15/11/2024

Ẩn hoạ buôn người từ xuất khẩu lao động

Một số báo cáo toàn cầu và thông tin từ nhiều nguồn mới đây có đề cập tới một loạt vấn đề lao động xuất khẩu ở các nước, trong đó có Việt Nam, với những ẩn hoạ và hậu quả không nhỏ của nạn buôn người.

 

Ẩn hoạ buôn người từ xuất khẩu lao động: còn nhiều nhức nhối

Một số báo cáo toàn cầu và thông tin từ nhiều nguồn mới đây có đề cập tới một loạt vấn đề lao động xuất khẩu ở các nước, trong đó có Việt Nam, với những ẩn hoạ và hậu quả không nhỏ của nạn buôn người.

Theo xếp hạng của báo cáo “Trafficking in persons” (*), VN ở nhóm thứ 2 – nhóm “đã có nỗ lực trong việc giảm thiểu các hoạt động buôn người dù vẫn còn nhiều việc phải làm”. Mức xếp hạng năm nay bằng với năm 2012 và cao hơn so với năm 2010-2011 khi VN bị xếp hạng vào nhóm bị theo dõi.

Thu phí quá cao

Theo báo cáo này, một trong những vấn đề ở VN là các công ty xuất khẩu lao động và lực lượng “cò” trung gian thường xuyên thu phí quá cao so với quy định của pháp luật. Kết quả là công nhân VN thường phải chịu mức nợ cao nhất so với công nhân xuất khẩu các nước khác ở châu Á.

Các nghiên cứu thấy rất nhiều công nhân VN khi đi làm nước ngoài phải chịu mức phí tuyển dụng quá cao khiến họ rơi vào cảnh nợ nần trong nhiều năm. Phần lớn trong số công nhân này trở về VN sớm, thường sau 1-2 năm, và không kiếm đủ tiền để trả nợ.

Ngoài ra, khi tới các nước, một số công nhân VN thường bị buộc làm việc trong điều kiện tồi tệ với mức lương thấp hoặc thậm chí không có lương. Có nhiều trường hợp được ghi nhận công ty môi giới không hỗ trợ gì khi công nhân xuất khẩu kêu cứu. Trong các trường hợp này, nạn nhân thường bị tịch thu giấy tờ tùy thân, hộ chiếu hoặc thường xuyên bị lực lượng môi giới dọa trục xuất để buộc họ làm việc.

Một điểm nóng với lao động VN là ở Đài Loan. Theo báo cáo này, hầu hết nạn nhân buôn người ở Đài Loan là công nhân nhập cư từ VN, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… được tuyển thông qua các công ty môi giới và hệ thống “cò” để làm việc trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, đánh bắt cá, giúp việc nhà…

Theo báo cáo, rất nhiều công nhân trong số này trở thành nạn nhân buôn người bởi hệ thống “cò” vô lương tâm hay các ông chủ buộc họ phải làm công việc ngoài thỏa thuận ban đầu trong điều kiện vô cùng bóc lột. Nhiều công nhân buộc phải đóng tiền tuyển dụng lên tới 7.700 USD khiến họ chịu khoản nợ rất lớn. 

Một số chủ cấm không cho nhân viên được rời khỏi chỗ ở, khiến họ không thể kêu cứu khi bị lạm dụng. Trong năm 2012, chính quyền Đài Loan đã ghi nhận và hỗ trợ 462 nạn nhân buôn người, trong đó có 152 nạn nhân lao động, 310 nạn nhân tình dục, hầu hết là từ Indonesia và VN. Ngoài ra, ở một số công ty Malaysia có ghi nhận giữ 3-9 tháng lương của công nhân để lấy lại phần tiền chi phí hoa hồng đã trả cho môi giới.

Đầu tuần này, Itar-Tass cho hay Cơ quan di trú Liên bang Nga và cảnh sát đã đột kích một khu công nghiệp ở phía đông Matxcơva, bắt giữ 250 người VN vì lưu trú bất hợp pháp. Hồi tháng 5 năm nay, RIA Novosti cũng trích nguồn tin cảnh sát Nga nói bắt giữ khoảng 500 người Việt nhập cư trái phép đang làm việc bất hợp pháp tại một xưởng may áo khoác ở làng Malakhovka, Matxcơva.

Trước đó không lâu, vụ 15 thiếu nữ bị lường gạt sang Nga với những hứa hẹn việc làm nhưng thực tế bị đẩy vào ổ mại dâm của bà Thúy An cũng được báo giới đưa tin. Một năm trước, hơn 100 lao động nghề may được đưa sang Nga và bị ép làm việc như nô lệ cho đến khi Cơ quan di trú Nga giải cứu và đưa họ về nước.

Thiếu nhiều biện pháp bảo trợ tư pháp

Một khó khăn nữa cho công nhân xuất khẩu lao động là khi xảy ra mâu thuẫn hợp đồng giữa công nhân và công ty môi giới hay công ty ở nước ngoài (trong các trường hợp lừa đảo), phần lớn các trường hợp này đều chỉ được giải quyết ở cấp công ty – điều khiến các công nhân gặp thiệt thòi.

