Mùa Chay mời gọi chúng ta đi theo Đức Kitô trên con đường khiêm nhường, để thông phần vào cuộc chiến thắng của Người trên tội lỗi và cái chết
“Lạy Chúa, Chúa một niềm thương xót mọi loài, không ghét bỏ vật nào Chúa đã dựng nên; tội lỗi loài người, Chúa nhắm mắt làm ngơ, để chúng con ăn năn hối cải. Chúa rộng lòng ban ơn tha thứ, vì Ngài là Thiên Chúa, là Chúa của chúng con”.
Mùa Chay mời gọi chúng ta đi theo Đức Kitô trên con đường khiêm nhường, để thông phần vào cuộc chiến thắng của Người trên tội lỗi và cái chết
Thánh lễ làm phép và xức tro – Kiệu thống hối từ Nhà thờ Thánh Anselme đến Vương cung Thánh đường – Thánh nữ Sabine trên đồi Aventin – Thứ Tư Lễ Tro, 17/2/2010
“Lạy Chúa, Chúa một niềm thương xót mọi loài, không ghét bỏ vật nào Chúa đã dựng nên; tội lỗi loài người, Chúa nhắm mắt làm ngơ, để chúng con ăn năn hối cải. Chúa rộng lòng ban ơn tha thứ, vì Ngài là Thiên Chúa, là Chúa của chúng con”. (Ca nhập lễ)
Chư huynh đáng kính trong Giám mục đoàn, Anh chị em thân mến!
Phụng vụ đã bắt đầu buổi cử hành Bí tích Tạ Ơn ngày thứ Tư Lễ Tro bằng những lời kêu xin thực cảm động trên đây, được trích từ Sách Khôn ngoan (x. 11,23-26). Một cách nào đó, những lời kêu cầu này đã mở ra một con đường Mùa Chay. và đặt làm nền tảng cho Mùa Chay là tình yêu toàn năng của Thiên Chúa, quyền chủ tể tuyệt đối của Người trên mọi thụ tạo, được diễn đạt thành một tình yêu khoan dung vô biên, và một ý muốn cho mọi người luôn được sống. Trong thực tế, tha thứ cho một ai đó, có nghĩa là nói với họ: tôi không muốn cho bạn phải chết, nhưng muốn cho bạn được sống; tôi luôn muốn và chỉ muốn lợi ích cho bạn.
Niềm xác tín tuyệt đối này đã nâng đỡ Đức Giêsu ròng rã bốn mươi đêm ngày trong hoang địa Giuđê, sau khi được Gioan làm Phép rửa trên sông Giođan. Thời gian dài thinh lặng và chay tịnh này đối với Đức Giêsu là một sự phó thác hoàn toàn cho Chúa Cha và kế hoạch tình yêu của Người; đó là một “phép rửa”, nghĩa là “dìm mình” trong Thánh ý Thiên Chúa, và theo nghĩa này, là nếm trước cuộc Thương khó và Thánh giá. Tiến sâu vào hoang địa và một mình ở lại trong hoang địa lâu ngày có nghĩa là tự ý đương đầu với những đợt tấn công của kẻ thù, tên cám dỗ đã làm cho Ađam phải sa ngã, và do ghen tị mà cái chết đã đi vào trong thế gian (x. Kn 2,24); điều này có nghĩa là khai chiến với tên cám dỗ, và không có khí giới nào khác ngoài lòng tin vô biên vào tình yêu toàn năng của Chúa Cha. Tình yêu của Cha đã đủ cho con, và lương thực của con là thi hành thánh ý Cha (x. Ga 4,34): lời xác tín này vẫn luôn hiện diện trong lòng Đức Giêsu ròng rã suốt “Mùa Chay” của Người. Đây không phải là một thái độ kiêu căng, một việc làm to tát, mà là một chọn lựa khiêm nhường, tương hợp với mầu nhiệm Nhập thể và Phép rửa tại sông Giođan, trong cùng một con đường vâng lời tình yêu nhân hậu của Chúa Cha, Đấng “đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một mình” (Ga 3,16).
