Đường đến giảng đường vẫn còn xa vợi
Câu chuyện vượt khó xúc động của hai tân sinh viên thiếu cha vắng mẹ nhưng vẫn nỗ lực học tập, cố gắng mưu sinh để tiếp tục đến trường…Hiện để có tiền đến trường ĐH, cả hai bạn đều đang làm phục vụ tại hai quán cơm ở TP.HCM.
Đường đến giảng đường vẫn còn xa vợi
Hiện để có tiền đến trường ĐH, cả hai bạn đều đang làm phục vụ tại hai quán cơm ở TP.HCM.
Cô bé hay ngủ gật trên bàn học…
“Có người còn khổ hơn mình!” Lê Nguyễn Bạch Tuyết hiện là phó bí thư Đoàn KP5, P.11, quận 3 và chủ nhiệm nhóm thiện nguyện cấp phát thuốc miễn phí “Giấc mơ xa”. Từ hồi ông ngoại mất cách đây hơn hai năm do bệnh, rồi bà ngoại sức khỏe ngày càng yếu không có tiền mua thuốc nên Tuyết đã nghĩ “mình nghèo nhưng có những người còn khổ hơn mình”, bạn thành lập một nhóm thiện nguyện cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Nhóm quyên góp, vận động tiền để mua thuốc đem tới vùng sâu vùng xa, tổ chức các hoạt động khám bệnh, phát thuốc và tặng những vật phẩm cho người nghèo. |
Sinh ra đã không biết cha là ai, mẹ bị bệnh tâm thần, Xuân được ông bà ngoại cưu mang. Với bao nỗ lực vượt qua khó khăn và mặc cảm, giờ đây Phan Thị Xuân đã trúng tuyển Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nhưng con đường tới trường của bạn vẫn còn quá gian nan.
Tin con gái của o Đào bị bệnh tâm thần đậu đại học đã trở thành một “sự kiện” gây xôn xao nơi xóm nghèo của xã Xuân Thành, tỉnh Nghệ An. Người dân ở đây đều thương gia cảnh của Xuân, ai cũng ái ngại không biết Xuân có thể theo đến cùng con đường đại học. Mẹ Xuân vừa sinh ra đã bị viêm não, thần kinh không ổn định, mọi sinh hoạt không bình thường… Ông bà ngoại tuổi đã cao, phải nuôi dưỡng cả hai mẹ con Xuân. Cuộc sốn
g gia đình đã nghèo lại càng túng quẫn hơn, nhưng điều kỳ diệu là sau khi sinh bệnh tình của mẹ Xuân đã giảm phần nào. Người mẹ này cũng hết mực yêu thương con mình như bao người mẹ khác. Những lúc tỉnh táo mẹ Xuân rong ruổi từ làng này sang xóm khác nhặt phế liệu, cắt cỏ, thậm chí… ăn xin để kiếm tiền nuôi con…
Ý thức được hoàn cảnh gia đình, ngay từ nhỏ Xuân đã thành thạo mọi công việc, cứ đi học về Xuân lại xắn tay áo làm việc nhà, việc đồng áng. Lớn lên trong hoàn cảnh bất hạnh, khốn khó nhưng nhiều năm liền Xuân là học sinh khá, học đều các môn. Không có điều kiện đi học thêm, luyện thi ở lớp, Xuân mượn sách vở các bạn và tự ôn luyện. Quần áo, sách vở, mọi thứ Xuân có đều do đi xin và làng xóm cho…
Bà Hồ Thị Hoan (71 tuổi), bà ngoại của Xuân, nghẹn ngào khi kể về đứa cháu gái: “Ban ngày Xuân đâu có thời gian mà tập trung học như bạn bè. Thương tôi tuổi cao sức yếu, nó giành làm luôn mấy sào ruộng. Tối đến cháu nó mới ngồi vào bàn học, nhiều hôm mệt ngủ gật trên bàn…”.
Xuân đưa tay gạt nước mắt tâm sự: “Nhiều lần em định bỏ học giữa chừng vì thấy tủi thân cho hoàn cảnh của mình. Không có sự khuyên nhủ của ông bà chắc em không trụ nổi. Thấy mẹ vất vả, ông bà lớn tuổi đau ốm, em xin được nghỉ học để đi làm nhưng không ai chịu. Nhiều lúc thấy ông bà tính toán chuyện bán ruộng, vay nợ… em khóc thầm một mình”.
