26/11/2024

Câu dế cơm

Dân nhậu thành thị bây giờ vào quán hoặc nhà hàng khi gọi ‘mồi bén’ để đưa cay, trong thực đơn đã có thêm món đặc sản xuất xứ từ ruộng đồng là dế cơm lăn bột chiên giòn.

 

Câu dế cơm

Dân nhậu thành thị bây giờ vào quán hoặc nhà hàng khi gọi ‘mồi bén’ để đưa cay, trong thực đơn đã có thêm món đặc sản xuất xứ từ ruộng đồng là dế cơm lăn bột chiên giòn.

Con dế cơm khi lên bàn nhậu không còn phân biệt đực cái nhưng chúng sống với nhau có cặp có đôi, đặc biệt trong mùa sinh sản. Tổ ấm của vợ chồng nhà dế cơm là một cái hang thật sâu, có ngách để thoát thân, đào rất công phu, hang chính ở đáy có lót nhiều cỏ khô, lá bầu lá bí… Dế cơm trống to hơn dế cơm mái, thân hình chắc nịch, đầu to kềnh màu nâu nhạt, cặp mắt láo liên, lúc nào cũng như dọa nạt, miệng to có cặp răng nhọn sắc như hai lưỡi dao sẵn sàng xé nát địch thủ. Nhưng khi chiến đấu dế cơm lại ít cắn mà chủ yếu là cú đá hậu rất độc chiêu và dũng mãnh vì đôi chân to khỏe của nó còn được trang bị thêm hàng gai nhọn, khi búng hoặc đá hậu thì địch thủ chỉ từ chết tới bị thương. Dế cơm trống và mái đều có bộ cánh màu nâu nhạt, cặp cánh của dế trống hoa văn rất đẹp, tuy nhiên nó không gáy to, vang xa như dế đá mà chỉ ra âm thanh rè rè.

Trong họ nhà dế, chú dế cơm trống là một gã khổng lồ, oai vệ như võ sĩ đô vật.

Giữa mùa mưa dầm từ tháng 10 trở đi, loài dế cơm không biết từ ngóc ngách nào chui ra, lúc này chúng đã trưởng thành, đến giai đoạn bắt cặp, đào hang, xây tổ ấm làm nhiệm vụ sinh sản, duy trì nòi giống. Đây cũng là lúc bọn trẻ con thôn quê đi tìm bắt dế cơm, không phải để đá mà để rút… ruột, nhét hột đậu phộng vào, lăn bột rồi chiên giòn ăn chơi hoặc ăn cơm, còn người lớn thì làm mồi nhậu khoái khẩu.

Có nhiều cách bắt dế cơm, cách truyền thống là tìm hang để đào, hoặc đổ nước. Hai cách này vừa mất thời gian, vừa mất sức vì hang dế cơm rất sâu, đào rất cực mà đổ nước cũng mệt. Bọn trẻ con đào hang dế cơm bằng cuốc, một hang dế cơm, với sức khỏe của một đứa 9-10 tuổi phải đào từ 10 nhát cuốc trở lên, mất khoảng 5-7 phút. Nếu không đào thì đổ nước cho dế cơm ngộp thở, chịu không nổi cơn “hồng thủy” phải bò lên miệng hang và bị chộp. Nhưng muốn cho đôi vợ chồng nhà dế cơm nín thở trồi lên ít nhất cũng phải đổ liên tục cả chục thùng thiếc nước giếng. Cả hai cách bắt dế cơm truyền thống này rất mất sức, tốn nhiều thời gian; bọn trẻ con chỉ đào, đổ nước được khoảng 10-20 hang dế cơm là “oải chè đậu”. Và cũng chỉ bắt được 10-20 chú dế cơm là hết buổi.

Nhưng có một cách bắt dế cơm rất sáng tạo, rất nhanh của nông dân vùng Long Khánh, Đồng Nai. Đó là câu dế. Mới đầu nghe rất lạ, vì xưa nay chỉ nghe nói câu cá, câu ếch, câu lươn…chứ không nghe nói câu dế bao giờ. Họ chuẩn bị một cái chai xị (chai nước ngọt), bứt vài cọng bông cỏ, tìm một ổ kiến bù nhọt quơ cho chúng bám vào rồi bỏ những chú kiến đen hung dữ này vào chai làm “mồi”. Khi tìm được hang dế, người ta dùng cọng bông cỏ có mấy chú kiến bù nhọt xoáy vào hang. Những chú kiến sát thủ bò xuống tận đáy hang và xông vào tấn công đôi vợ chồng nhà dế cơm. Kiến bù nhọt cứ nhằm cái bụng béo núc ních của dế cơm mà cắn, bị cắn đau, dế cơm cứ búng chân nghe tách tách để xua kiến. Người bị kiến bù nhọt cắn còn đau buốt cả thịt da huống chi dế cơm, thế là khoảng 30 giây thôi, chịu không nổi, đôi vợ chồng nhà dế cơm phóng lên miệng hang để thoát thân. Lúc ấy “thợ câu” chỉ việc chộp đôi dế bỏ vào thùng. Cách câu như vậy vừa nhẹ nhàng, đỡ tốn công sức, vừa nhanh. Một buổi, bọn trẻ con có thể bắt vài trăm chú dế cơm để bỏ mối cho các quán nhậu, nhà hàng có món “đặc sản” ở Sài Gòn là chuyện thường.  

Từ Kế Tường