Sứ mệnh của Đức Kitô và của Giáo Hội là rao giảng và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền

Giáo Hội, được Chúa giao phó cho bổn phận kéo dài sứ mệnh của Đức Kitô trong không gian và thời gian, không thể không chu toàn hai công việc thiết yếu này: loan báo Tin Mừng và chăm sóc các bệnh nhân trên thân xác cũng như trong tâm hồn.

 Sứ mệnh của Đức Kitô và của Giáo Hội là rao giảng và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền

Ngày Thế giới Bệnh nhân lần 18Vương cung Thánh đường Vatican – Thứ Năm, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, 11/2/2010

Kính thưa các Đức Hồng y,
Chư huynh đáng kính trong Giám mục đoàn,
Anh chị em thân mến!

Các Phúc Âm, qua những mô tả tổng hợp về cuộc đời công khai ngắn ngủi nhưng rất phong phú của Đức Giêsu, đều chứng thực rằng Người loan báo Lời Chúa và chữa bệnh, là dấu chỉ tuyệt vời nói lên Nước Chúa đã gần kề, ví dụ Matthêu viết: “Người rong ruổi khắp vùng Galilêa, giảng dạy trong các hội đường, công bố Tin Mừng Nước Chúa và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4,23; x. 9,35). Giáo Hội, được Chúa giao phó cho bổn phận kéo dài sứ mệnh của Đức Kitô trong không gian và thời gian, không thể không chu toàn hai công việc thiết yếu này: loan báo Tin Mừng và chăm sóc các bệnh nhân trên thân xác cũng như trong tâm hồn. Quả thực, Thiên Chúa muốn chữa lành mọi người, và trong Phúc Âm, sự chữa lành thân xác là dấu chỉ sự chữa lành sâu xa nhất, đó là sự tha thứ tội lỗi (x. Mc 2,1-12). Như thế, thực chẳng lạ gì khi Đức Maria, là Mẹ và là mẫu gương của Giáo Hội, được kêu cầu và tôn kính như “Salus infirmorum”, “Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn”. Với tư cách là môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Con Mẹ, khi đồng hành với Giáo Hội, Mẹ đã luôn luôn biểu lộ một sự ân cần đặc biệt đối với những người đau khổ. Chính đó là điều mà hàng ngàn người đã đi đến những đền Thánh Mẫu để kêu cầu Mẹ Chúa Kitô, và họ đã tìm thấy nơi Mẹ sức mạnh và an ủi. Trình thuật Tin Mừng về biến cố Đức Mẹ đi thăm chị họ (x. Lc 1,39-56) chỉ cho ta thấy rằng Đức Trinh Nữ Maria, sau biến cố Truyền tin, không hề giữ riêng cho mình hồng ân đã nhận lãnh, nhưng lập tức ra đi giúp đỡ người chị họ cao niên của mình là bà Elizabeth đã cưu mang Gioan trong dạ được sáu tháng trời. Toàn bộ hoạt động của Giáo Hội trong việc nâng đỡ sự sống cần được chăm sóc đã được tiên báo qua việc Đức Maria nâng đỡ người chị họ đang phải trải qua một tình cảnh tế nhị như cảnh mang thai trong lúc tuổi già.

