25/11/2024

Bốn con yêu Long Thành

Cuối đời Lê, tục ngữ Thăng Long có câu: Long thành có bốn yêu tinh Yêu trước hồ Giám yêu đình Đồng Xuân Yêu cây bàng giữa Hàng Cân Yêu gốc cây Liễu bên sân chùa Tầu

 

Bốn con yêu Long Thành

Trong Đi dọc Hà Nội (tái bản 2013 – Chibooks và NXB Thời Đại đồng ấn hành), tác giả Nguyễn Ngọc Tiến khiến độc giả bất ngờ về vô số các sự tích như bốn con yêu Long Thành, con ma Hàng Trống, xuất xứ chiếc váy phụ nữ Hà Nội xưa…

Cuối đời Lê, tục ngữ Thăng Long có câu:

Long thành có bốn yêu tinh
Yêu trước hồ Giám yêu đình Đồng Xuân
Yêu cây bàng giữa Hàng Cân
Yêu gốc cây Liễu bên sân chùa Tầu

Bốn con yêu ấy thống quản phần âm u, phần tín ngưỡng lòng dục vọng của người thành Thăng Long suốt đời Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Quang Trung, Cảnh Thịnh, Gia Long. 80 năm làm ma làm yêu ở thành Thăng Long, bốn con yêu ấy kể ra cũng khỏe cũng dai lắm. Sau khi nó đã tàn thời hết thiêng mà thiên hạ vẫn còn e ấp sợ hãi mãi. Trong một cuốn sách, nhà văn Nguyễn Triệu Luật kể về bốn con yêu này:

 Văn Miếu môn nhìn từ hồ Giám - d

Văn Miếu môn nhìn từ hồ Giám – Ảnh: Ngọc Thắng

 ”Trước cửa Giám bây giờ người ta vẫn thấy một cái hồ con. Giữa hồ có một bãi cỏ xanh, giữa bãi cỏ xanh có một cái miếu nhỏ. Hồi ấy cuối đời Lê còn rộng sau này mở mang thành phố nên người ta mới lấp bớt đi. Con yêu trước hồ thường ẩn hiện ở những nơi hoang vu quanh Giám mà ít khi dám vào trong đền. Con yêu ấy của đáng tội cũng không yêu ác gì cho lắm vì suốt đời 80 năm của nó, nó không từng làm hại một người nào. Nó chỉ đón bọn học trò rồi trêu ghẹo chơi nếu người ấy không đứng đắn. Nếu người đó đứng đắn thì nó cũng chẳng trêu ghẹo nhưng có điều ai cũng nhận thấy là: Ai gặp nó ôn tồn chào hỏi thì người ấy tất về sau khá, ai thấy nó cung kính thì người ấy tất về sau nổi tiếng và được người ta kính trọng vô cùng dù sự nghiệp lận đận dù đời nhiều đoạn bi thương. Ai thấy nó mà hát hỏng bông đùa thì người ấy tất là người quỷ quyệt và hay chết một cách bất thường. Ai thấy nó quay mặt đi, người ấy tất là tiểu nhân nham hiểm. Năm ông Lê Quí Đôn đi thi gặp con yêu đó ở cổng Văn Miếu, nó chắp tay vái dài một cái rồi nói: Ông thông minh hơn người nhưng đừng kiêu hãnh quá mà chết có ngày.

Năm Cảnh Hưng 27 khoa thi Bính Tuất, Ngô Thì Sỹ và Lý Trần Quán cùng đi qua trước hồ Giám, con yêu chắp tay cung kính khi hai ông đi qua. Lý Trần Quán đi trước, Ngô Thì Sỹ đi sau mấy bước. Lý đi khỏi, con yêu vẫn chắp tay cung kính như cũ và cất tiếng hát nho nhỏ:

