26/11/2024

Trang trại Trung Quốc ở Ukraine

Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của 1,34 tỉ dân, Trung Quốc đang ồ ạt mua và thuê đất nông nghiệp nước ngoài. Ukraine vừa trở thành “trang trại” lớn nhất của Bắc Kinh.

 

Trang trại Trung Quốc ở Ukraine

 
 

Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của 1,34 tỉ dân, Trung Quốc đang ồ ạt mua và thuê đất nông nghiệp nước ngoài. Ukraine vừa trở thành “trang trại” lớn nhất của Bắc Kinh.

Ngày 22-9, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) đưa tin Tập đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương (XPCC) xác nhận đã ký một hợp đồng lớn với Công ty nông nghiệp Ukraine KSG Agro từ hồi tháng 6. Theo đó, XPCC sẽ thuê 3 triệu ha đất nông nghiệp tại Ukraine để trồng hoa màu và chăn nuôi heo trong vòng 50 năm tới. Ban đầu, phía KSG Agro sẽ cung cấp cho XPCC 100.000 ha đất nông nghiệp chất lượng cao ở vùng Dnipropetrovsk. Vùng nông nghiệp khổng lồ này sẽ cung cấp sản phẩm với giá rất ưu đãi cho hai công ty thực phẩm nhà nước Trung Quốc. XPCC không công bố giá trị hợp đồng, nhưng báo Kyiv Post khẳng định phía Trung Quốc đã chi tới 2,6 tỉ USD. Báo này mô tả đây là khoản đầu tư nước ngoài “với quy mô chưa từng thấy” vào ngành nông nghiệp Ukraine.

Kết hợp nhập khẩu và đầu tư nước ngoài

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới và hiện là nước tiêu thụ hoa màu lớn nhất. Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Phát triển bền vững quốc tế (www.iisd.org), diện tích đất nông nghiệp tính theo đầu người của Trung Quốc chỉ bằng chưa đầy 40% con số trung bình toàn cầu và nguồn nước chỉ bằng 25%. Tình trạng đô thị hóa ồ ạt khiến diện tích đất nông nghiệp ở Trung Quốc ngày càng bị thu hẹp.

“Đô thị hóa tăng tốc, tốc độ tiêu thụ nhanh khiến nhu cầu thực phẩm ngày càng phình ra, giá ngũ cốc trong nước bắt đầu tăng cao hơn so với giá quốc tế” – SCMP dẫn lời nhà nghiên cứu Ding Li thuộc Hãng tư vấn Anbound Consulting tại Bắc Kinh cho biết. Do đó, bất chấp sản lượng hoa màu liên tục tăng trưởng trong 10 năm qua, thâm hụt thương mại nông nghiệp Trung Quốc tăng lên 40 tỉ USD trong năm 2012 từ ngưỡng 34,12 tỉ USD của năm 2011. IISD cho biết trên thực tế chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện rất hiệu quả chính sách phát triển ngành nông nghiệp trong nước. Hỗ trợ của chính phủ cho ngành nông nghiệp tăng gần 100% từ năm 2005-2008, từ 48 tỉ USD lên đến 93 tỉ USD. Dù vậy, do nhu cầu quá lớn nên năm ngoái Trung Quốc nhập khẩu gần 14 triệu tấn ngũ cốc và bột ngũ cốc, tăng hơn 150% so với năm 2011.

Từ năm 2011, Trung Quốc lần đầu tiên nhập khẩu bắp, gạo và bột mì nhiều hơn xuất khẩu. Nước này cũng là nhà nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, chính quyền Bắc Kinh khó có thể hiện thực hóa mục tiêu tự sản xuất 90% sản lượng lương thực. Do đó, Bắc Kinh đã áp dụng chiến lược kết hợp giữa nhập khẩu và “đầu tư nước ngoài”, như khẳng định của nhà nghiên cứu Zhu Gang thuộc Viện Nghiên cứu nông nghiệp thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc.

Đã từ lâu, Trung Quốc nhòm ngó những quốc gia châu Phi và châu Á có diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng lớn. IISD cho biết tháng 11-2008 chính quyền Bắc Kinh công bố chiến lược “Đầu tư toàn cầu” trong lĩnh vực nông nghiệp. Và mua đất nông nghiệp nước ngoài là một phần trong chiến lược này. Qua đó, các công ty Trung Quốc chủ động quản lý và kiểm soát hoạt động sản xuất, mua trực tiếp từ nhà sản xuất và mở rộng thị trường ra các nước thứ ba.

Mua đất ồ ạt

Trong những năm qua, các công ty Trung Quốc rất tích cực mua đất nông nghiệp ở nước ngoài. Trước XPCC, tập đoàn nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc Beidahuang Group, trụ sở ở tỉnh Hắc Long Giang và Công ty Hoa màu Trùng Khánh đều đã tiến ra nước ngoài, đặc biệt ở Nam Mỹ. SCMP cho biết Beidahuang thuê 234.000 ha để trồng đậu nành và ngô ở Argentina, còn Công ty Hoa màu Trùng Khánh chi 375 triệu USD trồng đậu nành ở Brazil và 1,2 tỉ USD để thuê đất ở Argentina trồng đậu nành, ngô và bông. Trung Quốc còn bị cáo buộc là “cướp đất” ở các nước châu Phi nghèo đói và tham nhũng. Báo cáo của IISD cho biết năm 2011, đặc sứ phụ trách châu Phi của Đức là Guenter Nooke tố cáo Trung Quốc mua ồ ạt đất ở vùng Sừng châu Phi khiến nạn đói xảy ra tại đây. Ông Nooke cho biết các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nông nghiệp tại châu Phi chỉ phục vụ xuất khẩu sang chính Trung Quốc, dẫn tới xung đột xã hội ở châu Phi bởi nông dân địa phương bị mất đất và mất luôn cuộc sống của mình.

Năm 2009, báo The Economist đưa tin Trung Quốc ký hợp đồng với Zambia để thuê dài hạn 2 triệu ha đất nông nghiệp nước này. Năm 2008, tập đoàn viễn thông Trung Quốc cũng mua 100.000 ha đất ở CH Congo trồng dầu cọ. Giới chuyên gia kinh tế quốc tế cho biết ngoài việc đáp ứng nhu cầu lương thực, chiến lược mua đất nông nghiệp ở nước ngoài còn giúp các công ty Trung Quốc đưa hàng triệu lao động nước này ra nước ngoài làm việc. Hợp đồng của XPCC với phía Ukraine có điều khoản cho phép XPCC đưa lao động Trung Quốc đến Ukraine. Theo báo The Economist, hiện có khoảng 1 triệu lao động Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại các nước châu Phi. Một số nhà lãnh đạo châu Phi đã lên tiếng than phiền về hiện tượng nông dân Trung Quốc ồ ạt di cư đến lục địa đen. Năm 2011, ông Carlo Lovatelli, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp dầu thực vật Brazil, than thở: “Người Trung Quốc đến để mua đất và tìm đối tác làm ăn. Nhưng họ chỉ muốn tự mình đạo diễn mọi thứ”. Với việc thuê 3 triệu ha đất của Ukraine, Trung Quốc cho thấy chiến dịch “Đầu tư toàn cầu” về nông nghiệp của nước này không có dấu hiệu ngừng lại.

HIẾU TRUNG