Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Có những việc trẻ có thể làm được nhưng do cha mẹ cứ lo lắng, ôm đồm làm thay mọi việc khiến họ trở thành “gấu mẹ” của một thế hệ “gấu bông”.
Có những việc trẻ có thể làm được nhưng do cha mẹ cứ lo lắng, ôm đồm làm thay mọi việc khiến họ trở thành “gấu mẹ” của một thế hệ “gấu bông”.
6 tuổi làm được, 9 tuổi lại không?
|
Cuối tuần, dù vợ chồng chị Lê Vân Quyên, nhân viên một ngân hàng quốc tế tại Việt Nam, ra khỏi nhà từ sớm nhưng không phải băn khoăn nhiều cho 2 con gái ở nhà. Khi em gái hơn 2 tuổi ngủ dậy, Chi Mai (6 tuổi) làm vệ sinh cá nhân, thay đồ cho em sau đó cùng ăn bánh, uống sữa. Ăn sáng xong, 2 chị em chơi trò chơi. Chị Vân Quyên dặn con: “10 giờ 30 Chi Mai cắm nồi cơm điện chờ 11 giờ mẹ về chế biến thức ăn cho bữa trưa”. Ngoài ra, hằng ngày Chi Mai còn có nhiệm vụ rửa chén, thu và xếp quần áo còn em Hiền Anh thì dọn chén vào bồn, cất khăn ăn…
Trong khi đó, một phụ huynh than thở: “Hai con nhà mình, một cháu 8 tuổi, cháu 10 tuổi, lười quá. Quần áo đi học, đi đá banh về chúng rải từ tầng 1 lên tầng 4, suốt ngày mình phải đi nhặt để giặt. Thức ăn có xương không ăn, lớn như thế mà bố vẫn phải tắm cho đấy…”. Có phụ huynh vẫn phải bóc tách trái nhãn, chôm chôm cho con đã 9 tuổi vì con không biết làm!
Còn một phụ huynh tại Q.1 đã từng điện thoại đến trung tâm tư vấn của Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM xin tư vấn cách dạy con. Phụ huynh này lo âu: “Nhìn thấy mẹ dọn dẹp nhà cửa, lau chùi trần nhà cao, nguy hiểm vậy mà con trai tôi đang học THPT vẫn ngồi xem ti vi, không hề đứng dậy phụ giúp mẹ”.
|
Mạnh dạn giao việc tùy theo sức của trẻ
Nhiều người cho rằng trẻ con ở nông thôn có ý thức tự giác đỡ đần việc nhà cho cha mẹ hơn trẻ con ở thành phố. Lý do một phần vì trẻ con nông thôn phải cùng cha mẹ lao động hằng ngày.
Gia đình chị Lê Vân Quyên thống nhất không thuê người giúp việc mà sẽ tự làm việc nhà và hướng dẫn con cái làm cùng. Chị Quyên cho biết: “Khi các cháu còn nhỏ thì khuyến khích các cháu làm những công việc nhỏ, đơn giản, hợp với thể lực và tư duy của trẻ như dọn dẹp đồ chơi khi chơi xong, lau bàn ghế, cất chăn màn, mang rác ra thùng… Lớn hơn một chút các cháu giúp mẹ những công việc phức tạp hơn như nhặt, rửa rau quả, quét, lau nhà, phơi, gấp, rút quần áo hay làm một số đồ ăn đơn giản như pha nước ngọt, làm sữa chua…”.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh giải thích: “Ngay từ 2 tuổi, trẻ thích làm theo người lớn nên hãy tập cho trẻ làm”. Bà Linh hướng dẫn: Đến 5 tuổi tập cho trẻ thói quen ngồi bàn, học xong phải sắp xếp gọn gàng, thay đồ để đúng vị trí. 8 tuổi cho trẻ nấu cơm bằng nồi cơm điện nhưng phải đảm bảo an toàn, hướng dẫn kỹ năng xử lý thì lúc giao việc sẽ không cảm thấy lo lắng. Hãy phân công công việc tùy theo độ tuổi hay chọn một ngày trong tuần để cả gia đình cùng làm.
Ngoài việc biết giúp đỡ ba mẹ, tạo thói quen cho con làm việc nhà, tự lập còn có nhiều lợi ích khác. Bà Mỹ Linh nhấn mạnh: “Trẻ được rèn kỹ năng làm việc sẽ dễ hòa nhập cộng đồng hơn những trẻ chưa từng làm việc. Khi trưởng thành, biểu hiện rõ nhất là sẽ tự tin, biết cách quản lý thời gian, sắp xếp công việc tốt hơn. Ngoài ra, không chỉ có ý thức tự lập sớm, biết chăm sóc bản thân mà trẻ còn biết quan tâm chăm sóc người khác”.
Hướng dẫn từng bước một
Trước khi bảo cháu làm một việc gì đó, tôi thường nói vắn tắt các bước thực hiện để các cháu nắm được tổng quan. Việc này sẽ giúp trẻ định hình được mình đang làm khâu nào trong một công việc và bước tiếp theo sẽ là gì. Khi các cháu làm, cha mẹ nên quan sát và nhắc nhở để các cháu hoàn thành công việc tốt nhất. Nếu lỡ con chưa làm đúng ý của mẹ thì nên nhắc nhở nhẹ nhàng, không quát mắng, trách cứ vì thực ra chúng vẫn còn rất vụng về và mải chơi. Khi đã làm tốt công việc nào đó, bạn nên giao dứt điểm việc đó cho con và khen thật ngọt ngào để cháu có động lực, tích cực hơn. Bành Huyền Trang - Phụ huynh học sinh Q.3, TP.HCM
|
Bích Thanh