Hội đồng Giáo hoàng về mục vụ cho các Nhân viên y tế, được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đáng kính thiết lập cách đây 25 năm, dĩ nhiên muốn nói lên sự ân cần này. Tôi đặc biệt nghĩ đến Đức Hồng y Fiorenzo Angelini, là vị Chủ tịch đầu tiên của bộ phận điều hành trung ương này, và từ lâu người đã hăng say thúc đẩy môi trường hoạt động này của Giáo Hội; và kế đến tôi nghĩ đến Đức Hồng y Javier Lozano Barragán người đã tiếp tục và phát triển dịch vụ này cách đây vài tháng nay. Tôi cũng xin gửi lời chào thân tình nhất đến vị Chủ tịch đương nhiệm là Đức Tổng Giám mục Zygmunt Zimowski, người đã tiếp nhận di sản đầy ý nghĩa và thực quan trọng này, tôi cũng xin gửi lời chào thân ái đến tất cả các thành viên và dàn nhân sự, là những người dọc suốt một phần tư thế kỷ vừa qua, đã có công cộng tác vào nhiệm vụ này của Toà Thánh. Ngoài ra, tôi cũng xin được chào các hiệp hội và các cơ quan phụ trách tổ chức Ngày Bệnh nhân, đặc biệt Unitalsi, và Opera Romana Pellegrinaggi. Và sau cùng, anh chị em bệnh nhân thân mến, tôi xin được gửi lời chào thân ái nhất đến anh chị em! Cám ơn anh chị em đã đến đây, và nhất là cám ơn lời cầu nguyện của anh chị em, đã trở nên phong phú nhờ anh chị em đã dâng lên Chúa những cơ cực và những đau khổ của mình. Tôi cũng xin gửi lời chào đến các bệnh nhân và những tình nguyện viên đang liên kết với chúng ta từ Lộ Đức, Fatima, Czestochowa, và những đền thờ Thánh Mẫu khác, gửi lời chào đến tất cả những ai đang theo dõi chúng ta qua truyền thanh và truyền hình, đặc biệt từ các nhà nghỉ dưỡng, hay từ tư gia của họ. Ước gì Chúa là Đấng luôn chăm sóc con cái mình mang lại cho tất cả nguồn trợ lực và an ủi.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta hai chủ đề chính: chủ đề thứ nhất có đặc tính Thánh Mẫu và liên kết Tin Mừng với bài đọc một được trích từ đoạn cuối của Sách Isaia, và Thánh vịnh đáp ca, được trích từ bài bà Giuđích ca ngợi Đức Chúa. Chủ đề thứ hai mà ta gặp thấy trong trích đoạn Thư Giacôbê là chủ đề của lời kinh Giáo Hội dùng để cầu nguyện cho các bệnh nhân, và đặc biệt của Bí tích Xức dầu bệnh nhân. Trong ngày lễ nhớ Đức Mẹ Lộ Đức là nơi được Đức Mẹ chọn để biểu lộ sự ân cần đầy tình mẫu tử của Mẹ đối với các bệnh nhân, phụng vụ cất lên một cách thực đúng lúc lời kinh Magnificat là bài ca của Đức Trinh Nữ tán dương những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử ơn cứu độ: những người khiêm nhường và những người bần cùng, cũng như tất cả những ai kính sợ Thiên Chúa, đều cảm nghiệm được lòng hay thương xót của Thiên Chúa là Đấng lật đổ số mệnh trần gian, và như thế, chứng tỏ sự thánh thiện của Đấng Tạo Hoá và của Đấng Cứu Chuộc. Lời kinh Magnificat không phải là bài ca của những ai luôn được giàu sang sung sướng và luôn được “thuận buồm xuôi gió”; mà đúng hơn là lời tạ ơn của những ai trải nghiệm những bi kịch của cuộc đời, nhưng luôn đặt niềm tin vào trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Đó là một bài ca diễn tả đức tin của những thế hệ con người, nam cũng như nữ, biết đặt niềm hy vọng của mình vào Thiên Chúa và như Đức Maria, họ cam kết đến giúp đỡ anh em của mình đang lâm cơn quẫn bách. Qua lời kinh Magnificat, chúng ta nghe được giọng nói của nhiều vị Thánh nam nữ sống đời bác ái, tôi đặc biệt nghĩ đến những ai đã sống bên cạnh những bệnh nhân và những người đau khổ, như Camille de Lellis và Gioan Thiên Chúa, Damien de Veuster và Benedetto Menni. Những ai dành thời gian để sống bên cạnh những người đau khổ, họ cảm nghiệm được sự âu lo và những giọt nước mắt, nhưng cũng cảm nghiệm được niềm vui là hoa trái của tình yêu.

