn thân phục vụ công ích: ước chi họ tiếp nhận tập tài liệu này như kết quả của một kinh nghiệm phổ quát của con người, được ghi dấu bằng vô số các dấu hiệu cho biết Thánh Thần Thiên Chúa đang hiện diện. Đó là một kho tàng gồm cả điều cũ lẫn điều mới (x. Mt 13,52) mà Giáo Hội muốn san sẻ trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, vì từ nơi Thiên Chúa sẽ tuôn đổ “mọi ơn lành và mọi phúc lộc tuyệt hảo” (Gc 1,17). Quả là một dấu hiệu đáng hy vọng khi các tôn giáo và các nền văn hoá hiện nay tỏ ra rất sẵn sàng đối thoại và đang cảm thấy nhu cầu cấp bách phải hợp lực để đẩy mạnh công lý, tình huynh đệ, hoà bình và sự phát triển của con người.

          Giáo hội Công giáo liên kết nỗ lực của mình với nỗ lực của các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác trong lĩnh vực xã hội, bất kể về mặt lý thuyết hay về mặt thực hành. Cùng với họ, Giáo hội Công giáo tin rằng người ta có thể rút tỉa từ kho tàng chung là các giáo huấn xã hội, đã được truyền thống sống động của dân Chúa lưu giữ, những động lực và những định hướng giúp mọi người cộng tác với nhau chặt chẽ hơn để xúc tiến công lý và hoà bình13.

 

c. Để phục vụ sự thật toàn vẹn về con người

 

13. Tập tài liệu này là một cách Giáo Hội phục vụ con người trong thời đại hôm nay; Giáo Hội để lại cho họ di sản là học thuyết xã hội của mình, cũng theo phương cách đối thoại mà chính Thiên Chúa đã làm khi “ngỏ lời với mọi người như với bạn hữu mình (x. Xh 33,11; Ga 15,14-15) và đi lại giữa mọi người” (x. Br 3,38), qua Con Một đã làm người của mình”14. Cảm hứng từ Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, tập tài liệu này cũng lấy “con người duy nhất và toàn diện với thể xác và linh hồn, với tình cảm và lương tâm, với lý trí và ý chí”15 làm then chốt cho toàn thể phần trình bày. Trong viễn tượng ấy, Giáo Hội “không vì một tham vọng trần thế nào, chỉ theo đuổi một mục tiêu duy nhất là xúc tiến công việc của Đức Kitô dưới sự hướng dẫn thân tình của Chúa Thánh Thần. Vì Đức Kitô đã đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật, để cứu độ chứ không phải để lên án, để phục vụ chứ không để được người ta phục vụ16.

 

14. Thông qua tập tài liệu này, Giáo Hội muốn đóng góp phần sự thật của mình để trả lời cho vấn đề con người chiếm vị trí nào trong thiên nhiên và trong xã hội con người, một vấn đề mà các nền văn minh và văn hoá đang phải đối mặt khi chúng biểu hiện cho sự khôn ngoan của con người. Bắt nguồn từ một quá khứ đã có hàng ngàn năm và được biểu hiện qua những hình thức như tôn giáo, triết học và thi ca, theo từng thời đại và từng dân tộc, các nền văn minh và văn hoá ấy đưa ra cách lý giải riêng của mình về vũ trụ và xã hội con người, cũng tìm cách hiểu thế nào là hiện hữu và mầu nhiệm hiện hữu. Tôi là ai? Tại sao lại có đau khổ, sự dữ, chết chóc bất chấp mọi tiến bộ đã thực hiện được? Những thành quả con người đã đạt được có còn giá trị gì, khi con người phải trả một cái giá đắt tới mức không thể chịu nổi? Còn gì nữa sau cuộc đời này? Đó là những vấn nạn căn bản luôn xuất hiện trong cuộc đời con người17. Về điểm này, chúng ta có thể nhớ lại lời nhắn nhủ “Hãy tự biết lấy mình”, được khắc trên cổng đền ở Delphi, lời đó xác nhận một sự thật căn bản là con người được mời gọi tách riêng ra khỏi các thụ tạo khác, con người chỉ thật sự là con người do tự bản chất con người luôn hướng tới việc tìm biết chính mình.

