Nguy cơ xung đột trên biển Hoa Đông
Các chuyên gia cho rằng tình hình biển Hoa Đông đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí có thể dẫn đến xung đột, sau những động thái liên tục của Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng tình hình biển Hoa Đông đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí có thể dẫn đến xung đột, sau những động thái liên tục của Trung Quốc.
Hôm qua, 4 tàu công vụ Trung Quốc tiếp tục xuất hiện trong vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, AFP dẫn lời giới chức tuần duyên Nhật Bản cho hay. Theo đó, các tàu trên tiến vào khu vực khoảng 9 giờ sáng 10.8 (giờ địa phương) và rời khỏi khoảng 1 tiếng đồng hồ sau. “Chúng tôi đã cảnh báo họ nhanh chóng rời đi”, một sĩ quan tuần duyên nói với AFP.
|
Cuộc xâm nhập mới nhất diễn ra gần như ngay sau khi Bộ Ngoại giao Nhật triệu tập Quyền đại sứ Trung Quốc ở Tokyo Hàn Chí Cường để phản đối việc tàu công vụ Trung Quốc đến gần Senkaku/Điếu Ngư và ở đó suốt 28 tiếng đồng hồ (từ sáng 7.8 đến trưa 8.8). Đây là lần lưu lại lâu nhất của tàu Trung Quốc từ lúc căng thẳng bùng phát sau khi Nhật quốc hữu hóa một số đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư cuối năm ngoái. Trước đó, tàu chiến Trung Quốc hồi tháng 7 đã lần đầu tiên thực hiện cuộc hải trình “bao vây” Nhật Bản. Theo AFP, 5 chiến hạm tiến qua eo biển Soya phía bắc Nhật để đến Nga tham gia tập trận chung. Sau đó, thay vì đi ngược lại đường cũ, các tàu này đánh một vòng lớn rồi trở về Trung Quốc qua ngả eo biển Miyako phía nam Nhật.
Tuy lộ trình này hoàn toàn không vi phạm luật quốc tế hay xâm phạm khu vực chủ quyền Nhật, nhưng theo giới chuyên gia, nó mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Cũng vì thế mà Lực lượng Phòng vệ Nhật đã triển khai máy bay, tàu chiến theo dõi sát sao mỗi khi các tàu Trung Quốc đi qua các eo biển. Mới đây, truyền thông Trung Quốc thậm chí hào hứng bình luận rằng động thái trên chứng tỏ nước này đủ sức “xuyên thủng” chuỗi đảo từ cực bắc của Nhật đến Philippines để “mở đường ra biển lớn”.
Một số chuyên gia cho rằng các hành động liên tục nói trên của Bắc Kinh một phần nhằm phản ứng thái độ ngày càng cứng rắn cũng như các bước đi về quân sự của Tokyo, với nguyên nhân mới nhất là Nhật giới thiệu chiến hạm lớn nhất kể từ Thế chiến 2 hôm 6.8. Bên cạnh đó, tờ Asahi Shimbun dẫn lời ông Chiaki Akimoto, thuộc Viện Nghiên cứu an ninh – quốc phòng Hoàng gia Nhật Bản, nhận định Trung Quốc đang dùng phương pháp “tằm ăn dâu” để tạo ra sự đã rồi, như đã làm với Philippines tại bãi cạn Scarborough. Sau giai đoạn căng thẳng dâng cao tại Scarborough hồi giữa năm 2012, Bắc Kinh liên tục cho tàu chiến và tàu công vụ ra vào khu vực này rồi dần tiến đến phong tỏa. Tới nay, Philippines cáo buộc Trung Quốc đã “chiếm quyền kiểm soát trên thực tế” đối với Scarborough. “Tình hình có vẻ rất giống như ở Scarborough. Chiến thuật của Trung Quốc là leo thang từng chút một. Nước này còn muốn thăm dò phản ứng của Nhật Bản vì họ không thể dễ dàng giành quyền kiểm soát ở đây”, ông Akimoto nói.
Nhà nghiên cứu Rick Fisher của Viện IASC (Mỹ) thì cảnh báo nguy cơ căng thẳng bùng phát thành xung đột đang tiềm ẩn trên biển Hoa Đông. “Tới giờ, hai bên chỉ mới “xô đẩy nhau” và chưa bên nào tung ra cú đấm. Tuy nhiên, một khi đã tự tin vào thực lực của mình thì Trung Quốc có thể sẽ tạo ra một tình huống dẫn đến một cuộc chiến nhỏ mà nước này tin chắc sẽ thắng”, ông Fisher nhận định với AFP. “Theo tôi, ban lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng một cuộc xung đột quy mô nhỏ, chắc thắng và nằm trong tầm kiểm soát sẽ rất có lợi”, ông nói.
Lê Loan