Theo báo cáo, dù công nhân có thể đưa các vụ này ra tòa, nhưng trong thực tế hầu hết họ không có tiền hay điều kiện để theo đuổi vụ kiện. Vì vậy, hầu hết đều chịu thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp. Trong một số trường hợp, các cơ quan ngoại giao hay cán bộ lãnh sự cũng chưa hành động đủ để giúp các công nhân gặp khó khăn khi ra nước ngoài.

Theo báo cáo này, hiện VN vẫn còn chưa cung cấp đủ các biện pháp bảo trợ tư pháp cho các nạn nhân cưỡng bức lao động tại nước ngoài. Dù VN có tùy viên về lao động tại chín nước nhận đông lao động VN, tại nhiều nước có báo cáo về tình trạng buôn người, VN vẫn chưa có đại sứ quán. Ở một số nơi có sứ quán thì nhân viên ngoại giao vẫn chưa hành động đủ để bảo vệ công nhân xuất khẩu, Chính phủ VN thừa nhận cán bộ ngoại giao vẫn còn thiếu đào tạo về những vấn đề này.

Một vấn đề cũng được nêu là tình trạng các băng nhóm VN và Trung Quốc tham gia vào việc bắt trẻ em VN trồng cần sa ở Anh, có những đứa trẻ mang những khoản nợ lên tới 32.000 USD. Các báo cáo nói các nạn nhân này thường bay với “cò” tới Nga rồi đi bằng xe tải qua Ukraine, Ba Lan, CH Czech, Đức, Pháp trước khi tới Anh.

Theo báo cáo trong năm 2012, Chính phủ VN đã nỗ lực để truy tố hình sự một số trường hợp buôn người. Các trường hợp này đều bị truy tố dựa trên điều 139 về “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.” Ngoài ra, đã có hai nghị định về xác định nạn nhân và giúp đỡ các nạn nhân buôn người.  Tuy vậy, VN vẫn còn nhiều việc phải làm như đưa ra các văn bản hướng dẫn cho bộ luật về chống buôn người đã được thông qua từ năm 2012. Và dù luật đã được thông qua, đến giờ vẫn chưa có hình thức phạt cụ thể với các tội danh được nêu trong đó.

Ngoài ra, VN cần tăng cường hợp tác với các nước tiếp nhận lao động thông qua các biên bản ghi nhớ, thực hiện các biện pháp bảo hộ lao động như đảm bảo công nhân không bị đe dọa hay trừng phạt khi phản đối tình trạng lao động kém, đồng thời áp dụng việc phát hiện các dấu hiệu lao động cưỡng bức như tịch thu hộ chiếu hay giấy tờ đi lại… Để cải thiện tình trạng theo dõi và đánh giá các chương trình này, việc thu thập thông tin và chia sẻ thông tin ở cấp độ quốc gia cũng cần được cải thiện.

THANH TUẤN

 

 

 

Tội phạm mua bán người ở Việt Nam gia tăng

Đầu tháng 7 này, tại hội nghị triển khai thực hiện đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống mua bán người” phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đã thừa nhận tội phạm mua bán người ở VN đang diễn ra phức tạp, có xu hướng tăng và quốc tế hóa.

Ở VN đã xuất hiện tội phạm mua bán người dưới hình thức đưa đi xuất khẩu lao động, “xem mặt chọn vợ”, kết hôn giả… Đại tá Lê Văn Chương, phó chánh văn phòng thường trực phòng chống tội phạm và ma túy (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm), cho biết không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 80%) mà cả mua bán đàn ông, trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê… VN vừa là địa bàn phạm tội, vừa là địa bàn trung chuyển đi các nước thứ ba.

Theo thống kê, từ năm 2005 đến nay cả nước xảy ra hơn 3.200 vụ phạm tội mua bán người với gần 5.600 đối tượng, lừa bán hơn 7.000 nạn nhân. Riêng năm 2012 và sáu tháng năm 2013 đã xảy ra gần 700 vụ, với hơn 1.100 đối tượng lừa bán hơn 1.300 nạn nhân, trong đó trên 80% là mua bán ra nước ngoài.

Thủ đoạn hoạt động phổ biến của tội phạm là lợi dụng những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp, thiếu việc làm, văn hóa thấp, hứa hẹn việc làm có thu nhập cao rồi tìm cách đưa ra nước ngoài bán hoặc lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội về hôn nhân, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động, đi thăm thân, du lịch… để lừa gạt, đưa người ra nước ngoài bán.

Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cũng đưa ra một số thủ đoạn đáng chú ý của các đối tượng buôn bán người. Trong đó có việc lợi dụng địa bàn miền núi vắng vẻ, một số đối tượng người Việt cấu kết với người Trung Quốc tổ chức thành từng toán đột nhập nhà dân, giết người thân, chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em.

Đáng chú ý, thủ đoạn mới của các đối tượng phạm tội là mua bán người dưới dạng xuất khẩu lao động. Thông qua con đường tuyển dụng lao động, đưa người ra nước ngoài, các đối tượng thu giữ giấy tờ, hộ chiếu của các nạn nhân rồi không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.

(Nguồn: Tuổi Trẻ và TTXVN 2-7-2013)