Cải cách chính trị dựa vào dân
Diễn đàn Hội đồng cải cách chính trị bắt đầu ở Thái Lan dưới sự chủ trì của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và sự tham gia của khoảng 70 nhân vật hàng đầu thuộc các lĩnh vực.
Cải cách chính trị dựa vào dân
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra điều phối diễn đàn Hội đồng cải cách chính trị ngày 25-8 ở Bangkok – Ảnh: Reuters
Hội nghị với chủ đề “Cùng nhau thúc đẩy cải cách Thái Lan, phát triển dân chủ và đất nước” diễn ra tại hội trường Santi Maitri của tòa nhà chính phủ từ ngày 25-8. Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Yingluck tuyên bố chính phủ sẽ chỉ đóng vai trò của “điều phối viên” để các chuyên gia giàu kinh nghiệm đưa ra ý kiến chuyên môn nhằm “giúm tìm ra giải pháp đưa Thái Lan ra khỏi bế tắc chính trị và đặt ra khuôn khổ cho tương lai đất nước”, theo Bangkok Post.
Trước đó, Đảng Dân chủ và Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) của phe áo vàng đã tuyên bố tẩy chay diễn đàn. Tuy nhiên, bà Yingluck cho biết luôn chào đón sự tham gia của nhóm đối lập nếu họ thay đổi quyết định.
Ngoài ra, bà Yingluck thông báo một diễn đàn tái hòa giải sẽ diễn ra ngày 2-9, trong đó nhiều nhân vật cao cấp trên thế giới như cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan và cựu thủ tướng Anh Tony Blair sẽ được mời phát biểu về những kinh nghiệm có thể có ích cho Bangkok về vấn đề này.
Trao quyền cho nhân dân
7 điểm trọng tâm Thủ tướng Yingluck đưa ra khuôn khổ bảy điểm trọng tâm của cải cách, gồm: đảm bảo sự vững mạnh của nền quân chủ lập hiến; giảm và giải quyết các bất công xã hội và nghèo đói; có cơ chế làm việc minh bạch, có thể kiểm tra được và phù hợp với các nguyên tắc quản lý; tạo lập công bằng và bình đẳng để đảm bảo các quyền cơ bản của người dân theo quy định của luật pháp; tạo sự tin tưởng lẫn nhau, bao dung và ưu tiên các lợi ích của nhân dân và điều đúng đắn. |
Những nhân vật có mặt rất sớm tại diễn đàn gồm các cựu thủ tướng Chavalit Yongchaiyudh, Somchai Wongsawat, Banharn Silpa-archa và các cựu quan chức nắm chức vụ cao trong chính phủ và các đảng chính trị.
Tại diễn đàn, cựu thủ tướng Chavalit lên tiếng kêu gọi trao cho người dân một vai trò và quyền lực lớn hơn trong tiến trình cải cách chính trị và phát triển dân chủ. Ông cho biết trong những nỗ lực giải quyết mâu thuẫn trước đây, các cuộc đảo chính quân sự và nhiều lần viết lại hiến pháp, thì quyền tối cao của nhân dân đã không được đề cập một cách nghiêm túc.
Lãnh đạo Mặt trận Dân chủ chống độc tài của phe áo đỏ (UDD), bà Tida Tawornseth, cũng cảnh báo nỗ lực cải cách sẽ thất bại nếu người dân không tham gia vào tiến trình này bởi đây là “diễn đàn của toàn bộ người dân trên cả nước”. Theo bà, thách thức hiện nay là hiện thực hóa sự bình đẳng, nhất là bình đẳng chính trị, trong nhân dân. Trong khi đó, báo The Nation dẫn lời lãnh đạo Sonthi Boonyaratglin của Đảng Matuphum nói thêm rằng nghèo đói và bất bình đẳng trong giáo dục đang cản trở nền dân chủ của Thái Lan.
Hàng chục chính khách, chuyên gia thuộc các đảng phái, tổ chức xã hội, kinh tế, truyền thông được mời tham dự diễn đàn kéo dài trong năm giờ và mỗi người chỉ có chưa đầy 10 phút để phát biểu. Đã có nhiều ý kiến đề xuất cải cách đưa ra nhưng những người tham dự cho biết họ muốn các chính trị gia và công chức phải là những người tiên phong trong sự thay đổi.
Uthai Pimchaichon, cựu chủ tịch quốc hội, cho rằng chính phủ nên bắt tay với lĩnh vực tư nhân để giải quyết các vấn đề. Nhà hoạt động hòa bình Gothom Arya đề xuất thành lập ủy ban nghiên cứu, quản lý và trao đổi ý kiến về cải cách thông qua mạng xã hội. Nhiều ý kiến kêu gọi các đề xuất đưa ra phải thực tiễn và nhanh chóng đưa vào thực hiện. Wuthisarn Tanchai, phó tổng thư ký Viện Vua Prajadhipok, nhấn mạnh cần phải đặt ra mục tiêu cụ thể trong việc giải quyết các vấn đề. “Nếu trong ba tháng nữa mà không có gì, diễn đàn coi như xong” – chủ tịch Hội đồng phát triển chính trị Teerapat Serirangsan cảnh báo.
Chia rẽ
Cựu thủ tướng Abhisit Vejajjiva, lãnh đạo Đảng Dân chủ, trước đó tuyên bố đảng của ông và PAD sẽ không tham gia diễn đàn cải cách trừ phi chính phủ của bà Yingluck rút lại luật ân xá cho các tù nhân chính trị vừa được Hạ viện Thái Lan thông qua. Thành viên Dân chủ Ong-art Klampaibul chỉ trích chính phủ lợi dụng diễn đàn để đánh lạc hướng dư luận khỏi việc sửa đổi hiến pháp.
Ngược lại, nhiều ý kiến chỉ trích phe đối lập lợi dụng điều này để đạt được các lợi ích riêng. “Lối thoát dành cho đất nước này là phải để những người có tư tưởng chính trị khác nhau chung sống trong hòa bình” – bà Tida nói. Dù vậy, ông Chavalit, một người ủng hộ tái hòa giải, cho rằng hành động của PAD cũng vì xã hội và phe đối lập cũng có thể có những đóng góp hữu ích.
Trong khi nhiều nhân vật tham gia đánh giá cao nỗ lực của chính phủ trong việc tạo ra diễn đàn để nói về các vấn đề của quốc gia, Chaivat Satha-Anand – nhà khoa học chính trị hàng đầu thuộc Đại học Thammasat – lo ngại việc phe đối lập không tham gia sẽ khiến hội đồng cải cách trở nên phiến diện. Theo ông Chaivat, nỗ lực tái hòa giải quốc gia của bà Yingluck cũng sẽ khó mà đạt được.
TRẦN PHƯƠNG