“Bài học” trên vỉa hè
Nhắc đến việc xâm hại tình dục trẻ em đường phố, nhiều người nghĩ rằng bé trai sẽ ít gặp phải hơn bé gái. Tuy nhiên, trên thực tế, các em nam cũng đối mặt với rất nhiều nguy cơ khác nhau trong cuộc sống bất định, rày đây mai đó của mình.
“Bài học” trên vỉa hè
Cậu bé thường đi ăn xin ở quận 1 và ‘người cha’ đang đếm tiền – Ảnh: Quang Định
Sa bẫy
Nhắc đến việc xâm hại tình dục trẻ em đường phố, nhiều người nghĩ rằng bé trai sẽ ít gặp phải hơn bé gái. Tuy nhiên, trên thực tế, các em nam cũng đối mặt với rất nhiều nguy cơ khác nhau trong cuộc sống bất định, rày đây mai đó của mình.
Theo công bố trong nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển bền vững phối hợp với Tổ chức phi chính phủ Fontana (Đan Mạch), trong 120 em được phỏng vấn, tỉ lệ các em nam bị xâm hại tình dục nhiều hơn hẳn so với trẻ em nữ. Trong đó không ít em trai đã bị dụ dỗ, xâm hại khi vừa “chân ướt chân ráo” bước vào thế giới vô cùng phức tạp trên đường phố.
Chẳng hạn như Bình, 13 tuổi, quê ở Bình Thuận. Vì nhà nghèo, hai em nhỏ vẫn còn đang đi học nên Bình quyết định bỏ nhà vào TP.HCM đi làm kiếm tiền gửi về cho mẹ nuôi em. Khi Bình vừa bước chân xuống bến xe miền Đông, một người chạy xe ôm trông rất hiền lành đã đến hỏi han em đủ thứ và kêu em lên xe chở đi ăn. Bình sợ nhưng vì đói quá nên em đồng ý. Rồi ông này đưa em về một căn nhà cũng khá rộng rãi, nói tạm thời cứ ở đây quét dọn và làm các công việc lặt vặt.
Ngày thứ nhất trôi qua bình yên. Đến đêm thứ hai, ông này chui vào giường ngủ của cậu bé và thực hiện hành vi đồi bại. Tới sáng hôm sau, canh lúc ông này không để ý, Bình tìm cách trốn thoát trong tâm trạng cực kỳ hoảng loạn. May mắn hơn Bình một chút, Bảo, 8 tuổi, đi bán vé số cùng với mẹ. Ngay trong ngày đầu tiên đi bán, một ông khách đã ngay lập tức ngoắt em vào và thẳng thừng đề nghị: “Cho chú coi cái đó của con rồi chú mua vé số cho!”. Hoảng hốt, Bảo vội vàng bỏ chạy…
Chấp nhận
Rồi từ cảm giác hoảng loạn ban đầu, cuộc sống đường phố với những bức bách mưu sinh dần đẩy các em vào chỗ thỏa hiệp, vì cho rằng quan hệ giữa nam với nam không bị mất mát gì. Nam, cậu bé bán vé số 9 tuổi, từng gặp phải tình huống như Bảo, nhưng khác với bạn mình, nỗi sợ của em lớn hơn: “Em sợ không bán được vé, bị nợ tiền, bị đánh nên em cho ổng đụng chạm”. Từ sờ má đến khắp người, rồi bộ phận sinh dục và cuối cùng là quan hệ tình dục, nhiều trẻ em nam đã trôi dần vào cuộc sống như một người hành nghề mại dâm nam. “Có em đã có người yêu nhưng vẫn tiếp tục hành nghề và chính bạn gái cũng chấp thuận vì các em xem đây là một nghề có thể kiếm ra tiền để cùng nhau chung sống” – chị H.L., một giáo dục viên đường phố thuộc nhóm CTXH Cây Mai, cho biết.
Không chỉ người Việt, nhiều khách du lịch nước ngoài cũng có sở thích bệnh hoạn này với trẻ em nam. “Có mấy ông Tây thích chơi với con trai lắm, bữa nào bán ế thì em cũng theo tụi nó đi chơi với mấy ổng” – Long, một cậu bé bán kẹo, thuốc lá trên đường Bùi Viện (quận 1, TP.HCM), cho biết.
Trong nhóm Long, tất cả các em đều rất quen thuộc với một ông Tây tên S.. Ông S. đặc biệt rất quan tâm, chăm sóc một cậu bé 10 tuổi tên Khánh. Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 4 giờ bất kể trời mưa nắng, ông S. đều đến khu này đón Khánh đi ăn, đi chơi. Dịp tết còn dắt Khánh về nhà chơi suốt mấy ngày và lần nào gặp lại các bạn, Khánh cũng có rất nhiều tiền để sẵn sàng bao cho các bạn ăn uống thoải mái.