 

15. Đời sống con người, xã hội và lịch sử sẽ đi theo hướng nào tuỳ thuộc rất nhiều vào những câu trả lời mà chúng ta tìm được cho những câu hỏi về vị trí của con người trong thiên nhiên và xã hội. Mục đích của tập tài liệu này cũng là để góp phần đưa ra những câu trả lời ấy. Thật vậy, ý nghĩa sâu xa nhất của cuộc sống con người được lộ ra khi con người tự do tìm kiếm sự thật nào có thể định hướng và đem lại sự sung mãn cho cuộc sống. Những vấn nạn đã nhắc tới trên đây là những vấn nạn không ngừng thu hút lý trí và ý muốn của con người dấn thân vào công cuộc tìm kiếm ấy. Những vấn nạn ấy cũng chính là sự biểu hiện cao cả nhất của bản tính con người, vì chúng đòi con người phải đáp trả sâu xa tới mức bắt mỗi cá nhân phải dấn thân bằng cả cuộc sống của mình. Ngoài ra, ở đây, chúng ta cũng đụng phải những vấn đề chủ yếu mang tính tôn giáo: “Khi tra cứu ‘nguyên nhân của sự vật’, đồng thời muốn tìm kiếm câu trả lời cuối cùng và trọn vẹn nhất, lý trí con người sẽ đi tới tột đỉnh và mở ra với thế giới của tôn giáo… Tính tôn giáo chính là biểu hiện thanh cao nhất của con người vì đó chính là cao điểm của một bản tính có lý trí. Tính tôn giáo xuất phát từ khát vọng sâu xa của con người – khát vọng tìm kiếm sự thật – nhưng tính tôn giáo cũng là nền tảng cho việc tìm kiếm thế giới thần linh cách tự do và riêng tư18.

 

16. Những vấn đề căn bản đi theo con người trong suốt cuộc hành trình ngay từ lúc khởi đầu đến nay còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa, vì thời đại chúng ta ngày nay phải đương đầu với những thách đố lớn lao, các tình huống mới mẻ và các quyết định quan trọng khi đối diện với các thế hệ mới.

          Thách đố đầu tiên trong những thách đố lớn lao đang đặt ra cho con người hôm nay là chính sự thật về hữu thể được gọi là con người. Ranh giới và tương quan giữa thiên nhiên, công nghệ và luân lý là những vấn đề buộc cá nhân và tập thể phải chịu trách nhiệm về thái độ của mình đối với câu trả lời: con người là gì, con người có thể làm được những gì và con người phải như thế nào? Thách đố thứ hai là làm sao hiểu được và xử lý sự đa nguyên và sự khác biệt ở mọi cấp độ: đa nguyên và khác nhau trong các cách suy nghĩ, trong các lựa chọn luân lý, trong văn hoá, trong sự liên kết tôn giáo, trong triết lý về sự phát triển con người và xã hội. Thách đố thứ ba là việc toàn cầu hoá, một sự kiện có ý nghĩa rộng lớn và sâu xa hơn nhiều chứ không chỉ đơn giản là kinh tế được toàn cầu hoá, vì lịch sử đang chứng kiến một kỷ nguyên mới vừa khai mạc, có liên quan đến vận mệnh của loài người.

 

17. Các môn đệ của Đức Giêsu Kitô cảm thấy mình cũng đang bị cuốn hút vào những vấn nạn ấy; họ cũng cưu mang những vấn nạn ấy trong tâm hồn và cũng muốn cùng với mọi người dấn thân tìm kiếm sự thật và ý nghĩa của cuộc đời – để sống cuộc đời ấy như những cá nhân và như thành phần của xã hội. Các môn đệ của Đức Giêsu Kitô góp phần vào công cuộc tìm kiếm ấy bằng cách quảng đại làm chứng cho ân huệ đặc biệt mà Thiên Chúa đã tặng không cho loài người: đó là Thiên Chúa đã nói Lời của Ngài cho con người suốt dòng lịch sử; bản thân Ngài đã bước vào lịch sử để đối thoại với loài người và để mạc khải cho loài người biết kế hoạch cứu độ, sự công bằng và tình huynh đệ. Trong Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và chỉ cho chúng ta thấy con đường mình phải đi và đích điểm mình phải phấn đấu đạt tới.