Tất cả những điều đó, Chúa Giêsu đã làm vì chúng ta. Người đã làm để cứu thoát chúng ta, và đồng thời, để chỉ cho chúng ta thấy con đường để bước theo Người. Vì chưng ơn cứu độ là món quà tặng ban, ơn cứu độ là ân sủng của Thiên Chúa, nhưng để cho ơn Chúa có thể tác động trong cuộc đời tôi, thì Chúa đòi tôi phải ưng thuận, và đón nhận ơn Chúa ban được chứng tỏ qua hành động, nghĩa là muốn sống như Đức Giêsu, muốn bước đi theo Người. Như thế, đi theo Đức Giêsu trong sa mạc Mùa Chay là điều kiện cần thiết để được sống lại với Đức Kitô, để được “xuất hành” với Người. Ađam bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng là biểu tượng của sự hiệp thông với Thiên Chúa; do đó, để tìm lại sự hiệp thông này, và trở về với sự sống thực, sự sống vĩnh cửu, thì giờ đây ta phải băng qua sa mạc là thử thách của đức tin. Không phải đơn thương độc mã, mà là cùng với Đức Giêsu! Người vẫn luôn đi trước chúng ta và Người đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tà thần. Đó là ý nghĩa của Mùa Chay, là thời gian phụng vụ kêu mời chúng ta hàng năm canh tân việc chọn lựa đi theo Đức Kitô trên con đường khiêm nhường, để thông phần vào cuộc khải hoàn của Người trên tội lỗi và cái chết.
Trong viễn tượng này, ta cũng hiểu được dấu hiệu thống hối của nhúm tro được xức lên đầu những ai bắt đầu con đường Mùa Chay với một ý chí cương quyết. Đây thực sự là một cử chỉ khiêm nhường có ý nghĩa: tôi nhìn nhận tất cả những gì là của tôi, một thụ tạo mỏng manh, được làm từ bụi đất và sẽ trở về bụi đất, nhưng cũng được dựng nên theo hình ảnh Chúa và được dành cho Ngài. Bụi đất, vâng, nhưng lại được yêu mến, được tình yêu của Thiên Chúa nhào nặn, được sinh động bởi hơi thở sự sống thần linh, có khả năng nhận ra tiếng nói của Chúa và đáp lại tiếng Ngài; tự do, và vì thế, cũng có thể bất tuân lệnh Người, khi chiều theo cơn cám dỗ kiêu ngạo và tự xem là mình đã đầy đủ. Tội là như thế đó, là cơn bệnh chết người đã từ lâu xâm nhập làm ô nhiễm mảnh đất là hữu thể nhân văn được Chúa chúc phúc. Được tạo dựng theo hình ảnh của Đấng Thánh và Đấng Công Chính, con người đã đánh mất đi sự vô tội của mình, và bây giờ, con người chỉ có thể được tái công chính hoá nhờ sự công chính của Thiên Chúa, sự công chính của tình yêu - như Thánh Phaolô viết -, “được biểu lộ qua lòng tin vào Đức Kitô” (Rm 3,22). Qua những lời nói trên đây của Thánh Tông đồ, tôi đã rút ra được phần cốt lõi cho Sứ điệp gửi cho mọi tín hữu nhân dịp Mùa Chay năm nay: một suy tư về chủ đề công chính hoá dưới ánh sáng của Lời Chúa được ứng nghiệm trong Đức Kitô.
