10/01/2025

Dự án thịt sạch cho mọi người

Tại nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM, các quầy thịt bằng gỗ, bêtông nhếch nhác nay đã được thay thế bằng những dãy bàn inox sáng trưng, sạch sẽ. Nhiều bà nội trợ yên tâm hơn khi vào chợ mua thịt heo chính do sự thay đổi lớn ở những quầy thịt này.

Dự án thịt sạch cho mọi người

Tại nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM, các quầy thịt bằng gỗ, bêtông nhếch nhác nay đã được thay thế bằng những dãy bàn inox sáng trưng, sạch sẽ. Nhiều bà nội trợ yên tâm hơn khi vào chợ mua thịt heo chính do sự thay đổi lớn ở những quầy thịt này.

Các quầy đã sạch sẽ hơn và thịt được bán có xác nhận là thịt sạch – Ảnh: Trần Mạnh 

Đây là kết quả bước đầu của dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ nhằm hỗ trợ cung cấp thịt sạch từ trang trại đến bàn ăn.

Quầy sạch, thịt an toàn vệ sinh

Thay vì ghé vào quầy thịt ngoài lề đường, thời gian gần đây bà Nguyễn Thị Nhân (Tân Bình) thường đi thẳng đến khu nhà lồng (có mái che) trong chợ để chọn mua thịt tại một sạp quen. “Vào trong này sạch sẽ hơn, thịt cũng được kiểm dịch mà không lo bị cân thiếu. Bên ngoài thì hên xui” – bà Nhân cho biết. Mới gần trưa nhưng nhiều sạp thịt tại chợ Trần Văn Quang (Tân Bình) đã hết hàng, chỉ còn lại những chiếc bàn inox với các giá treo sáng bóng, sạch sẽ. Lối đi cũng được dọn rửa sạch nhưng khá trơn vì nền lát gạch men.

 

Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ và Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ quản thực hiện trong sáu năm (2010-2015) với tổng vốn dự kiến 79,03 triệu USD, trong đó vốn ODA là 65,26 triệu USD, vốn đối ứng 3,4 triệu USD và vốn khác 10,37 triệu USD từ nguồn vốn của tư nhân. Dự án được thực hiện trên địa bàn 12 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Lâm Đồng.

 

Tại một quầy thịt, chị Đinh Tuyết Hồng đang hối hả cắt những miếng thịt còn lại cho khách. “Bây giờ quầy thịt sáng bóng và sạch sẽ, khác xa với trước nhiều rồi. Trước đây là bàn gỗ, bàn bêtông nhìn không vệ sinh cho lắm, từ khi dự án LIFSAP đầu tư thì cả khu này khang trang hẳn lên” – chị Hồng nói. Gần đó, chị Vy Đào Thanh Điệp cũng cho biết đã bán thịt tại chợ này trên 20 năm nhưng đến nay mới có sự thay đổi lớn: sạch sẽ hơn, an toàn hơn nên người dân cũng an tâm hơn khi vào chợ. “Từ ngày có quầy thịt mới thấy sạch sẽ hơn trước, thoải mái hơn hẳn. Dự án còn cho các móc treo để treo thịt lên, gọn gàng lắm. Mỗi ngày tôi bán được 50-80kg thịt heo các loại” – chị Điệp nói.

Không chỉ có hệ thống bàn ghế mới, dự án LIFSAP đầu tư hệ thống chiếu sáng riêng nên ngoài thịt rõ nguồn gốc và có dấu kiểm dịch của thú y, các tiểu thương cũng phải chọn loại thịt ngon để bán. “Bây giờ người tiêu dùng họ thận trọng lắm, thịt phải ngon, đẹp, không được bơm nước” – chị Điệp nói. Cầm một miếng thịt bên dưới không có nước, chị Điệp cho biết: “Như vầy là heo không bơm nước, nếu có nước đã chảy xuống bàn rồi”.

Theo bà Trần Thị Hiền – trưởng ban quản lý chợ Trần Văn Quang, trong nhà lồng của chợ có 30 bàn thịt được dự án LIFSAP tài trợ toàn bộ để nâng cấp gồm bàn bán thịt, hệ thống móc treo, điện nước… Dự án đi vào hoạt động từ cuối tháng 7-2013 và đã cho thấy sự thay đổi rõ rệt về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường tại khu bán thịt so với trước đây. “Không chỉ có điều kiện vệ sinh mà cả nguồn gốc thịt đưa vào chợ cũng được đảm bảo. Chúng tôi phối hợp với cơ quan thú y để kiểm tra nguồn gốc thịt đưa vào trong chợ, nếu không có nguồn gốc rõ ràng chúng tôi không cho bán” – bà Hiền khẳng định.

Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sạch

Theo Ban quản lý dự án LIFSAP TP.HCM, chợ Trần Văn Quang là một trong 11 chợ với 422 quầy sạp được dự án tài trợ đã đi vào hoạt động. Hiện dự án đang tiếp tục nâng cấp khu bán thịt cho bốn chợ là Phú Lâm (quận 6), Cầu Xáng (Bình Chánh), Thủ Đức B (Thủ Đức), Bàu Cát (Tân Bình) và tiếp tục đầu tư nâng cấp ba chợ thực phẩm ở Củ Chi. Ông Trần Phương Đông – phó giám đốc LIFSAP TP.HCM – cho biết nâng cấp điều kiện vệ sinh khu bán thịt tại các chợ chỉ là một hợp phần trong toàn bộ chuỗi cung ứng thịt sạch từ trang trại đến bàn ăn mà dự án LIFSAP TP.HCM đang thực hiện.

Theo ông Đông, mục tiêu chung của dự án là nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi thông qua nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi theo hướng chăn nuôi sạch từ trang trại đến bàn ăn ở các tỉnh có dự án. “Dự án còn hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất sạch cho các hộ nông dân, cơ sở giết mổ và các phương tiện vận chuyển chuyên dụng nhằm đưa các sản phẩm sạch từ trang trại đến tay người tiêu dùng thành phố” – ông Đông nói.

Ông Đặng Văn Được (xã Nhuận Đức, Củ Chi), hộ chăn nuôi đã tham gia dự án LIFSAP từ năm 2011 đến nay, cho biết việc tham gia chương trình này bước đầu đã có kết quả khả quan. Khi chúng tôi đến, gia đình ông Được vừa xuất trên 30 con heo thịt cho thương lái với mức lời mỗi con vài ba trăm ngàn, do giá heo mới tăng nhẹ. “Trước đây tôi nuôi heo chủ yếu theo kinh nghiệm, khi thấy rảnh là cho heo ăn, tiêm thuốc hay vệ sinh chuồng trại. Nhưng giờ tôi là người quản lý chuồng trại rồi, làm gì cũng đúng giờ giấc, định kỳ, có ghi chép hẳn hoi” – ông Được nói.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân cũng cho biết dự án LIFSAP mới thực hiện được ở các khâu riêng lẻ, trong khi sự kết nối cả chuỗi vẫn chưa có. Ông Đặng Văn Được cho biết hiện heo tại trại bán ra vẫn thông qua hệ thống thương lái và bán bằng giá heo thường. “Tôi mong muốn cơ quan nhà nước có thể kết nối với các nhà giết mổ để tiêu thụ nhằm xây dựng thương hiệu cho heo VietGAHP và LIFSAP tới tay người tiêu dùng để heo sạch phải có giá cao hơn”.

Theo ông Nguyễn Phước Trung – giám đốc dự án LIFSAP TP.HCM, đơn vị này đang lên danh sách các đơn vị sản xuất sạch trong chương trình LIFSAP rồi kết nối với các nhà tiêu thụ lớn như Vissan, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn… “Trong tháng 11, chúng tôi sẽ tổ chức một sự kiện kết nối giữa nhà sản xuất có chứng nhận và các nhà chế biến, tiêu thụ nhằm tạo đầu ra và xây dựng thương hiệu cho heo sạch” – ông Trung khẳng định.

TRẦN MẠNH

 

 

Nhiều tiểu thương muốn tham gia dự án

Theo ông Nguyễn Văn Thế – phó ban quản lý chợ Tam Bình (Thủ Đức), tiểu thương được dự án LIFSAP đào tạo định kỳ về các tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, và có những cam kết với dự án về tác phong, dụng cụ buôn bán phải đảm bảo thẩm mỹ, vệ sinh nên chất lượng gian hàng tươi sống được cải thiện rõ rệt. “Hiện chợ có 64 gian hàng thịt heo, bò, gà tham gia dự án LIFSAP đều kinh doanh hiệu quả, trung bình mỗi tuần gian hàng thuộc dự án LIFSAP có ba lần xịt rửa, xịt thuốc khử trùng xung quanh quầy sạp. Tiểu thương tham gia dự án không đóng thêm thuế phí, ngày đầu còn băn khoăn nhưng giờ thì ai cũng muốn vào LIFSAP” – ông Thế nói.

NGUYỄN TRÍ