Hơn nhau hơn một chữ thì

Cuối thu ngựa lại chết vì chuột con

Sau ông Lý Trần Quán đỗ tiến sĩ làm quan tới chức Thiêm tri Lại phiên rồi năm nhà Trịnh mất, chúa Trịnh bị bắt, ông tự chôn sống để theo chúa. Ngô Thì Sỹ cũng đỗ tiến sĩ nhưng đến năm Canh Tý ông chết vì công việc của ông đang làm. Tên chữ ông là Ngọ Phong, ngọ là năm ngựa. Con yêu ấy báo tin cho ai đỗ ai hỏng rất đúng. Vì vậy ai gặp nó có thể dựa vào những câu chuyện đã xảy ra trước mà đoán biết qua loa vận mình. Nó ít khi hiện ra cho lái buôn cùng người cày ruộng xem mà chỉ hiện ra cho học trò xem thôi. Có người nói phỏng rằng kiếp xưa nó là một người đàn bà có học hoặc vợ một người học trò bất đắc chí nên khi làm yêu ma, nó cũng thiện chí với học trò”.

Bây giờ không còn ai có thể nhận ra đình Đồng Xuân vì nó bị che lấp bởi các cửa hàng nhưng cạnh phương đình giữa sân thời trước có một cây đề thật to, thân hai người ôm không xuể, tán cây vùng ra che khắp cái sân rộng ngót mẫu đất. Phương đình nấp dưới tán cây nên luôn được mát. Nhưng khổ nỗi là dưới gốc cây có ma nên ít người dám lui tới. Nguyễn Triệu Luật viết: “Đó là chỗ con ma đình Đồng Xuân ở có lúc nó hiện ra ngồi trong phương đình, có lúc nó hiện ra đứng dưới gốc đề. Những đêm khuya thanh vắng dưới ánh trăng mờ dưới tán lá đề ngâm phong điệp thì ông thủ từ vẫn thấy nó đứng dưới gốc cây ngâm thơ đọc sách. Con yêu này cũng hơi giống con yêu hồ Giám cũng chỉ hay nói chuyện với học trò hay trêu người cũng không làm hại một ai. Nhưng nó khác là ở chỗ nó không cung kính một ai và hễ nói là nói câu sâu sắc chua chát. Gặp ai mà nó im quay mặt đi thì người đó khá giả đến nơi. Gặp ai nó nói mát cùng một câu là người ấy y như có việc bực mình xảy đến nay mai. Gặp ai nó vui cười chào hỏi là người ấy sau đây năm chìm bảy nổi chẳng ra sao cả. Dường như nó khinh người sắp giàu sang chẳng thèm hỏi tới mà nó coi người phong trần lạc phá là bạn cùng thuyền”. Bởi thế mới có câu ngạn ngữ:

Yêu Đồng Xuân cứ khinh
Tớ nhẹ đường công danh
Yêu Đồng Xuân mà trọng
Trăm việc làm trăm hỏng

Chỗ vườn hoa giáp hồ Hoàn Kiếm và đường Đinh Tiên Hoàng xưa là xóm An Trường phường Hàng Kiếm. Vào chỗ trước cửa nhà máy điện trông sang có cái ngõ đi thẳng vào ngõ An Trường. Đường đầu cái ngõ ấy trông xế là Tòa Đốc Lý (nay là UBND TP.Hà Nội) thấy cái tam quan chùa Tầu. Chùa ấy do người Tầu làm ra để ghi công ông Thiêm đô Ngự sử họ Phan đời Lê. Cũng theo Nguyễn Triệu Luật thì: “Ở giữa sân chùa có gốc liễu già, vào mùa xuân, tơ buông thõng dài từ ngọn đến sát đất trông như đàn bà rũ tóc hóng gió. Gốc liễu ấy lâu ngày thành tinh. Lâu ngày sợ tinh sợ yêu chùa cũng bỏ hoang luôn không ai nhìn nhận tới. Có hôm trở trời, người dân xóm An Trường trông thấy nó ngồi đánh đu trên cành liễu. Có người đồn rằng kiếp trước nó là một trinh nữ đi qua bãi cỏ trước chùa bị một người hãm hiếp, ức quá cắn lưỡi chết. Vì chết một cách uất ức chua xót thế nên thành yêu nó vẫn mang một mỗi căm thù với hết thảy đàn ông. Vì thế nó chỉ trêu đàn ông và không trêu đàn bà”.

Nguyễn Ngọc Tiến