Trong các bài đọc Sách Thánh trong ngày Thứ Tư lễ Tro, ta cũng thấy rõ chủ đề về sự công chính. Trước tiên, trang sách Tiên tri Gioen và bài Thánh vịnh đáp ca – Miserere – tạo nên một bức hoạ thống hối với hai mặt tranh. Bức hoạ này làm nổi bật cái mà Sách Thánh gọi là “điều bất chính”, nghĩa là tội lỗi, chủ yếu ở việc bất tuân lệnh Chúa, và cũng có nghĩa là thiếu vắng tình yêu, được xem là nguồn gốc của mọi bất công hữu hình và xã hội. Tác giả Thánh vịnh đã thú nhận “Vâng, con biết tội mình đã phạm, / tội con luôn ở trước mặt con. / Chống lại Chúa, và chống lại một mình Ngài, con đã phạm tội, / dám làm điều dữ trước mắt Ngài” (Tv 50/51,5-6). Như thế, hành động công chính trước tiên là nhận biết điều bất chính mình đã làm, và nhìn nhận nó đã ăn sâu trong “lòng”, vào tận nơi sâu thẳm nhất của con người. “Chay tịnh”, “khóc lóc”, “than van” (x. Ge 2,12) và bất cứ cách biểu lộ lòng thống hối nào cũng chỉ có giá trị trước mặt Thiên Chúa, nếu chúng là dấu hiệu của những tâm hồn chân thành thống hối. Bài Tin Mừng cũng thế, được trích dẫn từ “diễn từ trên núi”, nhấn mạnh đến việc đòi buộc ta phải thực thi “công chính” – bố thí, kinh nguyện, chay tịnh – không phải để cho mọi người thấy, nhưng chỉ cần làm dưới cái nhìn của Thiên Chúa là Đấng “nhìn thấy trong nơi bí ẩn” (x. Mt 6,1-6.16-18). “Phần thưởng” thực sự không phải là được người khác thán phục, mà được làm bạn với Thiên Chúa và từ tình bạn này, nhận được ơn bình an và sức mạnh để làm điều thiện, để yêu ngay cả những ai không đáng được chúng ta yêu thương, để tha thứ cho những ai xúc phạm chúng ta.
Qua bài đọc II, Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta giao hoà với Thiên Chúa (x. 2Cr 5,20). Bài đọc này chứa đựng một trong những nghịch lý nổi tiếng của Phaolô, nghịch lý giúp chúng ta suy nghĩ về sự công chính trong mầu nhiệm Đức Kitô. Thánh Phaolô viết: “Đấng chẳng hề biết đến tội lỗi – nghĩa là Con Thiên Chúa làm người –, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta trở nên công chính trong Thiên Chúa” (2Cr 5,21). Trong quả tim của Đức Kitô, hay nói cách khác, trong thâm tâm của Ngôi vị thần linh và nhân loại của Đức Kitô, toàn bộ thảm kịch tự do đã được diễn ra qua những giới hạn mang tính quyết định và chung cục. Thiên Chúa đã đưa kế hoạch cứu độ của Người đến những hệ quả tột cùng, và Người vẫn trung thành với tình yêu của mình dầu phải hy sinh Con Một mình phải chết và chết trên Thập giá. Như tôi đã viết trong Sứ điệp Mùa Chay, “nơi đây, công lý của Thiên Chúa được biểu lộ một cách hoàn toàn khác xa với công lý của con người (…). Nhờ hành động của Đức Kitô, chúng ta có thể bước vào trong một công lý «lớn lao hơn», công lý của tình yêu (x. Rm 13,8-10).
Anh chị em thân mến, Mùa Chay mở rộng chân trời của chúng ta, Mùa Chay hướng chúng ta về sự sống vĩnh cửu. Trên trần gian này, chúng ta đang trên đường lữ thứ, “bởi vì thành đô của chúng ta ở đời tạm này không phải là sau cùng: chúng ta đang mong đợi thành đô tương lai”, Thư gửi tín hữu Do Thái đã nói lên như thế (Dt 13,14). Mùa Chay giúp chúng ta hiểu được đặc tính tương đối của của cải trên trần gian này, và như thế, làm cho chúng ta có khả năng hy sinh khi cần, và giải phóng chúng ta để làm điều thiện. Chúng ta hãy mở rộng địa cầu đón nhận ánh sáng của Trời cao, đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Amen.