Quân đoàn ứng phó Trung Quốc của Ấn Độ
Tình trạng căng thẳng tại giới tuyến khiến Ấn Độ gấp rút tăng cường khả năng răn đe. Mang tên Quân đoàn Tấn công miền núi, lực lượng mới của Ấn Độ gồm từ 40.000 – 50.000 quân sẽ được triển khai dọc giới tuyến với Trung Quốc chậm nhất vào cuối năm 2016, theo tạp chí The Diplomat.
Tình trạng căng thẳng tại giới tuyến khiến Ấn Độ gấp rút tăng cường khả năng răn đe.
Mang tên Quân đoàn Tấn công miền núi, lực lượng mới của Ấn Độ gồm từ 40.000 – 50.000 quân sẽ được triển khai dọc giới tuyến với Trung Quốc chậm nhất vào cuối năm 2016, theo tạp chí The Diplomat. Quân đoàn này là đề tài thảo luận lâu nay của các nhà hoạch định chiến lược an ninh Ấn Độ và được xem là một phần trong Học thuyết 2 mặt trận nhằm đối phó nguy cơ bị Pakistan và Trung Quốc tấn công cùng lúc.
Hiện nay, Ấn Độ đang đối mặt tình trạng căng thẳng dâng cao tại khu vực giáp ranh còn tranh chấp với cả Trung Quốc và Pakistan. Mấy ngày qua, New Delhi và Islamabad liên tục cáo buộc nhau nổ súng gây nhiều thương vong ở khu vực dọc giới tuyến tạm mang tên Đường kiểm soát (LoC). Mới đây nhất, Pakistan tố binh sĩ nã pháo cối khiến một dân thường thiệt mạng ngày 12.8, theo Reuters. Trong khi đó, Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng không hề yên tĩnh khi giới chức New Delhi cáo buộc lính Trung Quốc “xâm nhập sâu qua LAC với nhiều hành động táo tợn”. Hồi tuần trước, Tờ Hindustan Times ngày 5.8 dẫn lời giới chức quân sự Ấn Độ tuyên bố một nhóm lính Trung Quốc đã “hung hăng ngăn cản” binh sĩ Ấn Độ tuần tra thường lệ tại khu vực Ladakh.
|
Theo giới chuyên gia, Học thuyết 2 mặt trận chú trọng phần đối phó Trung Quốc hơn và quyết định lập Quân đoàn Tấn công miền núi nhanh chóng được thông qua sau vụ lính Trung Quốc vượt qua LAC đến 19 km và “ở lì” trong 21 ngày. Khi đó, AFP dẫn lời giới chức Ấn Độ cho rằng thừa sức đáp trả Pakistan và “Trung Quốc mới là mối đe dọa lâu dài thật sự. Chúng ta phải xây dựng quan hệ tích cực với Bắc Kinh, nhưng cũng phải sẵn sàng đối phó mọi tình huống”.
|
Theo báo Daily Pioneer, lực lượng mới sẽ đặt trụ sở tại Panagarh, bang Tây Bengal, với các binh sĩ được huấn luyện chuyên về chiến tranh trên địa hình núi non. Quân đoàn sẽ được trang bị xe tăng, pháo hạng nhẹ, trực thăng vũ trang và được yểm trợ bởi chiến đấu cơ Su-30 cùng các máy bay vận tải C-17, C-130 J của không quân.
Tây Tạng trong tầm ngắm
Về mặt địa lý, đường LAC dài 4.100 km được chia thành 3 phần. Phần phía tây nằm ở Ladakh, phần giữa nằm dọc biên giới Uttarakhand – Tây Tạng và phần phía đông ở Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là nam Tây Tạng). Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với nhiều khu vực dọc giới tuyến này và đầu năm 2009, quân đội Ấn Độ đã triển khai 2 sư đoàn tại Arunachal Pradesh để tăng cường phòng thủ ở phần phía đông.
The Diplomat dẫn lời giới quan sát cho rằng Quân đoàn Tấn công miền núi sẽ chủ yếu phụ trách phần giữa và phần phía tây, không những có chức năng phòng thủ mà cả răn đe lẫn tấn công. Theo đó, lực lượng này sẽ vượt qua LAC, tấn công Tây Tạng và chiếm giữ phần lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát tại đó nếu quân đội Trung Quốc (PLA) xâm lược lãnh thổ Ấn Độ. New Delhi cũng tin rằng sự có mặt của quân đoàn sẽ mang lại một con chủ bài mới để tạo áp lực trên bàn đàm phán với Bắc Kinh về vấn đề biên giới.
Hồi năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K.Antony từng cho hay Trung Quốc sở hữu ít nhất 5 căn cứ không quân lớn ở Tây Tạng và đang nâng cấp một số căn cứ khác. Nước này còn đầu tư đẩy mạnh mạng lưới đường sắt và đường bộ để có thể rút ngắn thời gian chuyển quân đến LAC xuống còn khoảng 20 ngày so với 90 ngày trước đây. Vì thế, theo tờ The Times of India, Ấn Độ cấp tập cho xây dựng 18 đường hầm dọc giới tuyến với cả Trung Quốc và Pakistan để di chuyển binh sĩ nhanh hơn cũng như cất giấu những vũ khí quan trọng. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng đang xem xét bổ sung 2 lữ đoàn thiết giáp tới LAC để hỗ trợ Quân đoàn Tấn công miền núi.
Trùng Quan