13/01/2025

Phân luồng học nghề: ‘Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’

Có giai đoạn, cả nước mỗi năm khoảng 400.000 học sinh tốt nghiệp THCS không đậu vào lớp 10 nhưng chỉ vài phần trăm trong số đó đi học nghề, một ít học bổ túc văn hóa, còn lại ra thẳng thị trường lao động mà chưa qua đào tạo.

 

Phân luồng học nghề: ‘Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’

Có giai đoạn, cả nước mỗi năm khoảng 400.000 học sinh tốt nghiệp THCS không đậu vào lớp 10 nhưng chỉ vài phần trăm trong số đó đi học nghề, một ít học bổ túc văn hóa, còn lại ra thẳng thị trường lao động mà chưa qua đào tạo.
 
 
 
 
 

Công tác hướng nghiệp tốt sẽ là một yếu tố giúp học sinh lựa chọn học nghề 	
 /// Ảnh: M.Q

Công tác hướng nghiệp tốt sẽ là một yếu tố giúp học sinh lựa chọn học nghề  ẢNH: M.Q

 
Vì sao gần hai chục năm qua, dù đặt ra nhiều mục tiêu nhưng cả nước chưa bao giờ đạt được con số đã đề ra trong công tác phân luồng?

Hướng nghiệp quá muộn và thiếu chuyên nghiệp
 
 
Xây dựng cổng thông tin hướng nghiệp
Tại TP.HCM, theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp (khi chưa sáp nhập vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp như hiện nay) năm cao nhất là 10,7% (2011 – 2012), còn lại rất thấp. Đặc biệt, năm học 2014 – 2015 chỉ đạt 3,6%.
 
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phấn đấu đến năm 2020, 100% các trường THCS của thành phố sẽ có từ 1 – 2 giáo viên chuyên trách công tác tư vấn hướng nghiệp, 100% có phần mềm chuyên dụng để khảo sát năng lực nghề nghiệp cho học sinh và 100% học sinh được khảo sát năng lực nghề nghiệp dựa trên phần mềm đó.
 
Các giải pháp mà Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra gồm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và định hướng nhận thức của xã hội về công tác phân luồng, xây dựng cổng thông tin về giáo dục hướng nghiệp làm tài nguyên phục vụ công tác hướng nghiệp cho cả giáo viên và học sinh các trường THCS…
 

GS-TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhìn nhận: “Một trong những nguyên nhân lớn nhất cản trở việc này là công tác hướng nghiệp quá chậm trễ và thiếu chuyên nghiệp. Lâu nay, chúng ta chỉ mới tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay trước kỳ thi THPT. Nghĩa là sắp tốt nghiệp THPT rồi, các em mới được tiếp cận với việc lựa chọn hướng đi cho tương lai, mà phần lớn chỉ hướng theo một con đường duy nhất: vào ĐH”.

Theo GS Ga, hiện nay tốt nghiệp THPT là có cơ hội học ĐH, nên việc hướng nghiệp chậm trễ như vậy không phù hợp với công tác phân luồng, nếu không muốn nói là hết sức mâu thuẫn. Lúc này, sức ép cho bậc ĐH quá lớn, khi gần như 100% học sinh tốt nghiệp THPT sẽ chỉ có mong muốn học ĐH.
 
“Những em không có điều kiện hoặc không đủ năng lực đậu ĐH, lúc đó mới đi học nghề, thì coi như đã lãng phí mất 3 năm học THPT. Nếu như các em được hướng nghiệp từ năm lớp 6, 7, 8, thì những ai xác định không học ĐH, ngay sau khi tốt nghiệp THCS đã có thể đi học trường nghề hoặc theo đuổi những con đường riêng”, GS Ga nêu quan điểm.
 
Trong khi đó, ông Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, cho rằng hướng nghiệp ở ta hiện mới chỉ cung cấp những thông tin đơn giản mà chưa có phương pháp kích thích, khơi gợi niềm yêu thích nghề nghiệp. Theo ông Toàn, sử dụng biện pháp hành chính để hướng học sinh đi học nghề trong khi các em chưa thực sự yêu thích, thì dù có vào học rồi, học sinh cũng nghỉ.
 
Tâm lý bằng cấp, thiếu cơ hội việc làm
Tâm lý “phải học ĐH bằng mọi giá”, tư duy “có bằng cấp mới thành công” là nguyên nhân lớn khiến việc phân luồng sau THCS không thể thực hiện.
 
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định, trăn trở: “Người VN ai cũng muốn học cao để thành công. Đó là lý do mà trong những năm qua, mặc dù chúng tôi tuyên truyền, hướng nghiệp rất mạnh mẽ nhưng học xong lớp 9 các em vẫn quyết lên lớp 10 để sau này vào ĐH. Con đường học nghề rồi sau đó liên thông, thì vẫn mang tiếng là “học nghề”, phụ huynh chưa thể thay đổi tư duy này”.


Ở một số địa phương, việc này khó khăn gấp nhiều lần khi nằm trong điều kiện kinh tế kém thuận lợi. Ông Nguyễn Anh Linh, Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Thuận, cho rằng việc lay chuyển tâm lý của phụ huynh đã khó, càng khó hơn khi tại địa phương việc làm dành cho người học nghề còn rất hạn chế do không phải thành phố lớn, không có khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp sản xuất cũng ít. “Điều đó cản trở việc thay đổi suy nghĩ của phụ huynh. Nếu như học nghề ra có việc làm ngay và thu nhập khá thì sẽ đỡ hơn. Hằng năm, tỉnh có khoảng 2.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào lớp 10, thì chỉ 60 – 70 em chịu đi học nghề, còn lại hầu hết đi lao động tay chân mà không qua đào tạo”, ông Linh chia sẻ.

 
Từ đó, theo GS Bùi Văn Ga, để vận động phụ huynh học sinh “chịu” theo luồng học nghề, thì phải giải quyết được vấn đề việc làm tốt cho người học.
 
Mặc dù nhà nước đã đưa ra các quyết sách về phân luồng rất rõ ràng, nhưng một số bộ, ngành lại có những quy định gây mâu thuẫn, ảnh hưởng nhất định. Chẳng hạn, Bộ Y tế – Bộ Nội vụ đã quyết định “khai tử” viên chức trình độ trung cấp các ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên kể từ năm 2021, và từ năm 2025 để được xếp hạng viên chức các ngành này, người lao động phải có trình độ CĐ trở lên. Lý do là vì VN đã ký thoả thuận khung công nhận lẫn nhau giữa các nước ASEAN, quy định để được hành nghề điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên thì thời gian đào tạo tối thiểu là 3 năm. Dược, nha sĩ và bác sĩ đòi hỏi thời gian dài hơn. Tương tự, trong lĩnh vực du lịch, người tốt nghiệp trung cấp không đủ điều kiện để được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Bửu Toàn nhìn nhận: “Quy định đó cũng có ít nhiều gây ảnh hưởng, tuy nhiên vẫn không đáng kể bằng vấn đề tâm lý, tư duy người học hoặc công tác hướng nghiệp còn yếu”.
 
 
MỸ QUYÊN