25/12/2024

Cạnh tranh khốc liệt vào nguyện vọng bổ sung

Sau một tuần xét tuyển nguyện vọng bổ sung, lượng hồ sơ nộp vào nhiều trường khá lớn. Cạnh tranh một suất ở giảng đường ĐH bằng nguyện vọng bổ sung xem ra khó khăn hơn rất nhiều so với nguyện vọng 1.

 

Cạnh tranh khốc liệt vào nguyện vọng bổ sung

 

Sau một tuần xét tuyển nguyện vọng bổ sung, lượng hồ sơ nộp vào nhiều trường khá lớn. Cạnh tranh một suất ở giảng đường ĐH bằng nguyện vọng bổ sung xem ra khó khăn hơn rất nhiều so với nguyện vọng 1.

 
Rất đông thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng – Ảnh: Như Hùng

Tính đến hết ngày 24-8, Trường ĐH Sài Gòn đã nhận được hơn 3.500 hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trong đó, bậc ĐH có khoảng 1.000 hồ sơ trong khi chỉ tiêu chỉ có 335, bậc CĐ có hơn 2.500 hồ sơ trong khi chỉ tiêu 990. Trong số này, thí sinh nộp hồ sơ vào các ngành công nghệ kỹ thuật môi trường, sư phạm sinh học, giáo dục chính trị phải cạnh tranh rất khốc liệt bởi lượng hồ sơ nhiều hơn từ 4-8 lần chỉ tiêu.

1 “chọi” 20

“Dù cơ hội lựa chọn ít hơn khi đăng ký dự thi nhưng thí sinh cần phải chọn ngành mình yêu thích để xét tuyển chứ không phải chọn đại ngành nào đó, khi theo học sẽ khó có kết quả tốt, mất thời gian, tiền bạc”

Ông Nguyễn Quốc Cường (chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM)

Chỉ có 400 chỉ tiêu bậc ĐH và 195 chỉ tiêu bậc CĐ nhưng đến thời điểm này, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã nhận được hơn 2.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Đa số các ngành chỉ từ 10-20 chỉ tiêu nên để có một suất ở giảng đường trường này không hề đơn giản. Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ngoại trừ ngành hệ thống thông tin quản lý có hồ sơ tương đối ít, các ngành còn lại đều có lượng hồ sơ nhiều hơn chỉ tiêu từ 2-5 lần. Trong đó, đáng kể nhất là ngành kế toán với 80 chỉ tiêu nhưng đã có 475 hồ sơ xét tuyển, quản trị kinh doanh có 348 hồ sơ trong khi chỉ tiêu là 120. Thống kê cho thấy điểm thi của thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển khá cao nên điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung các ngành này sẽ tăng rất mạnh.

Với số chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung khá ít ỏi nhưng Trường ĐH Tài chính – marketing đã nhận được hơn 1.000 hồ sơ. Trong số này, ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (chuyên ngành quản trị nhà hàng) có lượng hồ sơ lên đến 416 trong khi chỉ tiêu chỉ có 20. Như vậy để vào được ngành này ở thời điểm hiện tại, một thí sinh phải “chọi” hơn 20 thí sinh khác. Một số chuyên ngành khác như thuế, kế toán, tài chính công cũng có lượng hồ sơ gấp năm lần chỉ tiêu cần tuyển.

Nhiều trường ĐH khác cũng có lượng hồ sơ khá lớn là Hoa Sen (hơn 2.000 hồ sơ), Cần Thơ (gần 4.000 hồ sơ)… Tại ĐH Hoa Sen, những ngành có lượng hồ sơ nhiều là môi trường, nhóm ngành kinh tế, trong khi các ngành còn lại lượng hồ sơ vẫn chưa nhiều. Ở ĐH Cần Thơ, tất cả các ngành đều có hồ sơ nhiều gấp đôi đến gấp 10 lần chỉ tiêu. Trong đó, các ngành như kinh doanh thương mại, quản trị kinh doanh, khoa học đất, hệ thống thông tin có lượng hồ sơ nhiều nhất nên cạnh tranh sẽ gay gắt hơn.

Cân nhắc kỹ

Bên cạnh các trường có lượng hồ sơ lớn, cơ hội cho thí sinh vẫn còn nếu lựa chọn các trường khác khi lượng hồ sơ chưa nhiều. Ông Phạm Thái Sơn – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho biết lượng hồ sơ của thí sinh tập trung vào một số ngành như công nghệ thực phẩm, hóa thực phẩm, sinh học và kinh tế. Trong khi các ngành nhiều chỉ tiêu như công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí hồ sơ khá ít. Như vậy, cơ hội vào các ngành khối kỹ thuật vẫn rộng mở.

