Rất ít doanh nghiệp yêu cầu tuyên bố phá sản
TAND tối cao trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật phá sản (sửa đổi). Một trong những điểm đáng ngạc nhiên là sau chín năm thi hành luật (từ năm 2004 đến nay), có hàng trăm ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể nhưng mới chỉ có 83 doanh nghiệp được toà tuyên bố cho phá sản.
Rất ít doanh nghiệp yêu cầu tuyên bố phá sản
Trình bày dự thảo luật, ông Nguyễn Sơn – phó chánh án TAND tối cao – cho biết lần này dự luật đã đưa ra các quy định cụ thể hơn về điều kiện phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã. “Theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản. TAND tối cao cho rằng cần sửa đổi theo hướng doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian ba tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản. Việc quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã có khoảng thời gian nhất định để thanh toán nợ” – ông Sơn cho biết. Dự luật cũng quy định chỉ TAND cấp tỉnh mới có quyền giải quyết thủ tục phá sản.
Theo tờ trình của TAND tối cao, riêng năm 2012 số đăng ký là 69.874 doanh nghiệp, trong đó dừng hoạt động và giải thể là 54.261 (có 44.906 doanh nghiệp dừng và 9.355 giải thể) nhưng trong chín năm thi hành Luật phá sản 2004, tòa án thụ lý tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, đã ra quyết định mở thủ tục phá sản 236 trường hợp (trong đó tòa quyết định tuyên bố phá sản 83 trường hợp, còn 153 vụ việc chưa ra quyết định tuyên bố phá sản). Con số này được cho là bất thường so với thông lệ quốc tế.
LÊ KIÊN