23/11/2024

Cho đi là hạnh phúc

Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình? Ở hai độ tuổi đối lập, cụ bà Lois Prater và cậu bé Joshua Williams đã nhận ra mục đích sống khi cho đi và giúp đỡ người khác.

Cho đi là hạnh phúc

Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình? Ở hai độ tuổi đối lập, cụ bà Lois Prater và cậu bé Joshua Williams đã nhận ra mục đích sống khi cho đi và giúp đỡ người khác.

Joshua Williams, 11 tuổi, đã phân phát hơn 180 tấn lương thực cho người nghèo – Ảnh: Christian Scie 

Đó là năm 1990, hai năm sau ngày chồng mất, cụ bà 80 tuổi người Mỹ Lois Prater khăn gói đến Philippines theo một nhóm truyền đạo. Tại một nhà thờ địa phương, bà gặp một người đàn ông ăn mặc rách nát đến ngỏ lời bán đứa con đỏ hỏn với giá 1.000 peso, khoảng 40 USD thời điểm đó. “Điều đó đã tác động sâu sắc đến tâm hồn tôi, tôi biết mình phải làm gì đó” – bà nói. Ở tuổi gần đất xa trời, sự thôi thúc mãnh liệt đưa bà Prater trở về Mỹ bán căn nhà thân thuộc với giá 65.000 USD, xe hơi và mọi thứ mình có để xây dựng một trại trẻ mồ côi ở một đất nước xa lạ. “Lúc đó tôi chẳng biết gì về kinh doanh hay xây dựng – bà thú nhận sau này – tôi phải vật lộn nhưng tôi biết điều mình đang cố làm quan trọng hơn việc cứ bám lấy cái ghế cũ sờn”.

Bà Prater mua một mảnh đất rộng 12 mẫu ở thị trấn nhỏ bé Orion của Philippines năm 1991. Ba năm sau đó, King’s Garden Children’s Home mở cửa chào đón trẻ mồ côi từ sơ sinh đến thiếu niên. “Bản thân tôi cũng không tưởng tượng được mình sẽ đến đó ở độ tuổi này – con gái Bonnie Swinney của cụ, nay 73 tuổi, cho biết – Điều mẹ tôi làm thật tuyệt vời”. Cụ sống ở xứ vạn đảo 13 năm, lèo lái trại trẻ qua các khó khăn để đảm bảo một mái ấm, một hi vọng cho khoảng 60 trẻ.

Mỗi đứa trẻ bước vào trại của bà Prater đều mang theo một câu chuyện đau lòng. Một trong những đứa trẻ đầu tiên được bà cưu mang khi chỉ mới chín ngày tuổi, có một người cha nghiện rượu phải vào tù và mẹ cũng chuyển vào theo vì không biết đi đâu. Hay Tommy được cảnh sát trao cho bà năm 1 tuổi với một tai bị chính cha cậu cắt lìa. “Những đứa trẻ thích chơi bài với bà Prater. Kể cả những em nhỏ nhất, chưa bao giờ được gặp bà, cũng thích nghe kể chuyện và làm quà tặng bà” – trang web của mái ấm viết. Bà Prater mất tháng 1-2013 ở tuổi 100 nhưng câu chuyện của cụ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho những người khác, rằng không bao giờ là quá trễ để giúp đỡ người khác.

Ngược lại, Joshua Williams, năm nay 11 tuổi, sớm nhận ra mục đích sống của mình là giúp đỡ những người nghèo đói từ sáu năm trước, khi quyết định đem toàn bộ tiền được thưởng cho một người vô gia cư. Cậu bé 5 tuổi thuyết phục gia đình một cách nghiêm túc rằng không nên để một đứa trẻ nào bị đói và mọi người phải được đảm bảo nhu cầu thiết yếu nhất là thực phẩm. Ngày nay, tổ chức Joshua’s Heart đặt tại Miami (Mỹ) do cậu làm chủ tịch giúp miếng ăn cho những người vô gia cư, gia đình nghèo hoặc học sinh. Đến nay, tổ chức của Williams đã phân phát hơn 180 tấn lương thực.

“Mỗi khi em giúp đỡ mọi người, trái tim em có một cảm giác thật tuyệt vời. Nhờ đó em biết mình đang làm điều tốt và vị tha” – cậu hồn nhiên kể, và cho biết thêm mơ ước trở thành một nhà khoa học nhưng sẽ vẫn tiếp tục sứ mệnh giúp đỡ những người khó khăn. “Em tin rằng nếu mình tin điều gì đó xảy ra, nó sẽ xảy ra”  – Williams nói.

Cậu hi vọng sứ mệnh của mình sẽ lay động trái tim những người trẻ tuổi ở khắp nơi, tạo cảm hứng cho họ để giúp đỡ những người kém may mắn. Williams vừa được vinh danh là Nhà vô địch vì sự thay đổi (Champion of change) và bài viết về cậu được đăng trên trang web của Nhà Trắng, trụ sở của tổng thống Mỹ.

TRẦN PHƯƠNG (Theo Christian Science Monitor)