08/01/2025

“Sổ tay tự kỷ của bác sĩ” vào trường

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa phát hành cuốn Sổ tay tự kỷ của bác sĩ đến các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn, giúp giáo viên có tài liệu tham khảo, nhận biết các dấu hiệu trẻ bệnh tự kỷ để có những ứng xử đúng.

“Sổ tay tự kỷ của bác sĩ” vào trường

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa phát hành cuốn Sổ tay tự kỷ của bác sĩ đến các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn, giúp giáo viên có tài liệu tham khảo, nhận biết các dấu hiệu trẻ bệnh tự kỷ để có những ứng xử đúng.

Giáo viên hướng dẫn trẻ về vận động tại Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí, TP.HCM - Ảnh: M.Dung 

Tại Việt Nam, không ít bậc phụ huynh cũng như nhân viên ngành y tế, giáo dục vẫn còn hạn chế trong việc nhận biết các dấu hiệu của bệnh tự kỷ, trong khi “tuổi vàng” can thiệp bệnh này là 2-5 tuổi.

Bắt bệnh qua cử động trẻ

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh – cố vấn tâm lý, khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, người hiệu đính cuốn Sổ tay tự kỷ của bác sĩ – cho biết số trẻ đến khám và mắc bệnh tự kỷ ngày càng tăng, một phần là do ngày càng nhiều phụ huynh sớm nhận diện được các dấu hiệu nghi ngờ trẻ có hội chứng tự kỷ nên đưa con đến khám.

Trường hợp sớm nhất phụ huynh đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 là bé 3 tháng tuổi khi người mẹ thấy bé không nhìn vào mắt mình.

 

Ông Đỗ Minh Hoàng, chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết từ đầu năm học 2013-2014, 900 cuốn Sổ tay tự kỷ của bác sĩ, dày 35 trang do Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn, sẽ được các phòng GD-ĐT quận, huyện phân phối đến các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn TP. Trong đó, 600 cuốn sẽ phân phối cho bậc tiểu học và 300 cuốn phân phối đến bậc mầm non. Cuốn sổ tay đưa ra nhiều dấu hiệu gợi ý và hình ảnh minh họa dễ hiểu để giúp bác sĩ, thầy cô giáo, phụ huynh… nhận diện dấu hiệu của bệnh tự kỷ được dịch từ cuốn sổ tay cùng tên của Tổ chức HANS (Help Autism Now Society).

 

Khác với nhiều bệnh khác, người nhận diện sớm bệnh tự kỷ của trẻ thường là phụ huynh.

Vì thế, những tài liệu hướng dẫn để bố mẹ nhận diện sớm về bệnh càng cần thiết hơn.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, người sáng lập Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), đơn vị đã xin phép dịch cuốn Sổ tay tự kỷ của bác sĩ của Tổ chức HANS (Hãy giúp đỡ trẻ tự kỷ ngay từ bây giờ) ra tiếng Việt, cho biết nguyên nhân đầu tiên khiến ông “thích” và xin phép dịch cuốn sách này là sách rất dễ hiểu, có tranh, có chú thích, hình ảnh rất sinh động và phù hợp với không chỉ phụ huynh mà còn cả bác sĩ, giáo viên và cộng đồng người quan tâm đến sức khỏe, trí tuệ của trẻ.

Từ những điều ghi chú trong cuốn sổ tay, phụ huynh có thể kiểm tra các hội chứng tự kỷ nếu thấy nghi ngờ qua các bảng “chat”.

Bảng kiểm tra được dùng cho trẻ từ 18 tháng đến 3 tuổi và dựa vào bảng này, phụ huynh sẽ biết con mình có nguy cơ bị bệnh tự kỷ cao hay thấp khi đến tuổi chập chững biết đi.

Chẳng hạn, lúc 18 tháng tuổi nếu cha mẹ thấy trẻ không biết chơi giả bộ, không chú ý liên kết và bác sĩ kiểm tra lại thấy trẻ không theo dõi một vật được chỉ bằng ngón trỏ, không chơi trò giả bộ được và không chỉ một vật nào đó thì trẻ có nguy cơ cao bị bệnh tự kỷ.