Trên thực tế, có một số lượng không nhỏ trẻ em nam trên đường phố hiện nay là trẻ đồng tính. Không ít bậc cha mẹ khi nghe con thú nhận hoặc lúc phát hiện điều đó đã thường xuyên chì chiết, la mắng, coi thường các em. Hậu quả là nhiều em đã bỏ nhà đi vì không chịu được các áp lực kỳ thị vô hình. Câu “mày đi cho khuất mắt tao” của cha An cứ lặp đi lặp lại liên tục bên tai em. Chính vì thế, năm 13 tuổi, An đã quyết định bỏ nhà ra đi. Lang thang ngoài khu Cầu Muối, ai kêu “đi khách” An cũng sẵn sàng để kiếm tiền sinh sống. Còn P.T., đã bỏ nhà đi từ năm 16 tuổi. Ra khỏi nhà, đi làm có tiền, P.T. dần dà gom góp tiền để đi bơm silicon, có ngực cho giống con gái. Sống lang thang trên đường phố, đi hát đám ma, diễn xiếc, còn chuyện khách sờ mó, đùa giỡn trên thân thể em diễn ra như cơm bữa.
Nuôi cả gia đình
Trẻ đường phố, theo cách xác định hiện nay không còn bó hẹp trong khái niệm “trẻ em rời bỏ gia đình hoặc không có nhà để trở về, trẻ em từ các tỉnh lên thành phố kiếm sống và làm các công việc có nguy cơ cao trên đường phố” nữa. Trong số này có không ít em “có nhà ở TP.HCM nhưng chỉ về nhà để ngủ hoặc thỉnh thoảng mới về nhà”. Thậm chí, tỉ lệ trẻ có nhà còn chiếm số lượng áp đảo hẳn so với trẻ lang thang không gia đình, do số lượng người nhập cư theo cả gia đình vào thành phố ngày càng đông.
Tuy nhiên, nhà “có cũng như không”, một số lượng lớn các em phải đi làm chung với cha mẹ, hoặc thậm chí chỉ có mình em đi làm, cha mẹ chỉ việc ở nhà chờ tiền về. Thanh (12 tuổi) là một cô bé có gương mặt xinh xắn, nói chuyện lanh lẹ, nhanh nhẹn ở khu trung tâm quận 1. Việc mỗi ngày cắp rổ đi bán bánh kẹo, thuốc lá, kể cả cho khách nước ngoài, rồi đứng ở trạm xăng xin tiền đối với em không có gì là khó khăn, một ngày em có thể kiếm được từ 500.000-600.000 đồng. Toàn bộ số tiền này Thanh đều phải mang về nộp cho ba mẹ.
Ba mẹ Thanh đều là những người hoàn toàn lành lặn, khỏe mạnh nhưng thu nhập của gia đình chỉ nhờ chủ yếu vào con gái. Khi Thanh được các giáo dục viên đường phố cho đi học, dù em học rất giỏi, rất thích học nhưng năm lần bảy lượt mẹ em đều bắt Thanh phải nghỉ học ở nhà vì “đi học đâu có kiếm ra tiền”. Thậm chí đêm Trung thu đang chơi với các bạn vui vẻ Thanh cũng phải đến gặp giáo dục viên, mặt buồn thiu đòi về: “Tới giờ con phải đi bán rồi cô, con không bán được hàng thì ba mẹ sẽ đánh con chết, cô cho con về đi cô!”. Bên ngoài, cha em đã chạy xe đến chờ sẵn…
Phải cho con cái chữ Tuy nhiên, thời gian gần đây, với nỗ lực của các tổ chức xã hội trong việc chuyển hướng tiếp cận sang phụ huynh, nhiều bậc cha mẹ đã bắt đầu có những thay đổi tích cực… … Căn phòng bé nhỏ chưa đến 8m2 của gia đình em Nguyễn Minh Khôi (12 tuổi, học lớp 3) nằm khuất sâu trong khu nhà trọ tối om, ẩm thấp ở khu vực Rạch Bùng Binh (phường 9, quận 3). Quê ở Quảng Ngãi, cả nhà em dắt díu nhau vào thành phố cách đây gần bốn năm. Cha mẹ mải miết bươn bả đi làm mướn kiếm cơm, việc học của Khôi đã bị ngừng hẳn lại. Mỗi ngày từ 4g sáng, em đã phải theo mẹ ra quán cơm, đến tối thì mẹ dắt về. Mọi chuyện cứ như thế cho đến khi mẹ em nghe nói đến Trường Ánh Sáng có dạy học miễn phí. Nghỉ một bữa làm, bà cùng con đi bộ 2 cây số lên xin cho Khôi đi học. “Lúc đó tôi nghĩ rằng bằng mọi giá phải cho con đi học, mình không cho được con tiền bạc thì phải cho nó cái chữ” – bà Nguyễn Thị Minh kể lại. Đến nay, Khôi đã đi học lại được hai năm. “Có lúc em xin đi bán vé số phụ nhưng mẹ không cho, mẹ nói em chỉ cần học là được rồi” – Khôi rụt rè cho biết. |
ĐOÀN BẢO CHÂU