Tình mẫu tử của Giáo Hội phản ánh tình yêu từ tâm của Thiên Chúa mà Tiên tri Isaia đã đề cập đến: “Như người con được mẹ mình vỗ về an ủi, thì Ta cũng thế, Ta sẽ an ủi các ngươi, tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi” (Is 66,13). Một tình mẫu tử nói không nên lời, một tình mẫu tử làm phát sinh niềm an ủi trong các tâm hồn, làm phát sinh một niềm vui sâu xa, một niềm vui đồng hiện hữu một cách nghịch lý với đau đớn, với đau khổ. Giáo Hội, cũng như Đức Maria luôn cất giữ trong lòng những thảm cảnh của con người và sự trợ lực của Thiên Chúa, thì Giáo Hội cùng cất giữ tất cả, dọc suốt cuộc lữ hành lịch sử. Dọc suốt dòng thời gian, Giáo Hội biểu lộ những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng luôn tiếp tục thực hiện những điều vĩ đại nơi những người khiêm hạ và đơn sơ. Sự đau khổ được chấp nhận và dâng hiến, sự chia sẻ chân thành và nhưng không, không phải là những phép lạ của tình yêu đó sao? Sự can đảm đương đầu với điều xấu, mà trong tay không một tấc sắt,  -  như bà Giuđích –, nhưng chỉ với sức mạnh của đức tin và đức cậy vào Chúa, đó không phải là một phép lạ mà ơn Chúa không ngừng làm nảy sinh nơi biết bao con người đã hy sinh cả thời giờ và sức lực để giúp đỡ những ai đang đau khổ đó sao? Vì những lý do đó, chúng ta cảm nghiệm được một niềm vui không thể không biết đến đau khổ, nhưng đúng hơn lại thấu hiểu được đau khổ. Hiểu như thế, thì những bệnh nhân và tất cả những ai đang đau khổ trong Giáo Hội không chỉ là những người nhận được sự quan tâm chăm sóc của chúng ta, nhưng tiên vàn họ còn là những người chủ chốt trong cuộc lữ hành đức tin và đức cậy, là chứng nhân về những điều kỳ diệu của tình yêu, của niềm vui Phục Sinh toả ra từ Thánh giá và sự Sống lại của Đức Kitô.