Nhưng nếu trẻ không biết chơi giả bộ mà biết chú ý liên kết, biết chỉ một vật nào đó thì chỉ ở nguy cơ trung bình. Còn không thuộc hai mức độ nguy cơ trên thì trẻ có nguy cơ thấp về bệnh tự kỷ.

Ngoài việc “bắt bệnh” bằng “chat”, phụ huynh, bác sĩ, giáo viên… cũng nắm được những triệu chứng hành vi của bệnh tự kỷ như về vấn đề xã hội, giao tiếp, hành động kỳ quặc, vận động, cảm giác, an toàn hay cả việc nhạy cảm quá mức của trẻ.

Can thiệp sớm, trẻ có thể hòa nhập

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh cho biết triệu chứng của bệnh tự kỷ rất đa dạng và phức tạp bao gồm một nhóm các dấu hiệu như kém quan hệ xã hội (như gọi tên không quay lại, thích chơi một mình, không cho ẵm bế, không biết chỉ ngón trỏ…), chậm nói, chưa nói hoặc có những hành vi kỳ quặc…

Nguyên nhân của bệnh cũng chưa được biết và hiện chưa có thuốc chữa. Bệnh có thể bị do di truyền hoặc những tác nhân từ môi trường, độc chất… lên gen khiến người bệnh bị vấn đề về não.

Tuy vậy nếu phát hiện, được can thiệp sớm có thể điều chỉnh được hành vi, giúp trẻ tự lập và hòa nhập cộng đồng được.

Chiều 29-8, khi có mặt tại Trường chuyên biệt Khai Trí, chúng tôi được tận mắt chứng kiến bé B.L (40 tháng tuổi) cùng mẹ vào mua đồng phục.

Sau một thời gian được điều trị cả về vận động, tâm sinh lý, bé B.L đã biết chỉ, biết nhìn vào mặt người khác và biết chào người lớn dù bé vẫn nói ít… Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm cho biết “độ tuổi vàng” để can thiệp cho trẻ là từ 2-5 tuổi. “Nếu để quá 5-6 tuổi mới can thiệp thì trẻ tự kỷ rất khó dạy và nếu lớn hơn rõ ràng còn khó khăn hơn” – bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm nói.

Theo bác sĩ Mẫm, trẻ tự kỷ có hai nhóm: biết nói và không biết nói (50%), cá biệt có những trẻ tự kỷ nhưng giỏi về toán, vi tính hay có một vài tài khác.

Đối với những trẻ tự kỷ có tài, nếu phát hiện sớm chúng ta có thể vận động, khuyến khích trẻ, giúp trẻ phát triển tốt lên. Còn những trẻ tự kỷ ở các “phổ” khác nếu can thiệp sớm cũng có thể cải thiện hành vi, có kỹ năng sống hướng đến làm những công việc đơn giản.

Chế độ dinh dưỡng riêng

Trẻ tự kỷ có ba khiếm khuyết lớn: tương tác xã hội kém, giao tiếp bằng lời khó khăn (50% nói được và 50% không nói được), khiếm khuyết hành vi…

Đi kèm với bệnh tự kỷ, trẻ sẽ có những bệnh kèm theo như xáo trộn tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ.

Theo thống kê của bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, khoảng 70% trẻ tự kỷ sẽ bị táo bón và kèm với táo bón là bị tăng động. Nếu chỉ nhìn hình dáng, rất khó phân biệt trẻ tự kỷ với trẻ bình thường vì đa số trẻ tự kỷ đều đẹp, thậm chí là rất đẹp.

Thế nên khi có nghi ngờ phải cho trẻ khám và biết trẻ rơi phải trường hợp tự kỷ nào để có phương pháp giáo dục tâm lý, điều trị y sinh hợp lý.

Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, với trẻ tự kỷ, phụ huynh phải biết tránh những thực phẩm gây phản ứng cho trẻ. Chẳng hạn, với trẻ tăng động thì không nên cho trẻ uống sữa bò và ăn bánh mì (bánh được làm từ bột lúa mạch). Vì trong sữa bò và bánh mì có chất casein, gluten vào ruột sẽ biến thành các chất gây tăng động thêm.

Thay vào đó, trẻ cần được uống sữa đậu nành, ăn cơm gạo lứt, uống nước năm loại đậu để giảm tăng động, cải thiện vấn đề tiêu hóa.

MỸ DUNG