Bên cạnh đó, hầu hết trường ĐH ở các địa phương như An Giang, Tiền Giang, Đồng Nai, Phú Yên, Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thủ Dầu Một (Bình Dương)… đều xét tuyển nguyện vọng bổ sung với chỉ tiêu khá lớn. Nhiều trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT hoặc các bộ chủ quản như Tây Nguyên, Đồng Tháp, Tài chính kế toán (Quảng Ngãi), Quy Nhơn cũng xét tuyển khá nhiều chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung. Năm 2012, điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung ở các trường này đa số bằng điểm sàn xét tuyển hoặc tăng từ 0,5-1 điểm. Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM xét tuyển 1.000 chỉ tiêu nguyện vọng 2 vào ĐH, CĐ các ngành quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, kế toán… Điểm xét tuyển bằng điểm sàn, các khối A, A1, D1.

TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, chia sẻ: thời gian nộp hồ sơ xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày nên thí sinh vẫn còn nhiều thời gian để cân nhắc, chọn ngành, chọn trường. Dù là xét tuyển bổ sung nhưng thí sinh lưu ý cần phải hướng nghiệp trước, hướng trường sau. Thí sinh hãy cân nhắc ngành nghề phù hợp với mình trước, sau đó mới chọn trường phù hợp với điểm số cũng như điều kiện của mình.

 

Cảnh giác với chiêu chạy điểm vào ĐH

Thời gian gần đây, trên các website rao vặt, mua bán xuất hiện những lời chào mời chạy điểm, chạy suất vào đại học với cam kết “đảm bảo đậu 100%”. Trên một số website muabantop.com, muaban24h.com.vn, tiepthi.com.vn… xuất hiện một người có địa chỉ email là[email protected] tự giới thiệu có thể “chạy đầu vào cho thí sinh dự thi cao đẳng, đại học” với mức giá cao ngất ngưởng 4.200 USD. Mức giá để lo đậu nguyện vọng 2 thì “mềm” hơn với 3.200 USD. Còn nếu chỉ muốn đạt điểm sàn các khối A, A1, B, C, D, V, người có nhu cầu chỉ cần chi 2.200 USD, điều kiện kèm theo là không bị điểm 0 môn nào. Người này cho biết thêm dù điểm gốc bao nhiêu cũng nâng được lên bằng điểm sàn.

Chúng tôi gửi một email vào địa chỉ [email protected] với nội dung nhờ chạy điểm cho một thí sinh thi vào ĐH Bách khoa TP.HCM bị thiếu nửa điểm so với điểm chuẩn dự kiến. Một người tự xưng là ThS Nguyễn Anh Khoa đang làm công tác tuyển sinh tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) gọi điện cho chúng tôi để thỏa thuận về việc nâng điểm. Khoa nói: “Chắc chắn là lo được các trường ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế và ĐH Khoa học tự nhiên”. Chúng tôi yêu cầu gặp mặt trực tiếp để thỏa thuận thì Khoa từ chối.

Lần theo một số điện thoại trên mạng, chúng tôi bắt liên lạc với một người tự xưng Nguyễn Thế Nhân, giảng viên Trường ĐH Bách khoa, có khả năng “chạy” vào các trường ĐH Bách khoa, ĐH Y dược, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH KHXH&NV, ĐH Kinh tế, ĐH Nông lâm, ĐH Sư phạm kỹ thuật… Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn nâng 0,5 điểm cho một thí sinh thi ngành kỹ thuật ôtô để từ 20 điểm lên thành 20,5 bằng với điểm chuẩn thì người này cho biết có thể làm được, giá 10 triệu đồng.

Khi chúng tôi đề nghị gặp mặt để bàn bạc cụ thể thì người này từ chối và yêu cầu chuyển khoản trước 3 triệu đồng tiền cọc vào số tài khoản của một ngân hàng. Nhân cam kết chỉ cần cung cấp họ tên, số báo danh để lo thủ tục là mọi việc sẽ suôn sẻ, khi nào có giấy báo trúng tuyển Nhân sẽ gặp chúng tôi trực tiếp và nhận hết số tiền còn lại.

Trao đổi về việc này, TS Lê Chí Thông – trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa TP.HCM – khẳng định: “Không thể nào có chuyện nâng điểm được vì mọi hồ sơ, giấy tờ, dữ liệu đều được lưu lại. Trường còn chịu sự thanh tra của ĐHQG và ban thanh tra của Bộ Giáo dục – đào tạo. Không thể có một cá nhân hay tập thể nào dám làm chuyện động trời như vậy”.

Ý THI

MINH GIẢNG