Sau khi thi xong đại học, Xuân vào Đồng Nai xin làm giúp việc, phụ giữ trẻ cho người quen mong kiếm thêm ít tiền cho ngày nhập học. Ông bà ngoại đã bán bò và vay mượn thêm để có tiền đóng học phí đầu năm cho Xuân. Gặp Xuân vừa làm xong thủ tục nhập học, bạn vừa mừng vừa lo nói: “Em được người quen giới thiệu cho ở tại một quán ăn trong làng ĐH Thủ Đức. Sau buổi học, công việc của em là phục vụ quán. Em mừng vì trước mắt không lo đói, có chỗ ở nhưng từ năm sau trở đi bài vở nặng hơn, vừa học vừa làm như vậy không biết em có kham nổi không”.
Xuân học ngành quản trị kinh doanh với hi vọng thoát nghèo, thay đổi cuộc đời: “Với hoàn cảnh em bây giờ chỉ có con đường học vấn là duy nhất để thoát nghèo. Em không muốn ông bà phải khổ vì em, còn mẹ lo nghĩ cho em mà phát bệnh nữa”.
Quyết tâm bám chữ của cô gái nghèo
Sinh ra chưa đầy năm, cha bỏ đi biệt tích, mẹ cũng bỏ Tuyết để đi bước nữa. Ông bà ngoại đưa Tuyết về cưu mang. Năm 2007, Lê Nguyễn Bạch Tuyết (Trần Văn Đang, P.11, Q.3, TP.HCM) thi đậu Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhưng vì không đủ tiền nhập học và phần lo lắng cho bà ở nhà không ai chăm sóc nên Tuyết đành gạt nước mắt rời bỏ giảng đường, sau đó lại tiếp tục mưu sinh bằng nhiều nghề: phục vụ quán, công nhân, bán hàng… thầm mong có ngày sẽ được quay lại con đường học vấn. Năm nay Tuyết thi đậu Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM nhưng phía trước em là cả một nỗi niềm lo lắng không yên.
Từ bé, cô tân sinh viên đã quen với cuộc sống không tình thương của mẹ cha. Một ngày của Tuyết bắt đầu từ sáng sớm phụ bà mở hàng rau rồi tất tả chạy đi học. Khi vào học cấp II, Tuyết nhận thêm báo bán ngay trong trường học, sau 17g lại lấy nước ngọt về đi bán. Đến tận đêm khuya Tuyết mới ngồi vào bàn học. Khi học lớp 10 cuộc sống quá khó khăn, Tuyết đã muốn bỏ học, nhưng nhìn thấy bà khóc vì lo lắng cho mình, Tuyết đã từ bỏ ý định này…
Tuyết kể: “Em đã quen với cuộc sống tự lập 20 năm nay, cách đây bốn năm mẹ trở về bất ngờ, em đã bỏ đi vì tủi và giận. Khi bình tĩnh lại, em nghĩ có lẽ vì gia đình quá nghèo, mẹ không chịu được nỗi đau khi mất hai chị, bố bỏ đi nên mới làm vậy. Vì thế em cũng không trách mẹ nữa. Mẹ trở về nhưng vắng nhà suốt, mẹ cũng nghèo nên không giúp gì được cho em…”.
Khoảng thời gian nộp hồ sơ dự thi là những ngày dài Tuyết lo lắng, trăn trở: “Nếu thi đậu thì một mình vừa học vừa làm, liệu có gắng nổi không. Còn bà ngoại đã lớn tuổi, mù lòa lại đau bệnh, để bà một mình sao đành…”. Có lúc nản chí, Tuyết muốn từ bỏ tất cả, nhưng khi nghe lời bà ngoại khuyên Tuyết lại quyết tâm vừa làm vừa ôn thi chỉ trong một tháng.
Khi cầm trong tay tờ giấy báo trúng tuyển, Tuyết vui mừng khôn xiết. Nhưng niềm vui đó chỉ đến trong chốc lát, cô tân sinh viên trầm ngâm, ngồi suy nghĩ về tiền học trong ba năm… Thấy bà lo lắng, Tuyết nói với bà: “30-9 nhập học, bên trường báo khoảng 4,5 triệu đồng học phí. Ngoại yên tâm, từ hè tới giờ con làm phục vụ, gắng tiết kiệm, cũng được ít…”.
Ngồi bên cháu, bà Phan Thị Lự – bà ngoại của Tuyết với đôi mắt mờ đục, hõm sâu – nghẹn ngào: “Tâm nguyện lớn nhất của tôi giờ là mong Tuyết theo được đến cùng cái chữ để đời nó không khổ nữa…”.
VÂN ANH – HOÀNG MAI