08/01/2025

Áp dụng bữa ăn chuẩn cho học sinh tiểu học

Để bữa ăn vừa ngon miệng, bắt mắt lại đủ dinh dưỡng giúp học sinh phát triển toàn diện, từ năm học 2013-2014 TP.HCM sẽ áp dụng bộ chuẩn thực đơn dành cho học sinh tiểu học bán trú.

 

Áp dụng bữa ăn chuẩn cho học sinh tiểu học

 

Để bữa ăn vừa ngon miệng, bắt mắt lại đủ dinh dưỡng giúp học sinh phát triển toàn diện, từ năm học 2013-2014 TP.HCM sẽ áp dụng bộ chuẩn thực đơn dành cho học sinh tiểu học bán trú.

 

Một số món ăn trong bộ thực đơn chuẩn dự kiến áp dụng từ năm học 2013-2014 – Ảnh: Châu Anh

 

Ngày 20-8, tại hội nghị giới thiệu bộ thực đơn và bộ minh họa thực phẩm giáo dục kiến thức dinh dưỡng dành cho học sinh tiểu học bán trú, do Sở GD-ĐT TP.HCM, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM tổ chức, đã đưa ra một thực đơn chuẩn với 40 món ăn dành cho nhóm học sinh này.
Theo các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng bộ thực đơn chuẩn sẽ đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú, xây dựng thói quen ăn uống khoa học, góp phần kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất trong học sinh hiện nay.
Chỉ 37,7% quen ăn rau củ
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho rằng bữa ăn đủ chất trong học đường không chỉ nâng cao tầm vóc trẻ mà còn giúp trẻ phát triển trí tuệ.
Tuy nhiên, thực tế nhiều học sinh đang có vấn đề về dinh dưỡng như thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng; thiếu vi chất như iốt, sắt, vitamin A và có thói quen dinh dưỡng không hợp lý, thích ăn nhiều chất đạm, béo, ít ăn rau, trái cây.
Cụ thể, năm 2002 chỉ có 19,8% học sinh tiểu học trong TP bị béo phì thì đến năm 2009 tỉ lệ này lên đến 38,5%. Cũng theo khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, thói quen uống sữa thường xuyên của học sinh tiểu học TP chỉ chiếm 68,7% và chỉ có 37,7% học sinh tiểu học trong TP có thói quen ăn rau củ thường xuyên.
Bác sĩ Diệp cho biết thực đơn bán trú cung cấp 40-50% nhu cầu năng lượng, chất dinh dưỡng cho học sinh trong ngày và tại TP.HCM có tới 80% trường tiểu học tổ chức ăn bán trú.
Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề về bữa ăn bán trú ở cấp tiểu học TP.HCM như món ăn phổ biến chưa đa dạng (thường chỉ có cơm, món mặn, canh).
Bên cạnh đó, sự phối hợp thức ăn trong mỗi bữa ăn cũng chưa hợp lý như quá dư thừa chất đạm trong khi khẩu phần rau lại ít. Thêm một thực tế đang diễn ra tại nhiều căngtin trường học cũng được bác sĩ Diệp lưu ý là nhiều căngtin chỉ bày bán những thực phẩm không có lợi cho học sinh như nước ngọt có gas, các loại thức ăn nhanh…
Giảm béo phì
Bộ chuẩn thực đơn bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học được đánh giá qua quá trình triển khai thí điểm từ tháng 12-2012 đến nay trên một số quận, huyện của TP.HCM.
Bà Nguyễn Lê Thu, phó Phòng GD-ĐT Q.11, cho biết toàn quận có 8/12 trường thực hiện thí điểm bữa ăn bán trú. Qua thời gian thí điểm, tình hình dinh dưỡng của học sinh tiểu học bán trú tại Q.11 có nhiều chuyển biến tích cực.
Chẳng hạn, tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn tháng 11-2012 có 62 học sinh béo phì thì đến tháng 3-2013 chỉ còn 41 học sinh, giảm được hơn 20 em, với tỉ lệ giảm gần 3%.
“Thời gian đánh giá còn ngắn, nhưng kết quả khảo sát cho thấy một phần tác dụng đối với học sinh suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì” – ông Phan Trí Dũng, chuyên viên phụ trách y tế học đường Phòng GD-ĐT Q.11, nhận xét.
Ở khía cạnh khác, theo nhiều giáo viên, việc đưa ra bộ chuẩn ăn uống cho học sinh tiểu học còn “gỡ rối” cho chính những người làm công tác giáo dục. “Trước đây, chúng tôi phải định lượng calo bằng cách tìm kiếm thông tin trên mạng. Bây giờ, khi có bộ thực đơn này, các trường sẽ biết chuẩn để mang lại cho học sinh bữa ăn đủ dinh dưỡng để phát triển toàn diện” – ông Phạm Văn Tân, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.Tân Phú, TP.HCM, chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng trước đây các ban ngành chỉ quan tâm đến bữa ăn của các cháu tại trường được đảm bảo vệ sinh, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm thì sau này đã hướng tới bữa ăn phải đảm bảo năng lượng, cân bằng dinh dưỡng và phù hợp lứa tuổi của trẻ.
Thực hiện kế hoạch của chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tại TP.HCM, giai đoạn từ 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, với sự phối hợp với Sở GD-ĐT đã tiến hành triển khai dự án “Bữa ăn học đường” với mục tiêu chính là đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú, xây dựng thói quen ăn uống khoa học, góp phần kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng ở học sinh.
THÙY DƯƠNG – MỸ DUNG
 

 

Hơn 200.000 học sinh tiểu học ăn bữa trưa tại trường
Ông Nguyễn Tài Dũng, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết tại TP.HCM số học sinh bán trú, nội trú ngày càng tăng. Hiện nay, trong số 474 trường tiểu học có đến 358 trường bán trú. Tổng số học sinh tiểu học ăn trưa tại trường là 213.596 học sinh. Tính tất cả các bậc học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) hiện TP có 1.712 trường trong đó có 1.283 trường (75%) bán trú.
Toàn TP có 560.740 học sinh ăn bữa trưa tại trường. Ông Dũng so sánh số học sinh của TP ăn trưa tại trường tương đương dân số của tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, các trường học của TP chỉ có chỗ học chứ không xây được cơ sở bán trú. Vì vậy, khi triển khai những lớp học bán trú, mỗi trường phải cải tạo, sắp xếp để có bếp ăn tại trường, chỗ cho học sinh ăn. Do diện tích nhiều trường chật hẹp nên không ít trường đã phải sử dụng hành lang làm nơi ăn trưa, ăn xế cho học sinh.

 

 

 

Thực đơn mẫu cho 1 tuần (*)

 

TUẦN
MÓN CANH
MÓN MẶN
MÓN XÀO
TRÁNG MIỆNG
BỮA XẾ
Thứ 2
Canh cà chua nấm rơm
Sườn nấu đậu
Cải dún xào tôm
Rau câu jelly
Bánh ngọt sôcôla 28g
Thứ 3
Canh khoai môn nấu thịt
Trứng bác cà chua
Rau muống xào thịt bò
Chuối cau
Phở xào thịt 150g
Thứ 4
Canh cải bó xôi khoai tây
Thịt kho su hào
Ðậu đũa xào thịt
Mận
Sữa tươi 180ml
Thứ 5
Canh rau đay tôm khô
Chả cá kho
nước tương
Cải ngọt xào nấm bào ngư
Dưa hấu
Cháo thịt heo 200g
Thứ 6
Canh bún
Bánh flan
Bánh bao 95g