Trong trích đoạn Thư Thánh Giacôbê vừa mới được tuyên đọc, vị Tông đồ mời gọi chúng ta kiên trì đợi chờ ngày Chúa giáng lâm kể từ nay đã gần đến, và trong bối cảnh đó, thánh nhân đặc biệt khuyến khích các bệnh nhân. Đoạn văn này đáng cho chúng ta quan tâm, vì nó phản ánh hành động của Đức Giêsu khi chữa lành các bệnh nhân đều tuyên bố rằng Nước Chúa đã gần đến. Bệnh tật được xét đến trong viễn cảnh của những thời gian sau cùng, cùng với tính hiện thực của đức cậy điển hình của Kitô giáo. “Ai trong anh em đau khổ? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai trong anh em hân hoan vui sướng? Người ấy hãy hát lên bài thánh ca” (Gc 5,13). Ta có cảm tưởng như đang nghe những lời nói tương tự của Thánh Phaolô, khi thánh nhân mời gọi ta sống mọi sự trong mối tương giao với nét mới mẻ triệt để của Đức Kitô, cùng với cái chết và sự phục sinh của Người (x. 1Cr 7,29-31). “Ai trong anh em đau yếu? Người ấy hãy mời linh mục của Giáo Hội và họ hãy cầu nguyện cho người ấy sau khi đã xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu thoát người bệnh” (Gc 5,14-15). Ta thấy ở đây Đức Kitô được kéo dài trong Giáo Hội của Người một cách hiển nhiên: cũng chính Người đang hành động qua các linh mục; chính Người đang hành động qua dấu chỉ của Bí tích là dầu thánh; lòng tin được diễn tả qua kinh nguyện hướng đến Người; và cũng giống như trường hợp của những người được Đức Giêsu chữa lành, thì ta cũng có thể nói với mỗi bệnh nhân: đức tin của bạn, được đức tin của anh chị em nâng đỡ, đã cứu thoát bạn. Bản văn này chứa đựng nền tảng và việc thực hành Bí tích Xức dầu bệnh nhân, đồng thời nó cũng làm nổi bật cái nhìn về vai trò của các bệnh nhân trong Giáo Hội. Một vai trò chủ động để “làm phát sinh”, nếu ta có thể nói được như thế, lời cầu nguyện với lòng tin tưởng. “Ai trong anh em đau yếu? Người ấy hãy mời linh mục của Giáo Hội”. Trong Năm Linh mục này, tôi vui mừng được nhấn mạnh đến mối dây giữa các bệnh nhân và các linh mục, một loại giao ước, một loại “cộng tác” Phúc âm. Cả hai đều có một bổn phận: bệnh nhân phải “mời” các linh mục, và các linh mục phải đáp lại lời mời, để làm cho Đấng Phục Sinh và Thần Khí của Người hiện diện và hành động trên kinh nghiệm về bệnh tật. Ở đây, ta có thể thấy được toàn bộ tầm quan trọng của mục vụ chăm sóc các bệnh nhân, và giá trị của nó thì thực sự vô biên, nhờ lợi ích vô biên mà mục vụ này mang lại, trước tiên cho chính bệnh nhân và cho linh mục, nhưng cũng cho cả gia đình, cho những người thân, cho cộng đoàn, và qua những đường lối lạ thường và bí nhiệm, cho toàn thể Giáo Hội và cho thế giới. Thực thế, khi Lời Chúa nói về chữa lành, về ơn cứu độ, về sức khoẻ của bệnh nhân, Lời Chúa diễn đạt những khái niệm trên một cách toàn diện bởi vì Lời Chúa không bao giờ tách biệt linh hồn ra khỏi thể xác: một bệnh nhân được chữa lành nhờ lời cầu nguyện của Đức Kitô, qua Giáo Hội, là một niềm vui dưới hạ giới và trên thiên đình, là những tiền đề của sự sống vĩnh cửu.

Các bạn thân mến, như tôi đã viết trong Thông điệp Spe salvi”,  -  Được cứu rỗi trong niềm hy vọng – “chiều kích của nhân loại được xác định chủ yếu trong mối tương giao với sự đau khổ và với con người đang đau khổ. Điều này có giá trị cho mỗi người cũng như cho toàn xã hội” (s. 38). Khi thiết lập một bộ phận điều hành trung ương dành cho mục vụ y tế, Toà Thánh cũng đã muốn góp phần để cổ vũ cho một thế giới biết đón tiếp và chăm sóc các bệnh nhân với tư cách là những con người nhiều hơn. Thực thế, Toà Thánh đã muốn giúp cho họ sống kinh nghiệm của bệnh tật một cách nhân bản, không phải bằng cách chối bỏ bệnh tật, nhưng mang lại cho bệnh tật một ý nghĩa. Tôi muốn kết luận những suy tư này bằng một tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đáng kính, một con người đã làm chứng tá cho tư tưởng này bằng cả cuộc đời của mình. Trong Tông thư Salvifici doloris  -  Sự đau khổ mang tính cứu chuộc  - , người đã viết: “Đồng thời Đức Kitô đã dạy cho con người biết làm điều thiện bằng đau khổ và làm điều thiện cho con người đang đau khổ. Dưới khía cạnh hai mặt này, Người đã mạc khải ý nghĩa sâu xa của sự đau khổ” (s. 30). Ước gì Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống trọn vẹn sứ mệnh này.