 

d. Trong dấu hiệu của liên đới, tôn trọng và yêu thương

 

18. Giáo Hội lữ hành qua các nẻo đường lịch sử cùng với toàn thể nhân loại. Giáo Hội sống trong thế giới, và dù không thuộc về thế giới (x. Ga 17,14-16), Giáo Hội cũng được mời gọi phục vụ thế giới theo ơn gọi sâu xa của mình. Thái độ này – cũng được nhắc đến trong tập tài liệu đây – là thái độ được xây dựng trên sự xác tín rằng: Việc thế giới nhìn nhận Giáo Hội như một thực tế lịch sử và như men trong lịch sử quan trọng thế nào đối với thế giới thì việc công nhận những gì Giáo Hội thu nhận được từ lịch sử và từ công cuộc phát triển nhân loại cũng quan trọng như thế đối với Giáo Hội19. Công đồng Vatican II đã chứng minh một cách hùng hồn về sự liên đới, tôn trọng và ưu ái của mình đối với toàn thể gia đình nhân loại bằng cách tham gia đối thoại với nhân loại về nhiều vấn đề, “đem lại ánh sáng được thắp lên từ Tin Mừng và trao phó cho loài người những nguồn mạch cứu độ mà Giáo Hội đã nhận được từ tay Đấng Sáng Lập, dưới sự thôi thúc của Thánh Thần. Chính con người mới là đối tượng cần được cứu độ, chính xã hội con người mới là đối tượng cần được đổi mới”20.

 

19. Là dấu chỉ trong lịch sử về tình thương của Thiên Chúa đối với con người và về ơn gọi của toàn thể nhân loại, hướng đến sự hợp nhất với nhau như con cái cùng một Cha21, Giáo Hội mong muốn qua tập tài liệu về học thuyết xã hội này đề nghị với mọi người một nền nhân bản phù hợp với những tiêu chuẩn trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trong lịch sử, một nền nhân bản toàn diện và liên đới có thể tạo ra một trật tự xã hội, kinh tế và chính trị mới, đặt nền tảng trên phẩm giá và tự do của mỗi con người; trật tự ấy phải được khai sinh trong hoà bình, công lý và liên đới. Nền nhân bản này có thể trở thành sự thật nếu mỗi cá nhân và mỗi cộng đoàn biết vun trồng các đức tính luân lý và xã hội nơi bản thân mình và phổ biến chúng trong xã hội. “Như vậy, với sự trợ giúp cần thiết của ân huệ Chúa, một thế hệ mới gồm những con người mới sẽ được khai sinh, làm khuôn mẫu cho một nhân loại mới”22.

 



1  X. Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, 1: AAS 93 (2001), 266.

2  Gioan Phaolô II, Thông đip Redemptor Missio, 11: AAS 83 (1991), 260.

3  Giáo lý Giáo hi Công giáo, 2419.

4 Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, 50-51: AAS 93 (2001), 303-304.

5 Gioan Phaolô II, Thông đip Sollicitudo Rei Socialis, 41: AAS 80 (1988), 571-572.

6  X. Gioan Phaolô II, Tông hun hu Thượng Hi đồng Ecclesia in America, 54: AAS 91 (1999), 790.

7  X. Gioan Phaolô II, Tông hun hu Thượng Hi đồng Ecclesia in America, 54: AAS 91 (1999), 790; Giáo lý Giáo hi Công giáo, 24.

8  X. Gioan Phaolô II, Thông đip Centesimus Annus, 55: AAS 83 (1991), 860.

9  Gioan Phaolô II, Tông hun hu Thượng Hi đồng Christifideles Laici, 15: AAS 81 (1989), 414.

10  CĐ. Vatican II, Sc lnh Christus Dominus, 12: AAS 58 (1966), 678.

11  CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 31: AAS 57 (1965), 37.

12  X. Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 4: AAS 63 (1971), 403.

13  X. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mc vu Gaudium et Spes, 92: AAS 58 (1966), 1113-14.

14  CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, 2: AAS 58 (1966), 818.

15  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mc v Gaudium et Spes, 3: AAS 58 (1966), 1026.

16  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mc vu Gaudium et Spes, 3: AAS 58 (1966), 1027.

17  X. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mc vu Gaudium et Spes, 10: AAS 58 (1966), 1032.

18 Gioan Phaolô II, Din văn ti bui triu yết chung, ngày 19-10-1983, s 2: L’Osservatore Romano, bn Anh ng, 24-10-1983, tr. 9.

19  X. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mc v Gaudium et Spes, 44: AAS 58 (1966), 1064.

20  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mc v Gaudium et Spes, 3: AAS 58 (1966), 1026.

21  CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 1: AAS 57 (1965), 5.

22  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mc v Gaudium et Spes, 30: AAS 58 (1966), 1050.