Lời nói đầu cuốn Tóm lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo

Cuốn Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo là công trình tập thể của Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhằm giới thiệu cho đồng bào Công giáo và không Công giáo những nguyên tắc nền tảng và đường hướng hoạt động của Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực xã hội.

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo là công trình tập thể của Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhằm giới thiệu cho đồng bào Công giáo và không Công giáo những nguyên tắc nền tảng và đường hướng hoạt động của Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực xã hội.

Để đạt được mục đích này, chúng tôi in nội dung cuốn sách thành hai ấn bản. Một ấn bản “Phổ thông” dành cho quảng đại độc giả và một ấn bản tạm gọi là “Chuyên môn”, có thêm phần tra cứu, dành cho những độc giả nào muốn tham khảo, đối chiếu chi tiết về nội dung Học thuyết Xã hội Công giáo. Nội dung ấn bản Phổ thông là các phần chính văn gồm Nhập đề và 12 chương sách, kèm thêm 1232 số chú thích của bản gốc Anh ngữ. Ấn bản Chuyên môn gồm tất cả nội dung của ấn bản Phổ thông cộng thêm các phần: Mục lục tham khảo về Kinh Thánh và các Văn kiện như Công đồng Vatican II, các Thông điệp, Tông thư, Tông huấn, Sứ điệp của các giáo hoàng, các Huấn thị của các Bộ, Hội đồng Giáo hoàng và các Văn kiện khác; và phần Mục lục phân tích chủ đề.

Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng cuốn sách này dù đã dài vài trăm trang nhưng chỉ vẫn là bản tóm lược, nghĩa là mới chỉ nêu lên những điểm chính và quan trọng nhất trong Học thuyết Xã hội Công giáo, để quý độc giả có một cái nhìn tổng thể chứ chưa phải là bản trình bày đầy đủ toàn bộ học thuyết. Hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ có bộ sách trọn vẹn này.

Cũng vì mục đích muốn phổ biến cuốn sách cho quảng đại độc giả Việt Nam trong và ngoài Công giáo, cũng như để giúp cho độc giả dễ tiếp thu một bản văn tương đối khô khan và có tính chuyên đề, ngoài việc cố gắng dùng các từ ngữ phổ thông – không quá chuyên môn cũng không quá riêng biệt của Công giáo, ngoại trừ một số từ ngữ chưa có trong cuốn từ điển hiện nay – chúng tôi còn đưa vào một số hình ảnh minh hoạ, vừa để làm vui mắt độc giả vừa để tạo chất liệu cho các độc giả suy nghĩ thêm theo từng chủ đề. Các hình ảnh này đều ghi xuất xứ. Chúng tôi xin cám ơn các tác giả ảnh đã cho phép chúng tôi được sử dụng những hình ảnh trong cuốn sách hoàn toàn mang tính xây dựng nhân bản và vô vị lợi này.

Trong quá trình thực hiện cuốn sách, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của Thầy Trần Bá Nguyệt và tập thể bè bạn đã chuẩn bị cho phần dịch thuật sơ khởi như: Quý Thầy Lê Mạnh Hà, Nguyễn Văn Khi, Phan Năng Huân, Hà Kim Phước, Nguyễn Hoàng Quy, thuộc Trường Đại học Nông Lâm, TP. HCM, Thầy Phạm Hữu Giáo thuộc trường Đại học Khoa học và Xã hội Nhân Văn, TP. HCM, Thầy Từ Việt Hùng thuộc Trường Đại học Bách Khoa, TP. HCM, Bác sĩ Đỗ Thông, Lm. Trần Đình Long, thuộc dòng Thánh Thể, Ông Nguyễn Chính Kết, Ông Lê Hùng Sơn và nhiều anh chị em tín hữu trong các ngành chuyên môn. Chúng tôi chân thành cảm tạ sự đóng góp quý báu của tất cả anh chị em cho tập sách này.

Chúng tôi cũng hết lòng cám ơn Nhà Xuất bản Tôn Giáo, các cơ quan ban ngành đã tận tình giúp đỡ và tạo thuận lợi cho chúng tôi xuất bản cuốn sách này. Hành động nhiệt tình này nói lên sự cởi mở và quan tâm của những người đang nắm quyền hành của đất nước để cùng cộng tác với mọi người trong việc phục vụ công ích của quốc gia và toàn thể gia đình nhân loại.

Trong quá trình dịch thuật và thực hiện cuốn sách này, chắc chắn không thể tránh khỏi những sai sót ngoài ý muốn. Chúng tôi rất mong quý độc giả thông cảm và tích cực góp ý để cuốn sách được hoàn chỉnh hơn trong những lần tái bản sau này.

Sau cùng, xin quý độc giả cùng chúng tôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã cho chúng ta được gặp gỡ nhau và gặp gỡ Ngài qua cuốn sách này. Kính chúc quý độc giả an mạnh và tràn đầy ơn Chúa để chúng ta cùng nhau xây dựng một nền văn hoá sự sống và một nền văn minh tình yêu cho xã hội loài người.

 

Thay mặt Ban Dịch thuật và Thực hiện

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn